Bất thường trong quy trình bổ nhiệm bình thường

Lương Duy Cường Thứ bảy, ngày 05/10/2019 09:34 AM (GMT+7)
Hai ngày nay, không chỉ các trang mạng xã hội mà cả báo chí chính thống cũng “nóng” lên quanh việc nữ Trưởng phòng Hành chính Quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk - bà Trần Thị Ngọc Thảo - bị phát hiện chỉ mới tốt nghiệp cấp 2 nhưng sử dụng bằng cấp 3 và tên của chị gái Trần Thị Ngọc Ái Sa để tiến thân.
Bình luận 0

Chuyện có thực 100%, vì thông tin đã được xác tín tại buổi gặp gỡ, thông tin nhanh cho báo chí do Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức vào trưa 4/10. Theo đó, năm 1999, bà Thảo xin vào làm nhân viên của một công ty thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk. Do doanh nghiệp yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp cấp 3 nhưng bà chưa học, chưa có bằng cấp 3 mà gia đình quá khó khăn nên mới lấy bằng cấp của chị gái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa để hoàn thiện hồ sơ. Sau đó, bà dùng bằng cấp này đi học trung cấp, cao đẳng rồi đại học từ xa để có bằng kế toán, từ đó mới được nhận vào làm nhân viên kế toán nhà khách tỉnh, phụ trách nhà khách rồi được điều động về Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy.

img

Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk, nơi bà Trần Thị Ngọc Thảo (dưới tên của chị gái là Trần Thị Ngọc Ái Sa) từng làm việc.

Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng thông tin rõ là ngoài việc đã nêu thì “quy trình đề bạt, bổ nhiệm bình thường". Nữ cán bộ này cũng thừa nhận việc làm giả hồ sơ, đồng thời nói rất xấu hổ nên xin thôi việc nhưng chưa được chấp nhận vì còn phải xử lý triệt để các sai phạm của bà cũng như những người liên quan đến việc đề xuất, cất nhắc.

Tuy thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk là vậy, nhưng không chỉ mạng xã hội mà ngay cả trên báo chí chính thống vẫn có những bài viết đặt vấn đề về cái mà Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định là “quy trình đề bạt, bổ nhiệm bình thường". Có báo còn nói rõ bà Thảo xuất thân là thợ cắt tóc gội đầu tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), được tuyển vào làm nhân viên Nhà khách Tỉnh uỷ Đắk Lắk, kế toán Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk, rồi lên chức trưởng phòng. 

Cho nên, vụ việc không chỉ dừng lại ở cá nhân bà Thảo và hành vi cũng không chỉ là gian dối, sử dụng bằng giả, mà là sử dụng cả hồ sơ lý lịch cá nhân hoàn toàn giả mạo để luồn vào trong tổ chức quan trọng của Đảng tại Đắk Lắk, như thế là “gian dối tày trời” mà chắc chắn một nữ nhân viên tiệm hớt tóc gội đầu dù xinh như bà Thảo cũng không thể nghĩ ra và tự làm được. Vậy thì "bàn tay bẩn" nào đã thực hiện hành vi gian dối trong suốt quá trình tuyển dụng, nâng đỡ cho bà Thảo?

img

Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin với các cơ quan báo chí.

Suy luận như vậy khiến nhiều người liên tưởng đến những vụ người đẹp được nâng đỡ để thăng quan tiến chức bất thường trong cơ quan nhà nước, mà điển hình nhất có lẽ là vụ “hot girl” Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng, trong thời gian rất ngắn được nâng đỡ để bổ nhiệm thần tốc làm phó rồi trưởng phòng, được đề nghị quy hoạch phó giám đốc sở, kết nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Vụ này thì quá rõ, và Trung ương đã kỷ luật các cán bộ liên quan, trong đó có một phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là ông  Ngô Văn Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.

Kể ra như vậy để thấy, chuyện “quan lộ bất thường” đối với người này người khác, kể cả với những nữ nhân viên xinh đẹp ở nước ta là có thật, thậm chí là rất nhiều, và có những vụ đã lộ tẩy và bị xử lý.

Nhưng chuyện sử dụng bằng cấp giả hay làm giả hồ sơ lý lịch giả thì vô cùng vô tận, kể không thể hết. Có vị làm đến bí thư tỉnh ủy mà còn làm giả hồ sơ để chỉ lấy một cái danh anh hùng. Giả đến cả học hàm học vị tiến sĩ, giáo sư, chứ cái bằng cấp 3 mà bà Thảo sử dụng thì chẳng nghĩa lý gì. Lắm người chỉ thấy hồ sơ ghi học hàm học vị cao ngất mà có dám công khai xưng hô trước bàn dân thiên hạ đâu?

img

Bà Thảo sử dụng bằng của chị gái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa để học tập và xin việc. Ảnh: LĐ.

Cho nên, chuyện của bà Thảo, ngẫm cho cùng thì cũng chỉ là một trong vô vàn của thảm loạn về bằng cấp giả và hồ sơ, lý lịch giả mà thôi. Chuyện giả dối nào mà không cần phải đả phá, huống hồ là dùng bằng cấp, hồ sơ giả để tiến thân? Cơ quan, đoàn thể mà dung chứa những người có hành vi như vậy, dù là cố tình hay vô tình, thì cũng khó tạo ra được sản phẩm gì tử tế cho dân, cho nước. Đấy là chưa nói đến một cơ quan “trọng yếu, cơ mật” là văn phòng của một tỉnh.

Nhưng ngẫm cho cùng, nếu thực sự bà Thảo không vì động cơ khác quan trọng hơn nữa, mà chỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cần kiếm một việc làm, khi có việc làm rồi thì được thăng quan tiến chức đúng “quy trình đề bạt, bổ nhiệm bình thường" như lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk công bố, thì cũng nên được nhìn ở góc độ thiện chí hơn. Con người ta ai cũng ham hố, dĩ nhiên là không thể chấp nhận kiểu ham hố như bà Thảo đã làm. Nhưng đưa cái việc “là nhân viên tiệm hớt tóc, gội đầu” hay nhan sắc của một phụ nữ ra mà phỉ báng thì không nên chút nào. Phụ nữ nhan sắc cũng có quyền có việc làm và nhu cầu thăng tiến như tất cả mọi người, “nhân viên tiệm hớt tóc, gội đầu” thì cũng có quyền để thay đổi công việc khác, kể cả việc vào cơ quan nhà nước để rồi tương lai có thể là những nhà lãnh đạo thì cũng bình thường mà. Nhan sắc thì đâu có tội, mà hớt tóc hay gội đầu thì cũng là việc tử tế cả.

img

Đơn trình bày của bà Thảo nói rõ sự việc "mượn tên" chị gái và xin thôi việc.

Vấn đề là, sau khi đã “có sai sót” và hoàn toàn không phát hiện được cho đến khi có tố cáo, thì việc Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk rất nhanh chóng khẳng định “quy trình đề bạt, bổ nhiệm bình thường" ấy, thay vì rất đáng biểu dương lại khiến nhiều người phải dè dặt. Dè dặt bởi không chắc những gì được lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk khẳng định là “bình thường" sẽ đúng là bình thường?

Cho nên, cái đáng để phải nói không phải là bà Thảo, mà chính là cái quy trình tuyển dụng nhân sự và đề bạt, bổ nhiệm đã được xem là “bình thường" ấy. Liệu cái quy trình ấy chỉ sinh ra mỗi bà Thảo hay còn nhiều những bà Thảo khác? Rồi liệu sự việc chỉ xảy ra ở văn phòng tỉnh ủy, liên quan đến ngang cấp trưởng phòng như bà Thảo hay còn cao hơn nữa và nhiều cơ quan đơn vị khác nữa? Ở một cơ quan “trọng yếu, cơ mật” mà còn để có chuyện bất thường như thế thì ở những cơ quan đơn vị khác, những nơi không “trọng yếu, cơ mật” sẽ còn thế nào?

Vấn đề là ở chỗ đó, vẫn âm ỉ đâu đó sự bất thường ngay chính trong những sự bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem