Tiến sĩ Nguyễn Dũng - chuyên gia nghiên cứu về Ukraine thuộc Trường Đại học Kiev nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn của NTNN ngày 25.5.
Cuộc bầu cử ở Ukraine đã diễn ra, bất chấp những dự đoán trước đó cho rằng khó xảy ra. Diễn biến trong ngày bầu cử 25.5 như thế nào, thưa ông?
- Thời tiết ở Kiev nắng đẹp, khá thuận lợi cho cử tri đi bỏ phiếu. Nơi tôi sống, người dân cũng rất quan tâm đến cuộc bầu cử này. Nhiều người coi cuộc bầu cử ngày hôm nay là sự lựa chọn cho tương lai của chính họ. Tôi nhận thấy, nhiều người dân Kiev mong chờ cuộc bầu cử này như một giải pháp giúp đất nước thoát khỏi tình cảnh hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi đứng trước bờ vực sụp đổ và bóng ma nội chiến ám ảnh, bất cứ giải pháp nào mang lại hi vọng cho người dân đều đáng được đón đợi.
Cựu Thủ tướng Ukraine Tymoshenko cùng chồng đi bỏ phiếu bầu. Reuters
Trên toàn đất nước Ukraine có khoảng 34.000 điểm bầu cử đã mở cửa từ sáng để đón 35,5 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu bầu tổng thống, bao gồm cả những cử tri ở khu vực miền Đông hiện do lực lượng nổi dậy kiểm soát và khu vực Crimea.
Có 17 ứng cử viên trong cuộc đua này, trong đó ứng cử viên hàng đầu là tỷ phú, người được mệnh danh là "Vua Sôcôla" Petro Poroshenko. Nhân vật này nhận được 45% số phiếu ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, bỏ xa cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, người nhận được 7,5% số phiếu. Các ứng cử viên có hy vọng khác bao gồm một số chính khách thân Nga và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, song không ai dự kiến sẽ giành được quá 7% số phiếu ủng hộ.
Nếu không có ứng cử viên nào hơn 50% số phiếu bầu, vòng bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 15.6 tới.
Trong trường hợp cử tri ở các vùng miền Đông, Nam Ukraine tẩy chay cuộc bầu cử, cùng với đó là an ninh tại các khu vực này không đảm bảo, liệu kết quả của cuộc bầu cử có được công nhận không, thưa ông?- Đây chính là vấn đề mấu chốt trong cuộc bầu cử này. Mọi thứ nhìn bề ngoài đang có vẻ thuận lợi, nhưng riêng cuộc bầu cử này, ngay cả khi có kết quả vẫn không thể nói lên được điều gì.
Như chúng ta biết, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố sẽ công nhận cuộc bầu cử ở Ukraine và sẵn sàng đối thoại với ban lãnh đạo mới. Tuy nhiên, mức độ chấp nhận của Mátxcơva phải tùy thuộc vào nhân vật được Kiev lựa chọn. Nếu tân lãnh đạo là người mà Nga “không ưa”, những điều kiện cần và đủ cho một cuộc bầu cử hợp pháp lúc đó sẽ được mổ xẻ kỹ hơn. Và câu trả lời của tôi nằm chính trong câu hỏi của bạn.
Điều gì khiến Tổng thống Nga đưa ra tuyên bố khá ngạc nhiên như vậy đối với cuộc bầu cử ở Ukraine mà nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc bầu cử này có thể sẽ có lợi cho người Ukraine, nhưng lại không mấy tốt đối với Mátxcơva?
Các điểm bỏ phiếu ở Ukraine sẽ đóng cửa vào lúc 23 giờ đêm 25.5 (theo giờ Việt Nam), kết quả bầu cử sẽ được công bố trong ngày 26.5. Có 2.784 quan sát viên đến từ 19 quốc gia và 19 tổ chức quốc tế làm nhiệm vụ giám sát cuộc bầu cử tại Ukraine. Khoảng 55.700 cảnh sát và 2.000 tình nguyện viên được huy động để đảm bảo an ninh trên khắp Ukraine.
|
- Trong các mối quan hệ giữa các nước trên thế giới hiện nay đều có sự ràng buộc, các thỏa thuận lợi ích và tiềm ẩn cả các mối đe dọa lẫn nhau. Có rất nhiều lý do để Mátxcơva phải tán thành cuộc bầu cử.
Thứ nhất, dù Nga muốn hay không thì bầu cử vẫn là công việc nội bộ của Ukraine. Thứ hai, nếu cuộc bầu cử thất bại, đó có thể sẽ là căn cứ để Liên minh châu Âu áp đặt trừng phạt kinh tế cấp độ ba đối với Nga. Thứ ba, với việc công nhận cuộc bầu cử này, Mátxcơva muốn chứng tỏ rằng, những cáo buộc của phương Tây khi cho rằng, Mátxcơva đứng sau những cuộc bạo động, kích động ly khai ở Ukraine là hoàn toàn không có căn cứ.
Thưa ông, nếu dựa vào những nhận định nói trên, việc Tổng thống Putin tuyên bố công nhận cuộc bầu cử ở Ukraine, sẽ là yếu tố để khiến cuộc bầu cử này trở thành “chìa khóa” để giúp chấm dứt những bế tắc chính trị ở Kiev hiện nay?- Đừng quá kỳ vọng rằng cuộc bầu cử ngày 25.5 sẽ giúp chấm dứt bế tắc chính trị ở Kiev, bởi bản chất của chính quyền Kiev hiện nay không do chính nội lực của họ tạo nên. Một khi vẫn còn sự can thiệp và sắp xếp từ bên ngoài, Kiev vẫn chưa thể yên ổn và Nga vẫn còn nhiều con bài chưa sử dụng.
Có điều dễ nhìn thấy nhất hiện nay là dù ai được bầu chọn trong cuộc bỏ phiếu này thì cũng phải gánh trên lưng trách nhiệm nặng nề. Tân Tổng thống không chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách trước những nguy cơ đất nước phân chia, khủng hoảng kinh tế cũng như thâm hụt ngân sách khổng lồ, mà còn sẽ phải thực thi các đường hướng chính, trong đó có việc cải cách hiến pháp.
Xin cảm ơn ông!
Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.