Khán giả nông thôn dễ bị lừa
Cho đến bây giờ rất nhiều người dân tại Quảng Nam vẫn bức xúc khi nhớ lại vụ việc cách đây không lâu đơn vị tổ chức một chương trình ca nhạc đã thu tiền của họ nhưng lại không diễn ra theo đúng nội dung đã quảng cáo trước đó. Ngày 27.5, bầu show Huỳnh Kim Thành (Đà Nẵng) cùng Nguyễn Văn Dũng (xã Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam) xin giấy phép "tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang" tại nhà hàng Hoa viên Đức Phú (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình). Chương trình được quảng cáo rầm rộ với các ca sĩ nổi tiếng như Vĩnh Thuyên Kim, Hồ Quang Hiếu, Minh Hằng, Bảo Thy, Nguyễn Phi Hùng… nên rất đông người dân mua vé, với giá 50.000 đồng/vé.
|
Bầu sô Huỳnh Kim Thành cùng băng rôn quảng cáo chương trình tại cơ quan công an. |
Thế nhưng, khán giả đợi đến tối khuya cũng chỉ có mỗi ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim ra biểu diễn và đêm nhạc kết thúc nhanh chóng nên họ rất phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng đoàn ca nhạc lừa đảo để bán vé lấy tiền nên ngày 29.5, hàng trăm người vây kín đoàn nghệ thuật của DNTN Bảo Huy Hân tại nhà hàng Hoa viên Đức Phú, bắt giữ ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim và bầu sô để đòi trả lại tiền vé.
Đây chỉ là một trong rất nhiều những vụ việc lừa đảo khán giả diễn ra tại các tỉnh và khu vực ngoại thành các thành phố lớn. Các bầu sô thường lợi dụng tâm lý khán giả nông thôn ít hiểu biết về đời sống nghệ thuật nên lừa đảo theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Chính vì vậy, trong nội dung Công văn số 458/NTBD-PQL của Cục Nghệ thuật biểu diễn nêu: “Yêu cầu, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, trước, trong và sau khi kết thúc các chương trình tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đã được cấp phép. Đặc biệt là các chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang tại các quận huyện, thị trấn xa trung tâm. Trường hợp phát hiện sai phạm nghiêm trọng có thể lập biên bản tại chỗ và tạm dừng chương trình, tiết mục biểu diễn sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Chúng tôi ra công văn số này là thực hiện chỉ đạo của Bộ, hiện nay một số địa phương sau khi cấp phép cho các tổ chức cá nhân thì họ thường đi tổ chức biểu diễn ở một số huyện xa trung tâm, nên dễ dàng làm bậy mà thiếu sự giám sát quản lý của các cơ quan văn hóa. Tôi nghĩ cần có sự phối hợp từ trên xuống dưới, từ trung ương tới các địa phương, các cơ sở để tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm”.
Nhiều kẽ hở để “làm bậy”
Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra, liệu công văn này có được các cơ quan quản lý thực thi một cách nghiêm ngặt hay không bởi trước đó đã có Chỉ thị 65 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL với những điều luật, quy định cụ thể rõ ràng, tuy nhiên việc vi phạm của các đơn vị tổ chức vẫn nghiễm nhiên diễn ra. Theo ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM, Chỉ thị 65 về chấn chỉnh biểu diễn ca nhạc, thời trang đã làm liên tục 1 năm nay, văn bản vẫn có giá trị, hiệu lực. “Công văn do Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi đi hoàn toàn không có gì mới mà cũng chỉ là trên tinh thần Chỉ thị 65 của Bộ trưởng VHTTDL mà thôi”- ông Võ Trọng Nam chia sẻ.
Theo quan điểm của tôi thì tất cả những đơn vị tổ chức chưa có uy tín khi về địa phương khác biểu diễn thì cần phải được Sở VHTTDL tại đó cấp phép lại và được tổng duyệt. Có như thế thì tình trạng vi phạm, lừa đảo mới chấm dứt”.
Bà Hoài Oanh
Còn theo NSƯT Quốc Chiêm – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, trong thời gian vừa qua đúng là có nhiều cơ quan quản lý văn hóa đã để thả nổi cho nhiều đơn vị tư nhân muốn làm gì thì làm và một phần những đơn vị tư nhân làm bậy bạ là do chính những người đứng đầu của đơn vị đó không có kiến thức về chuyên môn.
Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Thanh (Hà Nội) cho rằng: “Nếu ngay từ đầu các đơn vị tư nhân không chấp hành đúng luật, đã có những sai phạm thì đương nhiên về sau sẽ gặp khó khăn và sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn. Tuy nhiên giá như giữa các đơn vị tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên gặp gỡ và trao đổi về nội dung chương trình thì mọi khúc mắc, khó khăn sẽ được tháo gỡ một cách dễ dàng và sẽ ít xảy ra vi phạm hơn”.
Bà Nguyễn Thị Hoài Oanh – Giám đốc Công ty CP Giới thiệu văn hóa nghệ thuật Đông Đô thì bày tỏ: “Vừa qua, những sự vụ lùm xum trong biểu diễn mà dư luận lên tiếng là do có quy định khi các tỉnh cấp phép rồi thì Hà Nội không được phép tổng duyệt. Đây chính là quy định tạo kẽ hở để nhiều đơn vị tổ chức lạ, nhỏ lẻ không tên tuổi, không thương hiệu làm bậy bạ. Ví dụ nhiều đơn vị tổ chức ở tại các tỉnh như Hải Phòng, Thanh Hóa… xin cấp phép tổ chức tại các tỉnh đó nhưng sau đó lại không biểu diễn ở đó mà mang ra Hà Nội biểu diễn và Sở VHTTDL Hà Nội lại không được quyền tổng duyệt”.
Như vậy có thể thấy, tình trạng các show diễn lừa đảo chưa thể chấm dứt nếu Cục Nghệ thuật biểu diễn chưa có thêm quy định chương trình đã được cấp phép ở địa phương này thì vẫn phải được kiểm duyệt, thẩm định ở địa phương đến xin biểu diễn. Bởi vì dù Cục có trao thêm quyền “tạm dừng chương trình nếu có sai phạm” cho Sở VHTTDL các địa phương thì cũng chỉ giải quyết phần ngọn và hậu quả khi sự đã rồi.
Thanh Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.