Thân cây tre cao 25 m, đường kính hơn 20 cm, mỗi lóng dài hơn 60 m, chặt một cây măng hàng chục hộ dân ăn mới hết.
Không tiết lộ ra ngoài
Năm 2015, chính quyền xã Trà Nam mang một ít lóng tre xuống nhà trung tâm văn hóa huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trưng bày trong lễ hội sâm núi Ngọc Linh. Mỗi ống tre dài hơn 60 cm, rộng 20 cm đưa ra đã khiến cho nhiều đến đây tham quan phải ngỡ ngàng. Vì là lần đầu tiên họ thấy một loại tre to như vậy nên không ít người thay nhau ôm khúc tre chụp ảnh mà bỏ quên xem những gian hàng bày bán sâm Ngọc Linh - loại sâm quý nhất thế giới.
Rừng tre khổng lồ trên núi Ngók Cung
Thời điểm đó, ông Hồ Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã Trà Nam khẳng định trên dãy núi Ngọc Linh rộng lớn có nhiều loại tre sinh trưởng nhưng tre khổng lồ chỉ có ở địa phương mình. Tuy nhiên đang vào mùa mưa, đường sá đến rừng tre rất khó khăn. Sau 3 năm, tôi quay lại “thánh địa sâm Ngọc Linh” và không quên loài tre khổng lồ hơn ba năm trước được chiêm ngưỡng nên hỏi đường để “mục sở thị”.
Từ trung tâm huyện Nam Trà My theo quốc lộ 40B đi tỉnh Kon Tum chừng 10 km thì rẽ phải lên cầu Trà Nam bắc qua sông Tranh. Từ đây đi khoảng 10 km đến làng Long Riêu (thôn 5, xã Trà Nam) nằm khuất giữa những cánh rừng nguyên sinh. Người dân chỉ đường rừng tre khổng lồ nằm trên núi Ngók Cung nhưng đến đó mất hơn 1 giờ cuốc bộ vượt núi.
Tuy nhiên thời điểm này người dân lên núi đốt nương rẫy trồng lúa, ngô, sắn nên trong làng chỉ còn vài người lớn tuổi ở nhà. May mắn khi được già làng Hồ Văn Thạch đồng ý dẫn đường. Trên đường đi, chúng tôi gặp hai thanh niên đang lên núi và được họ đồng ý cho nhập đoàn.
Những cây tre, măng mọc san sát giữa rừng
Ở lưng chừng ngọn núi Ngók Cung nhiều bụi tre mọc san sát vươn ngọn thẳng đứng. Mỗi bụi có khoảng 300 cây, thân cao hơn 25 m thẳng đuột, đường kính khoảng 20 cm, mỗi lóng dài 60 cm. Giữa bụi tre búp măng có màu đỏ rực, không giống như màu vàng của các loài tre khác.
Già Thạch khẳng định, loài tre khủng này chỉ có duy nhất tại núi Ngók Cung. Người dân trong làng đã đi quanh dãy núi Ngọc Linh nhưng không phát hiện có một loại tre nào to bằng tre ở đây. Cũng vì thế mà dân làng Long Riêu xem tre khổng lồ là báu vật được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho làng mình. Đã nhiều lần người dân đưa về trồng quanh làng và chăm sóc cẩn thận nhưng không một cây nào sống.
“Một năm, người Ca Dong ở làng Long Riêu chỉ chặt một vài cây và phân thành những đoạn ngắn đưa về làm vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Còn để nguyên cây phải cần đến hàng chục thanh niên vác mới đưa về được”, già Thạch nói và cho biết một cây tre hạ xuống có đến mấy chục ống, cả làng chỉ đốn một cây sẽ dùng đủ, đặc biệt tre để rất lâu mới hư hỏng nên vài năm chặt một cây dùng.
Một đoạn tre được phân khúc có đường kính 20 cm
Ông Thạch cũng không biết những cây tre này có từ bao giờ, khi lớn lên được cha mẹ chỉ lên đây để lấy tre về làm ống đựng lúa, ngô giống; ống đựng nước và gối ngủ. Người đi trước luôn dặn con cháu đây là tre quý nên phải bảo vệ, chỉ khi có việc cần mới được đốn hạ.
“Rừng tre tồn tại nguyên vẹn đến ngày hôm nay do người dân Ca Dong biết cách bảo vệ và yêu quý nó. Mỗi khi ai có việc cần đốn tre về làm đồ vật trong nhà phải xin phép với già làng. Mọi người trong làng phải tuân thủ quy định không được tiết lộ ra ngoài, vì lo sợ khi họ biết sẽ đến chặt phá hết rừng tre, mất đi báu vật của làng”, ông Thạch tiết lộ và cho rằng năm 2015, chính quyền xã có xin phép chặt một cây và lấy mấy ống đưa đi trưng bày, sau khi mọi người trong làng họp và thống nhất muốn quảng bá loại tre chỉ có ở vùng đất Long Riêu mới đồng ý cho chặt.
Cứu cánh những ngày đói
Tục lệ từ xa xưa để lại và được người dân luôn tuân thủ, mỗi nằm vào dịp Tết người dân chặt một cây để đưa về tổ chức ghi lễ cúng máng nước. Tre được dùng để chế tác các vật dụng làm trong buổi lễ mong muốn năm mới người dân trong làng gặp nhiều may mắn, an lành, mùa màng bội thu. Còn lại không được chặt hạ khi không có lý do chính đáng.
Sau khi xin phép già Thạch được đốn hạ một cây để chụp ảnh thì ông đồng ý. Già Thạch nói hai thanh niên dùng rựa phát lối đi vào đến gốc bụi tre. Hai thanh niên hạ một cây xuống và để chứng minh tre khổng lồ có nhiều công dụng đối với người dân, già Thạch đổ vào khoảng 6 lít nước. “Trước đây chưa có can, chai… bà con dùng ống tre để đựng nước mang theo khi đi làm trên nương rẫy, hay lấy nước từ ngoài suối đưa về nhà sử dụng”, vị già làng nói và tự hào trên dãy núi Ngọc Linh này tre, lồ ô mọc rất nhiều nhưng không có to bằng tre ở đây.
Một khúc tre hai lóng dài hơn 1 m được thanh niên trong làng Long Riêu vác đưa về
Ông Hồ Văn Kim một người dân ở Long Riêu, khẳng định rừng tre khổng lồ là cứu cánh của người dân. Ông kể trước đây đời sống người Ca Dong ở làng Long Riêu còn khó khăn, để chống lại cái đói đành lên rừng tre chặt măng mang về. Đặc biệt vào những đợt mưa lớn kéo dài, đường sá bị sạt lở, chia cắt người dân không ra trung tâm xã để mua thức ăn thì mọi người lên rừng tre lấy măng khổng lồ đưa về.
“Măng của chúng có đường kính 20 cm, cao gần 1 m, khi làm sạch cắt nhỏ được một rổ lớn. Một cây măng chia cho 20 hộ dân trong làng ăn mới hết”, ông Kim nói và cho hay măng của loại tre khủng ăn rất ngon, có vị ngọt và giòn. Măng không đắng như nhiều loại măng khác ở trên rừng.
Cây măng được người dân làng Long Riêu chặt đưa về làm thức ăn
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết rừng tre ở Long Riêu rất quý hiếm, nói về độ khủng thì trên địa bàn huyện không nơi nào có. Do đó huyện đang đang xây dựng chính sách bảo tồn, bước đầu huyện tuyên truyền người dân bảo vệ và không chặt phá.
“Huyện đã có chính sách khuyến khích người dân trồng thêm để nhân rộng, bởi rừng tre hiện đang còn ít. Khi rừng tre được mở rộng thêm huyện sẽ mở đường đất vào tận làng để thu hút khách tham quan khám phá, ăn nghỉ cùng bà con, thưởng thức văn hóa vùng cao", ông Bửu nói.
Ống tre khổng lồ được khoảng 6 lít nước
Lộc Hà (Kiến thức gia đình số 11)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.