Bẫy chết người ở ao tưới vườn

Nguyễn Hữu Thứ ba, ngày 19/07/2016 06:15 AM (GMT+7)
Đợt hạn hán nghiêm trọng vừa qua, nhiều nông dân phải nạo vét ao, hố ở nhiều nơi để tìm nguồn nước tưới, điều này vô tình biến ao, hố trở thành những cái bẫy nguy hiểm chết người.
Bình luận 0

Thấp thỏm bên ao sâu

Tại ấp Pa Pếch, Thạch Màng (xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) có rất nhiều ao, hố sâu được người dân đào trong đợt nắng hạn vừa qua để lấy nước tưới. Anh Hoàng Văn Đức làm rẫy tại đây cho biết, nhiều người đã bỏ ra từ 20 – 30 triệu đồng để nạo vét ao cho sâu thêm. Có những ao vét sâu đến 5 – 7m trở thành những hố sâu rất nguy hiểm.

“Mùa mưa này các hố sâu tích đầy nước nên càng nguy hiểm hơn, lúc nào tôi cũng phải nhắc nhở con cháu không lại gần”, anh Đức nói.

img

Một ao nước sâu đến 5m tại xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú. Ảnh: N.H

Anh Thạch Rưng (người Khmer, ngụ thị xã Đồng Xoài) cũng cho biết, khu vực rẫy của anh đang nhan nhản các hố sâu do người dân đào lấy nước. Những hố đó không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn cả với người lớn. Nhiều người đào, nạo vét ao không làm các bậc lên xuống mà đào dựng đứng, sẩy chân rơi xuống là không có chỗ leo lên rất nguy hiểm.

"Đào ao làm nhiều cấp có nhiều lợi ích. Chẳng hạn lúc mình đi châm dầu cho máy nổ, kéo ống lỡ trượt chân rơi xuống thì có chỗ leo lên. Cách này cũng hạn chế được sạt lở bờ gây bồi lấp đáy, ao dùng được lâu mà không phải nạo vét nhiều”.

Anh Hoàng Văn Đức

Tại Lộc Ninh, Bù Đốp cũng có đến hàng trăm ao, hố chống hạn sâu hoắm, phần lớn không có rào chắn, không biển cảnh báo nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao, nhất là với trẻ em. Đầu năm 2016, tại xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp) có bé gái 2 tuổi bị trượt chân ngã xuống hố đào lấy nước chết đuối.

“Tôi làm suốt ngày ngoài vườn, trong nhà chỉ còn 2 đứa trẻ nên rất lo. Dù luôn dặn chúng không được lại gần khu vực có các hố nước chơi nhưng mỗi khi đi làm đều lo lắng” - chị Lê Thị Hợp (xã Thanh Hòa, Bù Đốp) nói.

Đào, nạo vét đúng cách

Để hạn chế mối nguy hiểm từ ao, hố chống hạn, anh Hoàng Văn Đức chia sẻ nên có cách đào, nạo vét ao hợp lý để lòng ao, hố có nhiều cấp khác nhau chứ không nên chỗ nào cũng đào sâu, có taluy dựng đứng.

“Đào ao làm nhiều cấp có nhiều lợi ích, lỡ trượt chân rơi xuống có chỗ leo lên. Cách này cũng hạn chế được sạt lở bờ gây bồi lấp đáy, ao dùng được lâu mà không phải nạo vét nhiều, đồng thời có thể tận dụng ao để nuôi cá cải thiện bữa ăn cho gia đình” - anh Đức nói. 

img

Một hố chống hạn sâu hoắm tại Lộc Ninh. Ảnh: N.H

Ông Nguyễn Ngọc Thanh - cán bộ Công an xã Tân Phước (huyện Đồng Phú) cho biết, thời gian qua xã cũng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền người dân phải rào chắn các ao, hố sâu ở nhà, gần đường đi để tránh chuyện đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, việc phòng ngừa tai nạn chỉ hiệu quả khi người dân chủ động và nâng cao cảnh giác, bởi đa số các ao, hố đều nằm trong khu vực rẫy, vườn của dân nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. 

UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu những hộ dân có ao, hồ hay hố sâu phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm và rào kín xung quanh. Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tuyên truyền người dân tăng chủ động đề phòng các trường hợp tai nạn đuối nước, nhất là với trẻ em dịp hè này./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem