Bây giờ ở Làng Voi...

Chủ nhật, ngày 23/06/2013 15:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nói đến voi Tây Nguyên, người ta thường nghĩ đến làng voi buôn Đôn Ðăk Lăk. Ít người biết được rằng ở Gia Lai cũng có một làng voi tiếng tăm - ấy là làng voi Nhơn Hòa - bây giờ thuộc huyện Chư Pưh. Cùng một miền đất nhưng bây giờ là chuyện của hai thời...
Bình luận 0

Một thời vang bóng

Gọi là “xứ voi” có lẽ đúng hơn bởi Nhơn Hòa không chỉ có một làng. Theo ông Nay Tơ thì Nhơn Hòa xưa bao gồm các làng Plei Lao, Plei Tao, Plei Kly, Plei Djrich, Pố 1, 2 và Plei Kia bây giờ. Trong số này có 2 ngôi làng khá đặc biệt - ấy là Plei Lao và Plei Tao. Plei Lao vốn tên là “Plei Lào” đọc chệch đi. Nguyên là ngôi làng này có nhiều người gốc Lào đến giao thương rồi bắt vợ và ở lại. Còn Plei Tao có nghĩa là “Làng Vua”. Đây là ngôi làng khai sinh ra hiện tượng tín ngưỡng Vua Nước từ hơn 550 năm về trước, bây giờ hãy còn một đời “vua” cuối cùng…

Chắc chắn rằng từ thuở xa xưa Nhơn Hòa phải là vùng đất giàu có mới trở thành làng voi nổi tiếng. Người Jrai ở đây không biết săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nên họ phải mua voi của người Ê Đê tận buôn Đôn hoặc buôn Súp. Một con voi đực có được phải đổi bằng 100 con bò lớn. Voi nhỏ cũng phải từ 20 - 50 con. Trừ một số gia đình giàu có, những gia đình khác muốn có voi thường phải chung nhau lại mới sắm nổi. Ấy thế nhưng thời đó Nhơn Hòa làng nào cũng có voi mà nhiều nhất là hai làng Plei Kia và Plei Tao.

Ông Nay Tơ nói rằng vào thời kỳ thịnh vượng, số voi ở Nhơn Hòa phải lên đến gần ba chục con… Mua được voi đã tốn kém, chăn dắt, lễ lạt hàng năm cho voi cũng tốn kém không ít. Voi được mua về nếu chưa thuần, chủ voi phải thuê người dạy cách quản voi; thuần dưỡng cho voi quen tiếng chiêng, ánh lửa. Người Jrai ở đây sắm voi không vì mục đích sinh lời mà đơn giản chỉ là để thỏa mãn sự hãnh diện. Được làm chủ voi cũng đồng nghĩa là người giàu có, người được Yang cho “vía cứng”, dân làng phải nể trọng. Thế nên có voi thì cũng như có chiêng quý, ghè quý – chỉ là một thứ trang sức cho danh giá con người trước cộng đồng…

Cũng theo ông Nay Tơ, cho đến quãng 1992 – 1993, dù trải qua thời gian dài chiến tranh khốc liệt, Nhơn Hòa vẫn còn tới 14 con voi. Riêng Plei Kia còn tới 5 con. Vậy mà chỉ 8 năm sau đó, đàn voi Nhơn Hòa còn lại vỏn vẹn có 3 con. Năm 2005, Công ty Du lịch Gia Lai mua lại cả 3 để chở khách. Một con sau đó bị rắn độc cắn chết, 2 con còn lại sau đó không có điều kiện chăn dắt phải bán sang Đăk Lăk. Làng voi Nhơn Hòa vang bóng một thời từ bấy giờ chỉ còn dĩ vãng…

Đất ấy và người ấy…

Khi chưa chia tách thêm huyện Chư Pưh, nói đến xứ sở “đệ nhất hồ tiêu” Chư Sê người ta thường nghĩ ngay đến Nhơn Hòa. Bởi vậy sau khi chia huyện, chính Nhơn Hòa đã làm cho cán cân hồ tiêu nghiêng về Chư Pưh… Trong danh sách những “đệ nhất tỷ phú hồ tiêu” Gia Lai, Nhơn Hòa tuy phải nhường chức “quán quân” sản lượng cho người xã Ia Phang nhưng lại dẫn đầu về “mật độ” tỷ phú với khoảng hơn 100 người. Đứng hàng nhất là ông Võ Triệu với sản lượng ổn định 30 tấn tiêu/năm. Với thời giá bây giờ, thu nhập của ông là hơn 3 tỷ đồng… Xây nhà lầu, sắm ô tô đời mới với người trồng tiêu ở đây chẳng phải là chuyện gì cao xa, lạ lẫm. Thậm chí đã có người sắm “siêu xe hơi” giá đến 6 – 7 tỷ đồng…

Nhưng hồ tiêu không phải là thứ cây dễ đẻ ra vàng. Cứ như là một thứ cây ma quái, cùng trên một vùng đất mà người này trồng tiêu thì nên tỷ phú còn người kia thì mỗi ngày mỗi lụn. Bệnh chết nhanh, chết chậm một khi đã quét vào ai thì chỉ biết khóc thầm. Nhưng dẫu nguy cơ tiền tỷ có đổ xuống sông thì người nông dân vẫn chấp nhận. Trồng hồ tiêu được coi là một canh bạc nhưng không ai muốn tin người thua cuộc là mình…

Có đến vùng đất này mới thấy ý chí làm ăn của dân ta thật ghê gớm. Giữa nắng gió rừng rực của xứ cao nguyên, nhìn ra bốn phía đâu cũng thấy những rừng cột gỗ xen lẫn xi măng trắng phớ rùng rùng leo đèo đổ dốc. Mà để có 1ha hồ tiêu sau 4 năm kiến thiết cơ bản, nếu dùng trụ gỗ phải có vốn ít nhất 1 tỷ; cột xi măng cũng phải 7-8 trăm triệu. Đấy là chưa kể tiền đất, tiền đào giếng và vô số các loại chi phí khác…

Trong cuộc chạy đua đầy ma lực này, đồng bào Jrai phần lớn bị rớt lại phía sau. Thực tế thì cũng đã có người ngấp nghé ngôi tỷ phú như các ông Ksor Klen hay Siu Tối nhưng họ còn quá ít. Kỹ thuật, vốn và chịu khó là ba điều kiện không thể thiếu một với người trồng hồ tiêu. Thế nhưng điểm yếu của người Jrai dường như lại dàn trải ở cả ba điều này. Trước những năm 2008, đồng bào vẫn coi hồ tiêu là “cây người Kinh” và giữ thái độ “kính nhi viễn chi” nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác. Trong các làng xứ voi, ấn tượng với tôi hơn cả là Plei Lao…

Trong danh sách những “đệ nhất tỷ phú hồ tiêu” Gia Lai, Nhơn Hòa tuy phải nhường chức “quán quân” sản lượng cho người xã Ia Phang nhưng lại dẫn đầu về “mật độ” tỷ phú với khoảng hơn 100 người.

Năm 2001 khi Tây Nguyên xảy ra sự kiện bạo loạn mang màu sắc chính trị, Plei Lao được coi là một trong những “điểm nóng”. Làng có hơn 190 hộ nhưng đã có hơn 70 người bị xử lý vì hành vi gây rối. Có mặt ở Plei Lao lúc ấy, tôi đã không ngăn được cảm thán vì nỗi nghèo của làng… Bấu víu dọc con đường lầm bụi đỏ chỉ tuyền một màu tôn gỉ sét, đìu hiu dưới nắng. Vườn vườn trống hoác không một bóng cây nuôi sống được người.

Nhắc lại những ngày ấy, Trưởng thôn Siu Kun đưa ra một hình ảnh còn ấn tượng hơn tôi: Nếu có một con gà con đứng cuối làng, người ở đầu làng cũng nhìn thấy rõ… Sau cơn sóng cả, phải 5 - 6 năm tự vấn, cuối cùng người làng Lao đã ngộ ra cái lẽ giản đơn rằng cuộc sống nó nằm ngay dưới chân mình… Mới thử sức với hồ tiêu cách đây 5 năm nhưng nay Plei Lao đã hơn 60% số hộ có vườn hồ tiêu từ 100 trụ trở lên. Nhất làng là hai ông Siu Bul, Rơmah HLoai với vườn tiêu tới 2.000 trụ…

Hồ tiêu đã góp phần kéo hộ nghèo của làng xuống con số 47/192. Ông Siu Kul nói rằng hiện tại Plei Lao còn đứng sau nhiều làng ở Nhơn Hòa nhưng lại có phần nhỉnh hơn ý chí làm ăn. Trước đây cứ hết việc nhà là mọi người chỉ biết ngồi chơi nhưng bây giờ thì ai cũng chỉ mong có việc… Năm ngoái, Siu Blên – con ông Rơmah Loi ở Mỹ về thăm nhà cũng đã phải ngạc nhiên. Cứ tưởng những nhà có người bên Mỹ gửi tiền về thì ỷ lại, hóa ra lại càng siêng làm ăn hơn !

Nghe nói ngày xưa Pơtao Ya – tức Vua Nước xưa mỗi lần đi thăm các làng vẫn cưỡi voi với rất nhiều điều kiêng cữ thú vị, tôi đến làng Thơ Ga để tìm vị “Vua” này… “Vua” đang ngồi hóng gió trước hiên nhà, mình khoác hờ chiếc áo màu gạch non nhăn nhúm. Những người hàng xóm tròn mắt ngạc nhiên khi nghe chúng tôi gọi “vua”. Hóa ra ở làng Thơ Ga chẳng còn ai nhớ gì về Vua Nước cả. Người ta chỉ biết đây là Rơ Châm Chuych bên Plei Tao với một “lý lịch” tình duyên khá éo le...

Chuych có vợ đâu hồi còn rất trẻ. Trong hơn 20 mùa rẫy, vợ đẻ được 11 con nhưng chỉ nuôi được 5… Đã khổ vì con đông lại phải gánh thêm “vua điên”, vợ không kham nổi nên bỏ. Ba năm sống lang thang, bỗng nhiên bệnh Chuych lại đỡ. Nhờ người mai mối, Chuych “bắt” được Siu Ar Lol. Trước Chuych, Ar Lol đã có hai đời chồng. Chuych về ở cũng như góp gạo vào một nồi cho vui vậy thôi…

Cứ ngỡ sẽ hỏi Rơ Châm Chuych được ít chuyện về các Vua Nước, hoá ra ông chẳng biết được mấy. Tôi hỏi đùa: “Bây giờ Chuych khỏi bệnh rồi, sao không nói làng cho trở lại làm Vua Nước”? Ngần ngừ một thoáng, ông buông một câu khiến tôi phải bất ngờ: Làm “vua” khổ quá, làm con người thường sướng hơn. Bây giờ cứ có nhiều tiêu thì trở thành “vua” thôi”.

Hóa ra “vua” cũng có vườn hồ tiêu hơn 100 trụ khá tốt. Người như “vua” cũng đã ngộ ra con đường làm ăn thì “thần dân” sao lại không đổi mới nếp nghĩ, nếp làm cho được… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem