Bẫy trên đường sắt

Thứ năm, ngày 29/07/2010 06:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ tai nạn tàu hoả đâm taxi trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội làm 3 người chết và 2 người bị thương lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tai nạn giao thông đường sắt.
Bình luận 0

Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy song song với trục Quốc lộ 1A, đi qua nhiều địa phương với nhiều địa bàn dân cư phức tạp. Ở các nơi tập trung đông dân như thành phố, thị xã, thị trấn, những điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ được tổ chức biển báo và rào chắn tương đối an toàn. Nhưng còn hàng ngàn điểm khác trên suốt tuyến, nhất là ở vùng ngoại thành và nông thôn, đã không được tổ chức đèn hiệu cũng như rào chắn đầy đủ nên tai nạn thường xảy ra. Có nhiều nơi điểm giao cắt không có bất kỳ tín hiệu nào, nó như những chiếc bẫy giăng ra chờ con mồi. Điển hình như vụ tai nạn vừa nêu trên, nơi giao cắt không có barie và người gác nên tài xế taxi đã dính "bẫy".

Một nguyên nhân quan trọng khác là một bộ phận rất lớn người dân vùng nông thôn không chấp hành Luật Giao thông, chưa thực sự quan tâm đến các loại biển báo, tín hiệu giao thông nên tai nạn càng dễ xảy ra. Nhiều người đi lại theo thói quen, đi ẩu vượt ẩu vì cứ nghĩ rằng "đường làng" thênh thang, vắng người. Trẻ em tụ tập trên đường sắt, xem đó như là sân chơi, nơi hóng mát. Có người ngủ luôn trên đường sắt.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai, có nhiều vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại địa phương mà nguyên nhân là do người say rượu ngủ quên trên đường ray. Để thay đổi tập quán đi lại không tôn trọng Luật Giao thông cho cư dân vùng nông thôn là một điều rất khó, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn của công tác tuyên truyền.

Nhiều dự án hoành tráng về đường sắt, đường bộ cao tốc được đặt ra và sẽ tính đến xây dựng trong tương lai. Trong lúc chờ đợi hệ thống giao thông hiện đại đó hình thành, việc cần làm ngay là tổ chức sử dụng tốt nhất cái đang có.

Sử dụng tốt không chỉ là người dân đi lại thuận tiện, mà phải hạn chế tối đa những rủi ro và tai nạn. Ngành đường sắt kinh doanh hệ thống này thì phải bỏ tiền để thực hiện đầy đủ mọi biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.

Không thể chấp nhận việc bỏ qua các biển báo, đèn tín hiệu, rào chắn và người gác ở các nơi giao cắt vì cho rằng nơi đó không cần thiết. Ngành đường sắt tiết kiệm chi phí cho mình nhưng đã gián tiếp gây ra hậu quả cho xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem