Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, tính đến nay tỉnh Gia Lai đã có hơn 1.200 ha mì bị bệnh khảm lá. Bệnh khảm lá mì rất nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và rất khó phòng trừ.
Thời điểm này, các diện tích mì của tỉnh Gia Lai như huyện Ia Pa, Krông Pa, Ayun Pa, Phú Thiện đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh. Thế nhưng, hiện nay bệnh khảm lá mì hoành hành tại Gia Lai khiến hơn 1.200 ha mì đang bị "đe dọa" về năng suất.Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh khảm lá mì là do người dân vẫn lấy những giống cũ về trồng.
Trước thực trạng bệnh khảm lá mì hoành hành tại Gia Lai cùng sự lo lắng bất an của người dân về loại bệnh này, Trung tâm khuyến nông tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình "Sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm". Tổng quy mô thực hiện 20 ha, có khoảng 15 hộ dân tham gia dự án với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng.
Theo đó, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện và HTX Nông nghiệp Tân Tiến triển khai xuống giống 2 đợt cuối tháng 4 và cuối tháng 5/2021. Những hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 50% giống, 50% vật tư. Giống mì triển khai trồng trên diện tích 20 ha là giống KM 94 chất lượng tốt và sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Giống mì này đã được chạy PCR kiểm tra độ đánh giá sạch bệnh trước khi mang ra ruộng thực hiện dự án.
Theo ghi nhận của phóng viên tại cánh đồng mì thuộc xã Chrôh Pơnan, những ha mì được xuống bởi giống KM 94 (giống sạch bệnh) phát triển khá nhanh. Dù chỉ mới xuống giống từ cuối tháng 4, như vậy chỉ mới khoảng 4 tháng nhưng chiều cao của cây đã đạt trên 130 cm. Thậm chí, một số ha mới xuống giống vào khoảng cuối tháng 5 nhưng chiều cao đã đạt 100cm. Nhìn bằng mắt thường có thể nhận xét được sự phát triển vượt trội của giống mì sạch bệnh so với giống mì người dân trồng từ năm nay qua năm khác.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Duy Hoàn – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Phú Thiện) cho biết: " Đều là một loại giống KM 94 nhưng sức phát triển và khả năng kháng lại sâu bệnh lại khác nhau hoàn toàn. Không phải do chất đất hay quy trình chăm sóc khác nhau mà đơn giản là do giống. Cũng là giống KM 94 nhưng 20 ha HTX đang chăm sóc theo dự án hỗ trợ của Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai là giống đã được xử lý sạch bệnh".
"Ưu điểm của giống sạch bệnh phần lớn lá không bị xoăn, củ dài phát triển nhanh không ngắn củ như giống KM 94 được trồng lâu nay. Về sâu bệnh KM 94 hiện HTX đang thử nghiệm kháng bệnh rất tốt, giống này vẫn bị khảm lá nhưng rất ít. Vừa rồi chúng tôi có nhổ 2 cây ở 2 vườn khác nhau để đánh giá về năng suất. Theo đó, đối với giống KM 94 sạch bệnh, chúng tôi dự kiến sẽ rơi vào khoảng trên 30 tấn/ha, còn giống người dân vẫn trồng đại trà từ lâu nay chỉ đạt khoảng 14-15 tấn/ha là nhiều rồi".
Được biết, trước khi mang ra ruộng thực hiện dự án, giống mì KM 94 này đã được chạy PCR kiểm tra độ đánh giá sạch bệnh. Sau đó, Trung tâm khuyến nông tỉnh Gia Lai tiếp tục xử lý giống một lần nữa bằng thuốc bảo vệ thực vật. Khi xuống giống khoảng 20 ngày cán bộ kỹ thuật ở Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Thiện tiếp tục kiểm soát bọ phấn trắng gây hại (gây ra bệnh khảm lá mì).
Hiện 20 ha mì giống KM 94 sạch bệnh vẫn có nơi xuất hiện khảm lá mì. Bởi lẽ, 20 ha nằm xen kẽ với những ruộng giống mì thường nên bọ cánh trắng vẫn có thể di chuyển làm lây lan virus. Tuy nhiên, mức độ lây lan chậm và ít hơn. Thêm vào đó, phần lớn cây mì đã qua giai đoạn bị "đe dọa" về năng suất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thi Thơ – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cho biết, những năm gần đây các huyện phía Đông Nam Gia Lai rộ lên bệnh khảm lá mì. Chính loại bệnh này đã ảnh hưởng mạnh đến năng suất cây trồng, vì vậy trung tâm có đề xuất mô hình mì sạch bệnh. Từ mô hình này, trung tâm đã mời người dân tham gia, học hỏi. Phần lớn người dân địa phương đều sử dụng 1 loại giống trồng năm này qua năm khác, như vậy giống đó sẽ tiếp tục nhiễm bệnh. Nên đây được xem là mô hình điểm để người dân có thể trực tiếp đánh giá, lựa chọn giống sạch bệnh.
Cũng theo ông Thơ, hiện 20 ha giống KM 94 này đã được chạy PCR, vậy khi thu hoạch người dân sẽ gom giống lại và tiếp tục xử lý mầm bệnh để xuống giống vụ mới. Mầm bệnh phải xử lý ngay từ đầu mới hiệu quả.
"Tất nhiên khi tiến hành trồng xen giữa các ruộng bệnh khảm lá mì vẫn lây lan, bởi đây là 1 loại virus. Nhưng hiện phần lớn mì đã đến giai đoạn ra củ nên ít ảnh hưởng đến năng suất và mức độ lây lan của bệnh khảm lá cũng ít. Trước khi trồng chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân nếu phát hiện bệnh khảm lá mì phải tiêu hủy kịp thời tránh lây lan. Sau khi tham quan mô hình, bước đầu có thể nhận định mô hình đã đạt được yêu cầu, mục tiêu đề ra. Đây sẽ là 1 tín hiệu tốt trong việc thử nghiệm các loại giống sạch bệnh", ông Thơ nhận xét.
Trước đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cũng đã triển khai Dự án khuyến nông "Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá mì do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm" với diện tích 20ha trên địa bàn xã Phú Cần và thị trấn Phú Túc huyện Krông Pa.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, "Mô hình trồng giống mì KM140 sạch bệnh" có năng suất bình quân là 35 tấn/ ha. Trong khi đó, năng suất mì trên ruộng nông dân ngoài mô hình chưa đạt 20 tấn/ ha. Lợi nhuận thu được từ mô hình giống mì sạch bệnh là gần 34 triệu đồng/ha nhưng ruộng nông dân chỉ đạt 14 triệu đồng/ha. Tương tự tại huyện Ia Pa (Gia Lai), sản lượng từ giống mì sạch bệnh cũng đạt 35 tấn/ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.