Quảng Ngãi: Trồng giống cây cho củ mà thực ra là quả, thu nhập gấp 5 lần trồng lúa
Quảng Ngãi: Trồng giống cây cho củ mà thực ra là quả, thu nhập gấp 5 lần trồng lúa
M.Hùng - T.Hậu
Thứ tư, ngày 29/09/2021 14:43 PM (GMT+7)
Nhờ triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi canh tác 2 vụ lúa sang trồng một vụ lúa và 1 vụ đậu phụng (lạc) vụ hè thu mà bà con nông dân ở Quảng Ngãi đã gặt hái được nhiều thành công, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần so với trồng lúa.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài gây hạn hán trên diện rộng trong vụ hè thu.
Do đó, những vùng trồng lúa chuyên canh hai vụ trước đây không còn phù hợp, cần có những loại cây trồng chịu được nắng hạn, thích ứng với biến đổi khí hậu để thay thế.
Bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã mạnh dạn chuyển hướng trồng cây trồng cạn trên những chân ruộng không chủ động nước tưới, sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây cho giá trị cao, như: đậu phụng, mè...
Theo đánh giá của bà con nông dân tham gia dự án, giống đậu phụng L14 có khả năng chống chịu tốt với điều kiện nắng nóng và sâu bệnh hại, trồng đậu phụng giống L14 trên nền đất lúa giảm được từ 4 – 5 lần tưới/vụ và lượng nước dùng tưới cho đậu phụng giảm 1/3 so với trồng lúa, năng suất đạt gần 29,5 tạ/ha, lợi nhuận bình quân hơn 22,6 triệu đồng/ha (đã trừ chi phí và công lao động).
Đặc biệt, trong vụ hè thu năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật (KHKT) nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi nền canh tác 2 vụ lúa sang một vụ lúa đông xuân và 1 vụ lạc (đậu phụng) hè thu cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai mô hình trồng đậu phụng giống L14 tại xứ đồng Cửa Đình, thôn Phú Châu, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi trên diện tích 10ha, với 77 hộ nông dân tham gia.
Ông Hồ Văn Chính, nông dân thôn Phú Châu, xã Hành Đức cho biết: Trồng đậu phụng L14 trên xứ đồng Cửa Đình khá thuận lợi, vụ vừa rồi gia đình tôi trồng 2 sào, thu hoạch được gần 03 tạ đậu phụng khô.
Trong suốt thời gian tham gia mô hình, tôi đã áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bón phân theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, cuối vụ nhổ lên trái sai, hạt đậu phụng chắc, mẩy. Còn trước đây tôi trồng giống đậu phụng sẻ địa phương sâu bệnh nhiều, trái thường bị lép, hạt đậu phụng bị xốp nên hiệu qảu không cao.
Theo đánh giá của bà con nông dân tham gia dự án, giống đậu phụng L14 có khả năng chống chịu tốt với điều kiện nắng nóng và ít sâu bệnh hại, trồng đậu phụng giống L14 trên nền đất lúa giảm được từ 4 – 5 lần tưới/vụ và lượng nước dùng tưới cho đậu phụng giảm 1/3 so với trồng lúa.
Hiệu quả tăng 4,6 lần so với trồng lúa
Ông Tạ Ngọc Tiên, Bí thư Chi bộ thôn Phú Châu, xã Hành Đức tham gia mô hình này với 02 sào trồng đậu phụng giống L14 nhận định: Giống đậu phụng L14 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cung cấp rất đạt yêu cầu, đậu giống có vỏ mỏng, nhân chắc rất ít lép, tỷ đậu nhân/đậu vỏ trên 72%, tỷ lệ nảy mầm đạt gần 100%.
"Thời tiết vụ hè thu năm nay tuy nắng nhiều nhưng giai đoạn nuôi trái có mưa đất đủ ẩm nên cây đậu phát triển rất tốt, năng suất đậu phụng khô bình quân đạt gần 150 kg/sào, đây là năng suất cao nhất từ trước đến nay tại địa phương..." – ông Tiên chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Kim, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phụng trên xứ đồng Cửa Đình vui mừng nói: "Gia đình tôi tham gia mô hình với 6 sào trồng đậu phụng (500m2/sào) giống đậu L14 ở vụ hè thu vừa rồi, cuối vụ gia đình tôi thu hoạch phơi khô được gần 150 kg/sào, với giá bán 29.000 – 30.000 đồng/kg, gia đình tôi thu được gần 26 triệu đồng. So với trồng lúa thì trồng đậu phụng cho lãi cao hơn nhiều và đầu ra dễ tiêu thụ".
Ông Hồ Quang Út, Trưởng thôn Phú Châu cho biết: Vùng đất này, trước đây bà con nông dân trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt gần 5 triệu đồng/ha, trong khi trồng đậu phụng giống L14 lại cho lợi nhuận trên 22,5 – 23 triệu đồng/ha, tính ra trồng đậu phụng cho lãi cao hơn gấp gần 4,6 lần so với trồng lúa.
"Hiện nhu cầu sử dụng dầu đậu phụng nhiều nên đầu ra rất ổn định. Không những thế, trồng đậu phụng trả lại cho đất nguồn dinh dưỡng, thân cây đậu phụng sau khi thu hoạch được tận dụng làm phân xanh... Thôn Phú Châu sẽ đề nghị với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục hỗ trợ thực hiện mô hình và mở rộng diện tích trong thời gian tới..." – ông Út nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.