Bệnh lý thoát vị đĩa đệm đang trẻ hóa

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 13/05/2023 06:06 AM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Lê Bảo Tiến, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức nhận định, trước đây thoát vị đĩa đệm thường là bệnh lý của người trung niên, người già nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa.
Bình luận 0

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Bảo Tiến, hiện nay, tỷ lệ trẻ hóa bệnh lý đĩa đệm tương đối phổ biến với độ tuổi từ 20 đến 30. Nhiều người mới ngoài 20 đã có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm khi thấy dấu hiệu như cột sống mất nước, khô dần, mất tính đàn hồi vốn có của đĩa đệm. 

Các yếu tố nguy cơ khiến nhiều người bị thoát vị đĩa đệm ngày càng trẻ hóa là do lối sống, làm việc và một số hoạt động thể thao mà tạo áp lực lên cột sống, đặc biệt là phần lưng dưới làm vùng này dễ bị tổn thương.

Có thể do người bệnh nâng/nhấc vật sai cách khiến xương sống bị tổn thương; Do béo phì; Do chấn thương; Do di truyền; Do nghề nghiệp bê vác nặng, ngồi nhiều, đứng nhiều.

Bệnh lý thoát vị đĩa đệm đang trẻ hóa  - Ảnh 1.

Bệnh thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến bệnh nhân bị liệt, một số người có thể bị rối loạn cơ tròn, đại tiểu tiện không tự chủ, đau thần kinh mãn tính (Một ca khoa phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

 Triệu chứng thường gặp của bệnh thoát vị đĩa đệm

PGS Tiến chia sẻ, người bệnh thoát vị đĩa đệm thường có những triệu chứng như đau vùng đĩa đệm bị tổn thương, đau do nguyên nhân chèn ép thần kinh những vùng vị trí tương xứng, rối loạn chức năng chèn ép thần kinh dưới da. 

Theo PGS Tiến, đau do thoát vị đĩa đệm sẽ rất khác nhau phụ thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương của đĩa đệm, nó thường đặc thù bởi cảm giác đau ở một bên của cơ thể.

Nếu tổn thương nhỏ thì đau có thể không cảm nhận được. Nếu đĩa bị vỡ, cảm giác đau rất dữ dội và không ngừng. Đau có thể lan ra chân theo đường chi phối của thần kinh bị chèn ép. 

Thoát vị đĩa đệm có thể thể hiện với một loạt các triệu chứng, bao gồm: Đau âm ỉ đến đau dữ dội; Tê, ngứa, rát bỏng; Yếu cơ, co cứng, phản xạ thay đổi; Mất đi tiểu hoặc kiểm soát bàng quang... 

"Đa số người bệnh không phân biệt được thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ khi có các cơn đau ở lưng. 

Trong khi đó, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường có biểu hiện đau lưng, đau lan lan xuống vùng mông và chân, đau tăng lên khi vận động, khi ngồi lâu, đứng lâu. 

Còn đau vùng vai gáy, lan xuống tay, ngón tay là những dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ", PGS Tiến chia sẻ. 

Theo PGS Tiến, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, nếu chủ quan, không đi điều trị sớm thì dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống. 

Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến bệnh nhân bị liệt, một số người có thể bị rối loạn cơ tròn, đại tiểu tiện không tự chủ, đau thần kinh mãn tính. 

Những bệnh này rất khó điều trị, người bệnh sau đó gần như tàn phế, không thể phục hồi.

PGS Tiến cho biết, hiện nay, tùy vào triệu chứng bệnh, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có thể được điều trị nội khoa như dùng thuốc, vật lý trị liệu, mặc áo nẹp cột sống, bất vận động ván cứng từ 1-3 ngày... 

Nếu bệnh quá nặng có thể được phẫu thuật... 

"Khi xuất hiện triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm, người dân nên đi thăm khám chuyên khoa tại các cơ sở uy tín để được thăm khám kĩ càng", PGS Tiến chia sẻ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem