Cô gái 20 tuổi đột quỵ sau thời gian dùng nội tiết tố để chuyển giới

Thứ ba, ngày 05/09/2023 21:14 PM (GMT+7)
Bác sĩ cảnh báo, việc tự ý dùng nội tiết tố với mục đích chuyển giới ngoài trái quy định pháp luật còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, bao gồm cả đột quỵ.
Bình luận 0

Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một bệnh nhân bất ngờ bị đột quỵ liên quan đến việc dùng thuốc nội tiết tố để chuyển giới.

Đột quỵ sau thời gian dùng nội tiết tố chuyển giới

Chia sẻ tình huống trên, bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhân là một cô gái 20 tuổi nhưng mang nhiều đặc điểm của nam, vào bệnh viện tại TPHCM trong tình trạng nhồi máu não nhẹ. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân tiết lộ trước đó đã có thời gian sử dụng nội tiết tố nhằm mục đích chuyển giới.

Sau khi can thiệp kịp thời, bệnh nhân được bác sĩ giải thích cần phải ngừng việc sử dụng nội tiết tố nêu trên, vì có thể gây tăng đông máu. Dù vậy, bệnh nhân cho biết không thể "từ bỏ ước muốn", chấp nhận rủi ro có thể bị đột quỵ và tiếp tục sử dụng nội tiết tố.

Sự việc khiến nhiều người thắc mắc, rằng việc sử dụng nội tiết tố trong điều trị bệnh nói chung và để thay đổi giới tính nói riêng có đảm bảo an toàn hay không?

Cô gái 20 tuổi đột quỵ sau thời gian dùng nội tiết tố để chuyển giới - Ảnh 1.

Có nhiều đường dùng nội tiết tố như đường uống, dạng thấm qua da hay đường tiêm bắp (Ảnh minh họa: MH).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, có 2 con đường tăng đông máu. Nếu tăng đông máu ở tĩnh mạch gây thuyên tắc phổi, còn ở động mạch sẽ gây thuyên tắc mạch não.

Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào phân tích chính xác về tỷ lệ gây tăng đông máu ở bệnh nhân sử dụng nội tiết tố trong chuyển giới nói riêng, mà chỉ có khuyến cáo về nguy cơ tăng đông máu khi sử dụng các phương pháp điều trị có liên quan đến nội tiết tố.

Có thể ví dụ như việc dùng thuốc tránh thai. Theo bác sĩ Tuấn, nghiên cứu đã chỉ ra thuốc tránh thai đường uống kết hợp chứa ethinylestradiol (hormone estrogen) và progestin liên quan đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Phụ nữ sử dụng OCs (thuốc tránh thai nội tiết tố đường uống) tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch 2-6 lần so với phụ nữ bình thường, xảy ra cao nhất trong 6 tháng đầu dùng thuốc. Nguy cơ này thay đổi theo liều của ethinylestradiol và loại progestin.

Cô gái 20 tuổi đột quỵ sau thời gian dùng nội tiết tố để chuyển giới - Ảnh 2.

Biến chứng áp xe có thể xảy ra khi tiêm hormone (Ảnh minh họa: MH).

OCs cũng liên quan đến vấn đề tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và thiếu máu não, với tỷ số chênh khoảng 1,7 so với người không sử dụng. Nguy cơ này tăng ở những phụ nữ có tiền sử bệnh lý động mạch, béo phì, hút thuốc lá, đái tháo đường có biến chứng mạch máu hoặc tăng huyết áp không kiểm soát được.

Những phụ nữ có yếu tố nguy cơ kể trên được cảnh báo không nên dùng OCs.

"Những bệnh nhân đã từng xảy ra một biến cố liên quan đến việc dùng nội tiết tố, khi chúng tôi điều trị, khám bệnh sẽ khuyên không nên tiếp tục sử dụng thuốc nữa", bác sĩ Tuấn nói.

Sai quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi sử dụng nội tiết tố

Còn theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hà Quốc Đạt, cố vấn khoa Phụ Sản, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, có 2 nguy cơ lớn khi sử dụng nội tiết tố, là vấn đề làm giữ nước và giảm tốc độ tuần hoàn máu. Từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, tắc mạch dẫn đến đột quỵ.

Vì hiện tại, ở Việt Nam chưa cho phép sử dụng phương pháp trên để thay đổi giới tính, nên bệnh nhân chỉ có cách tự sử dụng, với liều lượng và tần suất tiêm nội tiết tố không đảm bảo. Từ đó, khả năng rủi ro sẽ tăng lên.

Tiến sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, phương pháp chuyển giới bằng nội tiết tố có nguy cơ cao trong việc rối loạn đông cầm máu và thuyên tắc mạch máu, đặc biệt là những mạch máu nhỏ ở tim và não.

Cô gái 20 tuổi đột quỵ sau thời gian dùng nội tiết tố để chuyển giới - Ảnh 3.

Tiến sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (Ảnh: Hoàng Lê).

Đặc biệt, pháp luật Việt Nam chưa cho phép dùng nội tiết tố để chuyển giới, nên dùng trong trường hợp này là sai quy định.

Ở những bệnh nhân suy sinh dục, gặp các vấn đề do tổn thương trục dưới đồi - tuyến yên - sinh dục, Bộ Y tế cho phép điều chỉnh nội tiết để điều trị.

Dù vậy, bệnh nhân phải được thăm khám kỹ lưỡng, chỉ định đúng, tầm soát tốt nguy cơ rối loạn đông cầm máu, diễn tiến của ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư buồng trứng, hội chứng ngưng thở vào ban đêm ở những bệnh nhân béo phì...

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi có nhu cầu muốn điều trị nội tiết tố phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, kiểm tra xem có nằm trong chỉ định hay không để có những can thiệp, xử lý phù hợp.

Theo Hoàng Lê (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem