Bệnh nhân Covid-19 mới tại TP.HCM xét nghiệm lần thứ 6 mới dương tính

Bạch Dương Thứ năm, ngày 20/08/2020 20:21 PM (GMT+7)
Ca bệnh Covid-19 mới được Bộ Y tế công bố chiều tối 20/8 (BN1007) tại TP.HCM phải đến xét nghiệm lần thứ 6 mới cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Bình luận 0
Bệnh nhân Covid-19 mới tại TP.HCM xét nghiệm lần thứ 6 mới dương tính - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Bệnh nhân là lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo, xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 tại Guinea Xích đạo ngày 29/6 và được cách ly tại đó. Ngày 30/7, bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN6 và được cách ly ngay tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Trong thời gian 14 ngày cách ly, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần đều cho kết quả âm tính. Hết thời gian cách ly, bệnh nhân trở về nhà ngày 15/8 tại đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú), thực hiện khai báo y tế, tiếp tục cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm ngoại trú liên tiếp 30 ngày theo quy định của Sở Y tế TP.HCM.

Kết quả xét nghiệm 2 ngày 16, 17/8 đều âm tính, đến ngày 18/8, kết quả xét nghiệm của HCDC là dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển Bệnh viện dã chiến Củ Chi để cách ly điều trị, hiện bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở. Như vậy, phải đến lần xét nghiệm thứ 6 mới phát hiện bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.

Trước đây, Việt Nam đã có nhiều ca bệnh Covid-19 xét nghiệm đến lần thứ 3 mới khẳng định dương tính hoặc đã điều trị khỏi nhưng dương tính trở lại. 

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, người bị nhiễm virus khi hết bệnh, đa số thành người bình thường, không còn khả năng phát tán virus. Một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng mang virus trong người.

Phân tích thế nào gọi là tái nhiễm, BS Khanh nhấn mạnh, tái nhiễm là khi người bệnh xuất hiện trở lại các triệu chứng đau họng, sốt, ho. Trường hợp người bệnh được lấy dịch phết họng và tìm thấy virus có nghĩa là họ từ người hết bệnh chuyển qua người lành mang trùng. Trường hợp này trong y văn có ghi nhận, nghĩa là sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra ngoài và trở thành người mang trùng. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy virus đang thích nghi với con người.

Người lành mang trùng thường không có triệu chứng hoặc đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn chứa virus trong mũi, họng. Về mức độ phát tán của virus ra ngoài, chuyên gia này nhận định cần phải có thời gian nghiên cứu thêm nhưng khả năng lây nhiễm cho người khác là có. Các triệu chứng càng rõ ràng, việc lây nhiễm càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, BS Khanh cũng khẳng định, việc âm tính hay dương tính còn phụ thuộc vào lúc lấy mẫu xét nghiệm, xem lúc lấy mẫu có bị can thiệp gì không như có súc họng hay không, súc bằng các dung dịch kháng khuẩn hay không thì việc lấy mẫu sẽ không đạt chuẩn 100% hoặc tải lượng virus thấp.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình huống như vậy.

Đầu tiên là khi bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 nhưng virus chưa nhân lên đủ để cho kết quả dương tính. Phải cần một thời gian để kết quả xét nghiệm cho dương tính. Đây là lý do vì sao khuyến cáo người có nguy cơ nhiễm Covid-19 phải cách ly đủ 14 ngày.

Nguyên nhân thứ hai, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng có thể do khi lấy mẫu không chuẩn. Theo đó, người lấy mẫu không lấy được dịch có chứa virus. Quy định hiện nay về mẫu xét nghiệm là lấy 2 loại mẫu gộp chung lại, gồm dịch hầu họng và dịch tỵ hầu.

Với dịch hầu họng, kỹ thuật viên phải quét được vùng amidan ở phía dưới họng, nếu chỉ quét ở vòm họng thì mẫu sẽ không chính xác. Tương tự, để lấy dịch tỵ hầu, cần đưa ống chọc sâu vào mũi với chiều dài khoảng 8 đến 10cm, gần với mang tai. Nếu chọc quá nông hoặc đưa chệch hướng sẽ không thể lấy được bệnh phẩm. Như vậy, nếu việc lấy bệnh phẩm sai cách, kết quả xét nghiệm chắc chắn sẽ âm tính.

Nguyên nhân cuối cùng có thể là do hóa chất và trang thiết bị xét nghiệm.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân, đặc biệt đối với những trường hợp được chỉ định xét nghiệm PCR, dù cho kết quả âm tính vẫn phải cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem