Bệnh nhân phi công người Anh về nước: Quá trình vận chuyển bệnh nhân được tính sát sao từng giờ

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 11/07/2020 12:23 PM (GMT+7)
Sáng 11/7, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), lãnh đạo Bộ Y tế đã đến thăm, chúc mừng và trao giấy ra viện cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh) sau 115 ngày điều trị Covid-19 tại Việt Nam.
Bình luận 0
Bệnh nhân phi công người Anh sẽ về nước trong chuyến bay kéo dài 26 giờ 35 phút - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê trao giấy ra viện cho bệnh nhân 91.

BS Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy đã điểm lại những mốc thời gian đáng nhớ trong quá trình điều trị của bệnh nhân 91 tại 2 bệnh viện là Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngày 17/3, bệnh nhân 91 khởi phát ho, sốt và nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ngày 18/3. Tình trạng bệnh nhân chuyển nặng nhanh chóng. Ngày 25/3, bệnh nhân phải thở oxy qua mặt nạ, đến ngày 5/4, phải thở máy xâm lấn và ngày 6/4, bệnh nhân được đặt ECMO.

Ngày 12/5, phổi bệnh nhân đông đặc 90%, Bộ Y tế đã tính đến phương án ghép phổi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau nỗ lực điều trị, ngày 18/5, phổi bệnh nhân hồi phục 20 - 30%.

Ngày 22/5, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy sau 5 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2, ngưng lọc máu liên tục.

Ngày 27/5, bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh, giao tiếp, cử động đơn giản. Đến ngày 29/5, thông khí phổi của bệnh nhân 91 tăng lên 40%.

Ngày 2/6, bệnh nhân phi công người Anh đã thực hiện được các y lệnh như cầm ly uống nước, bắt tay, lắc đầu… Đến ngày 3/6, bệnh nhân được cai ECMO.

Ngày 4/6, phổi bệnh nhân phục hồi 50%, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn. Đến ngày 26/6, bệnh nhân được chuyển sang quá trình phục hồi chức năng, cải thiện dinh dưỡng.

Bệnh nhân phi công người Anh sẽ về nước trong chuyến bay kéo dài 26 giờ 35 phút - Ảnh 2.

Bộ Y tế, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, đoàn bay 919 đã đến chúc mừng bệnh nhân 91 ra viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết đã có 6 cuộc hội chẩn trực tuyến toàn quốc để chẩn đoán ca bệnh của bệnh nhân 91. SARS-CoV-2 là chủng virus mới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin nên việc điều trị các ca bệnh nặng này vô cùng phức tạp. 

Toàn thể đội ngũ bác sĩ đã vừa điều trị, vừa tìm tòi, vừa cập nhật phương pháp hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Bệnh nhân 91 không phải là bệnh nhân Covid-19 nặng duy nhất, Việt Nam còn có những bệnh nhân rất nặng khác, như bệnh nhân 88 với bệnh nền xuất huyết não, hay bệnh nhân 19 từng 3 lần ngưng tim. 

Các trường hợp Covid-19 nặng này diễn tiến hoàn toàn khác nhau và đều có những giai đoạn rất nguy kịch, nhưng với phương châm "còn nước còn tát", đến nay, các ca nặng đều đã được chữa khỏi, Việt Nam chưa có ca tử vong nào do Covid-19.

Ông Khuê cho biết thêm Bộ Y tế đã họp bàn cụ thể với Phòng khám Family Medical Practice, đơn vị tiếp nhận và vận chuyển bệnh nhân 91 về nước.

BS Rafi Kot - Giám đốc Phòng khám Family Medical Practice thông tin, phòng khám đã bàn tính tới từng chi tiết cụ thể với 7 giai đoạn vận chuyển bệnh nhân về nước, đồng thời cố gắng vạch ra những tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi máy bay hạ cánh tại Hà Nội, Frankfurt và Scotland.

BS Kot cho biết: "Quá trình vận chuyển bệnh nhân được tính sát sao từng giờ, giống như quân đội với bác sĩ và điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm đi cùng. Chúng tôi đã thảo luận đến từng chi tiết nhỏ nhất trên chiếc máy bay Boeing 787 để đảm bảo chuyến bay an toàn. Đây sẽ là một chuyến bay kéo dài 26 giờ 35 phút từ khi rời TP.HCM cho đến khi hạ cánh tại Scotland".

Ông Lưu Ngọc Minh - Phó trưởng đoàn bay 919 chia sẻ, đêm nay (11/7), bệnh nhân 91 sẽ bay về nước cùng những đồng nghiệp của đoàn bay 919 trên chính chiếc máy bay anh từng lái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem