"Cởi trói" mua sắm, đấu thầu y tế - Bài 3: Bệnh viện mong có quy định chặt chẽ hơn, tránh rắc rối hậu kiểm

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 25/03/2023 11:02 AM (GMT+7)
Không phủ nhận những tác động to lớn của Nghị định 07 và Nghị quyết 30 gỡ vướng cho ngành y tế, nhưng theo lãnh đạo các bệnh viện, cần có những quy định chi tiết, chặt chẽ hơn.
Bình luận 0
Sau 3 tuần "cởi trói" mua sắm, đấu thầu y tế: (Bài 3): Bệnh viện mong được "luật hoá" chặt chẽ để giảm rủi ro - Ảnh 1.

Bệnh nhân ung thư chuẩn bị xạ trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.D

Băn khoăn giá thiết bị y tế

Bác sĩ Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện quận 8 (TP.HCM), chia sẻ bệnh viện sử dụng khoảng 60% là máy đặt, máy mượn. Vì thế điều khoản "tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, máy mượn", đã giúp bệnh viện tháo gỡ nhiều khó khăn.

Tháng 5/2023, bệnh viện sẽ hết hạn gói thầu hóa chất, nếu không có điều khoản gia hạn thêm của Nghị quyết 30, bệnh viện sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, điều khoản "không cần đủ ba báo giá" của Nghị quyết 30 đã giải quyết nhiều khó khăn trong việc đấu thầu trang thiết bị y tế.

Tuy nhiên, hiện các bệnh viện chưa biết được nhà thầu báo giá có sát với giá nhập khẩu hay không, làm thế nào lấy báo giá để sau này không sai phạm về giá. Bệnh viện cũng không thể biết giá trị thực của các trang thiết bị để tránh trường hợp bị đẩy giá và có thể rơi vào trường hợp sai phạm.

Hiện bệnh viện quận 8 vẫn tiếp tục sử dụng máy đặt, máy mượn, sắp tới sẽ đấu thầu hóa chất theo máy. Theo bác sĩ Trần Quốc Hùng, trước đây bệnh viện đấu thầu trực tiếp, nhân viên bệnh viện chỉ kiêm nhiệm đấu thầu, nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì thế, rất cần có những buổi tập huấn về đấu thầu, để bệnh viện có thể đấu thầu thuận lợi, triển khai đúng quy định, tinh thần mà Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã ban hành.

Giá thiết bị y tế cũng là băn khoăn hiện nay của Bệnh viện Chợ Rẫy. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cho biết, Bộ Y tế bắt buộc phải niêm yết giá thuốc trên cổng thông tin chung, nhưng lại không bắt buộc đối với thiết bị y tế. Điều này dẫn đến nhiều thiết bị y tế không có niêm yết giá. Bệnh viện có được báo giá nhưng không có giá niêm yết để đối chiếu, lại không có khả năng kiểm tra giá nhập khẩu của hải quan nên không biết báo giá đó có sát với giá trị thực hay không.

Quy định yêu cầu các bệnh viện không được mua giá cao hơn giá niêm yết, nhưng không có giá niêm yết để đối chiếu, nên nhiều bệnh viện lo ngại bị mua giá cao sẽ dẫn đến rắc rối khi hậu kiểm.

Vì thế, lãnh đạo các bệnh viện mong cơ quan chức năng có quy định mang tính chất bắt buộc hơn về quản lý giá thuốc, thiết bị y tế, về niêm yết giá, để vấn đề giá chuẩn chỉnh hơn, giúp bệnh viện tránh phải rủi ro mà mình không biết.

Cần "luật hoá" Nghị quyết 30

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ thêm, Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2023, để mang tính chất tháo gỡ triệt để, về lâu dài cần điều chỉnh Luật Đấu thầu và "luật hóa" Nghị quyết 30.

Sau 3 tuần "cởi trói" mua sắm, đấu thầu y tế: (Bài 3): Bệnh viện mong được "luật hoá" chặt chẽ để giảm rủi ro - Ảnh 3.

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, khi Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, nên xếp y tế vào nhóm hàng hoá đặc biệt, vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng người bệnh. Trong Luật đấu thầu cũng nên có chương riêng về y tế, quy định cụ thể rõ ràng các tình huống y tế khẩn cấp, cũng như quy trình cụ thể để các bệnh viện có thể chủ động mua sắm khi khẩn cấp.

Trong quá trình chưa luật hoá được, lãnh đạo bệnh viện mong muốn Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tạm thực hiện những nội dung nêu trên, để các bệnh viện có thể dễ dàng mua sắm, tránh các hiện tượng tiêu cực.

Song song đó, nên có các quy định rõ về các gói thầu bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị. Thực tế để thực hiện gói đấu thầu về bảo trì, bảo dưỡng hoàn toàn cho máy rất khó khăn, bởi nhiều hệ thống máy hiện đại, chuyên sâu chỉ có một nhà cung cấp. Các hãng khác sửa không được, nhưng nếu bệnh viện mua gói sửa chữa hoàn toàn của một nơi, rất dễ bị đặt vào thế sai phạm về "chỉ định thầu".

Cũng theo bác sĩ Thức, Nghị quyết 30 đã cho phép hội đồng kỹ thuật bệnh viện tự quyết về cấu hình, sau đó mới đến khâu chào giá theo cấu hình. Tức đã mở ra cho các nhà chuyên môn quyền mua sắm không dựa vào giá rẻ nhất, mà phải là thiết bị phù hợp nhất.

"Hy vọng sau này, các quy định ban hành tiếp theo vẫn tôn trọng quyết định chuyên môn của hội đồng kỹ thuật bệnh viện", bác sĩ Thức bày tỏ.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, những quy định mới của Nghị quyết 30 và Nghị định 07 chỉ mang tính chất "chữa cháy", giải quyết những khó khăn cấp bách. Đã đến lúc xem lại có nhất thiết cái gì cũng phải đấu thầu? Hãy giao quyền tự chủ rõ ràng với gói định suất trên số lượng và quy mô bệnh tật của bệnh nhân ở các bệnh viện công lập, để các đơn vị tự kiểm soát thất thoát khi mua sắm trang thiết bị như ở các bệnh viện tư nhân.

 "Trước khi làm đại trà thì có thể lựa chọn một số bệnh viện để thí điểm", bà Lan đề xuất.

Một thời gian dài, nhiều bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến cuối rơi vào cảnh thiếu hụt trang thiết bị y tế do không thể đáp ứng các yêu cầu về đấu thầu thuốc, hoá chất và vật tư y tế tiêu hao. Những vướng mắc trong việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế hay trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết… đã khiến các bệnh viện gần như "tê liệt", ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh.

Ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành vào đầu tháng 3, nhiều "nút thắt", các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện được tháo gỡ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem