Bệnh viện tự chủ, càng làm càng lỗ (bài cuối): Cần xem xét lại các định mức tự chủ

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 08/10/2022 07:22 AM (GMT+7)
Ghi nhận những khó khăn, bức xúc của các bệnh viện khi thực hiện tự chủ, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, sẽ đưa vấn đề này lên nghị sự quốc gia.
Bình luận 0
Bệnh viện tự chủ càng làm càng lỗ: Bài cuối: Cần xem xét lại các định mức tự chủ - Ảnh 1.

Thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.D

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ năm 2021 đến tháng 9/2022, thành phố có khoảng 2.000 nhân viện chuyển từ khu vực công sang tư, hoặc nghỉ việc. Đồng thời, các đơn vị cũng tuyển thêm khoảng 1.700-1.800 nhân viên y tế mới.

Tuy nhiên, đa số người chuyển việc, nghỉ việc là người có kinh nghiệm, có chuyên môn; còn nhân viên mới tuyển là người vừa tốt nghiệp ra trường, cần thời gian dài làm việc mới có thể thay thế được những người ở vị trí cũ.

Nhân viên y tế nghỉ việc trải dài từ y tế cơ sở đến các bệnh viện, trong số đó, số lượng nhân viên nghỉ việc ở bệnh viện công lập (chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng) chiếm phần lớn. Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhân viện y tế nghỉ việc, nhưng có một nguyên nhân ít ai nói ra, là họ mệt mỏi, căng thẳng sau 2 năm phòng chống dịch, trong khi nguồn thu nhập thấp, không đáp ứng cuộc sống gia đình.

Hầu hết các bệnh viện đã tự chủ và sau gần 2 năm phòng chống dịch Covid-19, nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh giảm sút rất rõ. Trước mắt, để có nguồn thu hợp pháp trở lại, các bệnh viện cần khẩn trương củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như cải thiện giao tiếp ứng xử trong chăm sóc người bệnh.

Một trong những băn khoăn của các bệnh viện là làm thế nào viện phí sớm được tính đúng, tính đủ. Trước đây, số lượng bệnh nhân đông, quá tải thì bệnh viện bù đắp qua lại, có thể cố gắng được; giờ số lượng người đến khám giảm sút, nguồn thu giảm hẳn. Việc điều chỉnh viện phí trong giai đoạn này là nhu cầu cấp bách nhưng nằm ngoài tầm của các bệnh viện.

"Sở Y tế TP.HCM, Bộ Y tế đã kiến nghị Quốc hội sớm thông qua, điều chỉnh để cho các bệnh viện thực hiện giá thu hợp lý. Nếu như vì nhiều lý do mà chưa điều chỉnh được giá thu, thì có thể điều chỉnh lại các mức tự chủ ở bệnh viện. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60 về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp thay thế Nghị định 43; Bộ Tài chính cũng đã ra hướng dẫn thực hiện nghị định này.

Trước mắt, ngành y tế tiếp tục đeo bám và đánh giá mức tự chủ của các bệnh viện để kịp thời kiến nghị thành phố có hướng tháo gỡ. Các hoạt động khác của bệnh viện cũng cần được củng cố như: khám theo yêu cầu; chế độ chính sách, điều chỉnh mức lương, trợ cấp cho phù hợp", ông Thượng nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TP hiện có 48/50 bệnh viện đang hoạt động với mô hình tự chủ. "Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 quy định về tự chủ tài chính và chia làm 4 nhóm tự chủ. Các bệnh viện cần đánh giá lại tình hình tự chủ, nguồn cải cách tiền lương... để điều chỉnh cơ chế", bác sĩ Nam nói.

Bệnh viện tự chủ càng làm càng lỗ: Bài cuối: Cần xem xét lại các định mức tự chủ - Ảnh 3.

Giảm nguồn thu từ bệnh viện, nhiều nhân viên y tế đã nghỉ việc. Ảnh: B.D

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhìn nhận, những khó khăn các bệnh viện đã kiến nghị rất lâu mà chưa giải quyết được. "Ngành y tế cần được cấp cứu để hoàn thành nhiệm vụ, bởi bác sĩ quá tải, điều kiện phục hồi sức khỏe khó khăn, vật tư thiếu thốn", ông Nhân nói.

Ông Nhân nêu, bệnh viện, trường học không phải là doanh nghiệp, "vậy luật nào điều tiết các đơn vị hoạt động sự nghiệp này?" và đề nghị đoàn chắt lọc các kiến nghị, đưa lên Quốc hội để có hướng giải quyết nhanh các bức xúc, tạo động lực phát triển lâu dài cho ngành y tế thành phố.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định, thực tế đơn vị muốn phát triển thì phải có dư, thu nhiều hơn chi. Nhiều đơn vị hiện nay, kể cả trường học, bệnh viện, ban đầu thu nhiều hơn nhưng dần dần cơ sở vật chất xuống cấp, hư hao trang thiết bị, phải mua sắm đầu tư nên thâm hụt, dẫn đến hoạt động gặp khó khăn.

Bà Tuyết cho biết thêm vấn đề hiện nay là các cơ quan chức năng tham mưu Chính phủ để khai thác tốt nguồn xã hội hóa, không lạm dụng để tăng áp lực thu lên người dân. Đồng thời, bà khẳng định sẽ đề xuất lên Quốc hội sớm nghiên cứu ban hành luật cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động, tạo hành lang pháp lý để làm cơ sở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem