Bệnh viện tự chủ, càng làm càng lỗ (bài 2): Vẫn bài toán "thiếu thuốc và đấu thầu mua sắm"

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 07/10/2022 07:41 AM (GMT+7)
Nhu cầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế của các bệnh viện rất lớn, nhưng khi bệnh viện thực hiện đấu thầu, nguy hiểm luôn "treo" trên đầu vì thiếu quá nhiều quy định so với thực tế.
Bình luận 0
Bệnh viện tự chủ càng làm càng lỗ: Bài 2: Vẫn bài toán "thiếu thuốc và đấu thầu mua sắm" - Ảnh 1.

Chờ mua thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.D

Bệnh viện không muốn tham gia đấu thầu thuốc

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11 dẫn chứng: "Mặc dù rất cấp thiết và đã trình UBND TP.HCM nhưng đến nay gần 9 tháng, bệnh viện vẫn chưa thể mua sắm hệ thống chụp cắt lớp CT Scanner do UBND thành phố chưa phê duyệt định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng. Việc mua sắm trang thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều bước theo quy trình đã quy định".

Trước thực trạng trên, dược sĩ Trương Minh Quang, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện quận 11 đề xuất bệnh viện sẽ không tham gia đấu thầu nữa. BHYT trung ương hoặc địa phương đấu thầu xong, bệnh viện sẽ mua lại. Cơ quan bảo hiểm xã hội đưa ra mức trần của một nhóm thuốc, một hoạt chất, nếu bệnh viện mua vượt thì phải tự xử lý phần chênh lệch; dưới mức trần thì BHYT sẽ chi trả.

Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị bệnh nhân. Hồi tháng 6, bệnh viện không chỉ thiếu một số loại thuốc hiếm, biệt dược dùng điều trị chuyên sâu mà còn thiếu cả một số loại thuốc phổ biến, giá rẻ, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu điều trị.

Thạc sĩ Huỳnh Hữu Pho, Trưởng phòng Trang thiết bị Y tế Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nhu cầu mua sắm trang thiết bị y tế tại bệnh viện rất nhiều nhưng gặp khó khăn. Đầu tiên là việc xác định giá, bao gồm giá đầu vào để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sau khi đấu thầu có kết quả, giá chọn phải thấp hơn giá kê khai của nhà thầu.

Tuy nhiên thiết bị y tế là thiết bị đặc thù, giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cấu thành, tính năng của thiết bị, yêu cầu kỹ thuật. Nếu nhà cung cấp không cung cấp cụ thể thông tin từng phần của thiết bị, việc xác định giá phù hợp rất khó.

Tiếp đến, một số thiết bị thế hệ mới chưa cung cấp về Việt Nam, một số thiết bị đặc thù, công nghệ cao cũng hạn chế nhà sản xuất. Ví dụ, máy xạ trị hiện chỉ có 2 nhà sản xuất trên thế giới, nên việc lập kế hoạch mua sắm căn cứ trên 3 báo giá là rất khó.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định cập nhật giá thị trường. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, biến động giá đã vượt ngoài khung mà Bộ Y tế quy định. Điển hình là tất cả sản phẩm liên quan đến nhựa PVC, bị biến động bởi giá dầu thế giới.

"Gần đây chúng tôi mới mua được bơm kim tiêm một cách chính thống. Cứ báo giá ngày hôm nay, làm xong kế hoạch nhưng 2 tháng sau chính đơn vị báo giá đó không dự thầu nữa. Người ta nói là giá đã cũ rồi", Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Dược sĩ Lê Phước Trọng Nhân, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, bệnh viện đấu thầu thuốc với chi phí lớn, riêng danh mục thuốc tốn 55-59% tổng chi phí. Sau đấu thầu, bệnh viện tập trung trả nợ các nhà cung cấp trong khi phải phụ thuộc nhiều vào BHYT và phải đợi BHYT trả nên công nợ kéo dài, dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc.

Liên quan đến hoạt động khoa dược, ông Nhân cho rằng Thông tư 22/2011 quy định chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm của Khoa Dược không còn phù hợp. Chẳng hạn khoa có vị trí dược trung trưởng, nhưng không có thông tư khiến "công việc đấu thầu rất nguy hiểm". Do đó ông đề nghị sửa thông tư này, đồng thời sửa cả Luật Dược 2013 và Luật Đấu thầu 2013, cho phép đàm phán giá. Lý do, thuốc là hàng hóa đặc biệt, không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.

Bệnh viện tự chủ càng làm càng lỗ: Bài 2: Vẫn bài toán "thiếu thuốc và đấu thầu mua sắm" - Ảnh 3.

Nhiều bệnh viện thiếu thuốc do quá vướng các quy định về đấu thầu. Ảnh: B.D

"Giá thấp nhất" hay "giá hợp lý nhất"?

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11 cho biết, theo các quy định hiện hành về đấu thầu thuốc danh mục mua sắm thuốc được chia nhỏ ra nhiều hình thức: tập trung cấp địa phương, tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá, bệnh viện tự tổ chức mua sắm.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ kết quả của các gói thầu mua sắm tập trung thì xảy ra tình trạng thiếu thuốc nhưng không thể tự tổ chức mua sắm do các thuốc này nằm trong danh mục mua sắm tập trung.

Bên cạnh đó, đa phần giá thiết bị y tế, thuốc sẽ tăng theo thời gian vì tình hình kinh tế chung, nhưng theo quy định, giá trúng thầu sẽ không được vượt giá kế hoạch, giá kế hoạch năm sau được lập nên dựa vào giá trúng thầu năm trước. Như vậy, giá mỗi năm sẽ giảm đi, giá đưa ra quá thấp sẽ ít nhà thầu tham gia. Hoặc, với giá đó, chất lượng thuốc sẽ không đảm bảo, người bệnh sẽ chịu thiệt thòi lớn.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, dược sĩ Trương Minh Quang, Trưởng khoa Dược của Bệnh viện quận 11, cho hay bệnh viện phải sử dụng thuốc khác có cùng chức năng hoặc tương đương, hoặc bệnh nhân phải tự mua.

"Hiện nay, bệnh viện không thể tự mua thuốc mà bệnh viện lựa chọn được vì vướng thủ tục pháp lý. Thuốc đấu thầu tập trung chiếm 20% số lượng thuốc của bệnh viện, nhưng bệnh viện không được lựa chọn loại thuốc, đưa về loại nào, bệnh viện phải dùng loại đó. Bệnh viện được đấu thầu 80%, nhưng chỉ mua được đúng thuốc khoảng 60% vì nhiều nguyên nhân", dược sĩ Quang nói.

Bệnh viện tự chủ càng làm càng lỗ: Bài 2: Vẫn bài toán "thiếu thuốc và đấu thầu mua sắm" - Ảnh 4.

Nhiều bệnh viện phải dùng máy đặt, máy mượn trong khi lại vướng quy định. Ảnh: B.D

Trưởng Đơn vị Đấu thầu Bệnh viện Chợ Rẫy Tôn Văn Tài nêu rõ, khó khăn là giai đoạn xây dựng giá dự toán theo thông tư 58 phải xác định giá dự toán vì thuốc là hàng hóa đặc biệt. Việc mua thuốc hiếm gặp khó khăn trong cung ứng thuốc do nhiều nguyên nhân. Do đó ông Tài cho rằng nên đấu thầu tập trung quốc gia hoặc cho bệnh viện áp dụng chỉ định thầu rút gọn để đảm bảo thuốc điều trị bệnh nhân, vì đấu thầu rộng rãi sẽ tốn thời gian, ảnh hưởng điều trị.

Ngoài ra, các bệnh viện đề nghị giá mua sắm không nên là "giá thấp nhất" mà cần quy định rõ là giá "hợp lý nhất" dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, từng chuyên khoa, từng hạng bệnh viện. Quy định chi tiết như thế nào là "tình huống cấp bách" trong y khoa, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người bệnh; từ đó cho phép các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định để kịp thời có thuốc phục vụ người bệnh.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận, trong quy trình đấu thầu, việc xây dựng giá kế hoạch khó vì phải thấp hơn giá trúng thầu năm trước. Nhiều thuốc đã hết hiệu lực đăng ký lưu hành và Bộ Y tế đang tiếp tục gia hạn, nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Ngoài ra, đấu thầu tập trung cấp địa phương hay cấp bệnh viện thường chỉ đáp ứng 80% kế hoạch.

Sở đã kiến nghị Bộ Y tế ban hành danh mục cần công khai, kê khai. Thực tế việc mua sắm vật tư y tế trang thiết bị còn nhiều vướng mắc trong kê khai giá, công khai giá, số lượng quá lớn. Mặc dù Vụ Trang thiết bị (Bộ Y tế) đã công khai giá 180.000 mặt hàng nhưng chỉ là một phần nhỏ, trong khi phần mềm tìm tên tra cứu rất khó. Có những mặt hàng không biết là vật tư y tế hay thuốc, chẳng hạn nước mắt nhân tạo, khi bệnh viện mua sắm sẽ gặp khó khăn.

Bài 3: Cần xem xét lại các định mức tự chủ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem