Đứng đầu về mức độ ô nhiễm
Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm về làng giấy Phong Khê, thuộc phường Phong Khê, TP Bắc Ninh. Ngay từ những bước chân đầu tiên về ngôi làng này, đã có thể cảm nhận được một không khí làng nghề náo nhiệt, hàng loạt xe tải (to, nhỏ) nối đuôi nhau ra vào làng.
Con đường làng vốn đã nhỏ, lại càng trở lên chật hơn khi có những vũng nước đen ngòm ngập lối, cạnh đó là xỉ than, giấy vụn chất đống...Những ngôi nhà hai bên đường làng đều đã nhuốm màu khói bụi, cùng màu thời gian, nhiều mảng tường đen như bồ hóng. Những ngôi nhà 2, 3 tầng kiên cố, nhưng đều có vẻ như vắng chủ lâu ngày.
Một góc của làng giấy Phong Khê
Giữa lúc đang chờ đợi để “len” được vào trong làng, thì chúng tôi vô cùng khó chịu bởi những đám khói đen xì không biết từ hướng nào ùa đến, bủa vây khắp nơi, một thứ mùi khét lẹt xộc đến như ai đó đang đốt nhựa cao su….Không gian đặc quánh mùi ô nhiễm.
Theo ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch Ủy ban phường Phong Khê, hiện tại, làng có trên 200 doanh nghiệp đang trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất giấy. Trước đây, có một số doanh nghiệp thu mua nhựa cao su, rồi vải vụn tại các xưởng may về làm nguyên liệu đốt lò, nhưng hiện tại đã không còn việc này.
Tình trạng ô nhiềm tại làng nghề đã được cải thiện đáng kể, nhất là từ khi nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động (từ tháng 3 năm 2017, với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng, mới xong giai đoạn 1 - PV), đã không còn việc xả thải trực tiếp ra môi trường như trước đây nữa.
Cũng theo lời ông Tấn, hiện tại khu công nghiệp làng nghề đã quy tụ được hơn 100 doanh nghiệp, số doanh nghiệp còn lại vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư. Theo kế hoạch đến năm 2020, sẽ chuyển toàn bộ các doanh nghiệp này ra khỏi khu vực dân cư.
Tuy nhiên, trái ngược với thông tin mà vị lãnh đạo phường vừa cung cấp trên, những người dân mà chúng tôi tiếp xúc và hỏi chuyện đều cho biết, hiện tại, việc đốt lò bằng nhựa cao su vẫn còn (chính nó là thủ phạm của mùi khét và đám khói đen đặc lúc chúng tôi vào làng).
Chỉ có điều là trước đây họ chở nhựa cao su về công khai thì nay “lén lút” và nước thải của các gia đình làm nghề (các doanh nghiệp) vẫn hàng ngày được thải ra môi trường, những hôm trời mưa, nước thải được dịp “lênh láng” vì nước cống không kịp thoát ….Cũng theo những người dân ở đây, nhà máy xử lý nước thải được đầu tư xây dựng ở khu vực cao, nên nước thải của các hộ làm giấy (ở khu vực thấp) không chảy được vào để xử lý (?).
“Nói về mức độ ô nhiễm thì Phong Khê đứng đầu thành phố Bắc Ninh, ở đây không chỉ ô nhiễm về nguồn nước, không khí mà còn cả khói bụi. Người dân ở đây ngày nào cũng phải chịu trận khi các hộ đốt lò, khói bụi và mùi khét theo gió bay khắp nơi. Năm nào trong làng cũng có hàng chục người chết vì ung thư…”, một người đàn ông cho biết.
Tỷ lệ mắc ung thư ngày một gia tăng
Những bước tường, những sàn nha đen xì bụi như thế này không khó gặp tại trạm y tế phường Phong Khê
Để chúng tôi mục sở thị về mức độ ô nhiễm đáng báo động của làng nghề giấy Phong Khê hiện nay, bác sĩ Thân Mậu Diễn - Phó trạm trưởng trạm y tế phường đã dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng các phòng ban của trạm. Điều mà chúng tôi nhận thấy là “không có trạm y tế nào lại bụi, bẩn như ở đây”.
Bụi đen đặc từ thành cầu thang, đến bậu cửa, sàn nhà…Theo lý giải của bác sĩ Diễn, sở dĩ lại “bẩn” như vậy vì trạm y tế "đóng quân" giữa làng giấy. Trước mặt, bên cạnh hay đằng sau đều là những nhà máy sản xuất giấy. Hàng ngày các hộ đốt lò, rồi chạy máy, khói bụi mù mịt, đóng kín cửa phòng vẫn thấy mùi khét và bụi.
Theo bác sĩ Diễn, mặc dù trạm đã sắm cả máy hút bụi rồi, nhưng không ăn thua, vì lau dọn sạch sẽ lúc sáng, thì đến chiều người ta đốt lò lại bụi, bẩn như không. Là người trực tiếp phụ trách mảng công tác khám chữa bệnh – truyền thông của trạm, nhưng lại mới chuyển về đây công tác, nên số liệu trước đây bác sĩ Diễn không rõ, nhưng từ năm 2017 đến nay số lượng ca mắc bệnh ung thư của người dân tại đây có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, so với 19 xã phường trên địa bàn TP Bắc Ninh thì Phong Khê là địa phương đứng đầu về tỷ lệ mắc ung thư.
Năm 2017 số liệu mà trạm y tế nắm được là 4 ca ( 4 ca đó đến điều trị morphin tại trạm), còn trên thực tế tầm 9, 10 ca. “Đa phần bệnh nhân mắc ung thư đều điệu trị ở tuyến trên, rất ít trường hợp theo điều trị morphin tại trạm, do đó, con số thực tế có bao nhiêu trường hợp mắc bệnh trong một năm trạm không thống kê được. Ngay sáng nay, có một bệnh nhân ung thư vừa qua đời” bác sĩ Diễn cho hay.
Được biết, từ đầu năm đến nay, trạm y tế phường Phong Khê đã tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhân ung thư di căn, giai đoạn cuối đến điều trị morphin . Các bệnh nhân mắc ung thư đa phần nằm trong độ tuổi từ 35 – 40 trở lên, cũng có những trường hợp trẻ hơn.
Ngoài ung thư, trẻ em ở đây (làng giấy Phong Khê) thường hay bị mắc các bệnh như hô hấp trên, viêm họng, viêm A, tiêu hóa…đặc biệt là các bệnh về da, trong đó điển hình nhất là viêm da do nhiễm hóa chất (từ nguồn nước hoặc do tiếp xúc với các hóa chất trong quá trình sản xuất giấy – PV).
Một cán bộ y tế (xin được giấu tên) đang công tác tại đây cho hay: Môi trường ở Phong Khê này quá ô nhiễm. Nếu nói quá lên thì xe máy hay ô tô mới vào làng này, gặp một vài trận mưa, gập nước thải thì sau một năm là "sụt gầm xe" vì có quá nhiều hóa chất độc hại trong nước thải…Sinh nghề, tử nghiệp chứ biết làm sao được. Những người có tiền – các chủ sản xuất giấy thì hiện không còn ở làng nữa. Phần lớn họ sống trên TP Bắc Ninh, rồi hàng ngày chỉ về quán xuyến hoạt động sản xuất, xong lại đi…nên chỉ khổ những người dân đang hàng ngày sinh sống trực tiếp tại làng.
Vi Phong (Báo Tổ quốc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.