Ông Đạm tự hào kể, gia đình ông đã trải qua 9 đời dưới ngôi nhà được làm từ gỗ lim có niên đại trên dưới 400 năm. Ông chỉ nghe các cụ truyền lại, cụ tổ dựng lên ngôi nhà này trước đây thuộc hàng giàu có nổi tiếng bậc nhất vùng Kinh Bắc nhờ vào nghề buôn gỗ. Cụ đi khắp các tỉnh phía Bắc giao thương, buôn bán dọc theo các con sông.
Qua 4 thế kỷ, ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn là nhờ cụ tổ đã chắt lọc những cây lim tốt nhất để xây dựng.
Ông Đạm giải thích, kiến trúc nhà gỗ của các cụ thường rất thấp, không như nhà gỗ ngày nay được xây dựng to cao hơn rất nhiều. Nhưng ít ai biết, những nếp nhà gỗ cổ ngày nay không được xây dựng theo đúng chuẩn kiến trúc của người xưa. Số cột trụ đã giảm bớt để dành chỗ cho diện tích sử dụng cũng như giảm chi phí xây dựng.
Nếu theo chuẩn nhà gỗ nguyên bản, ông Đạm cho biết, mỗi gian nhà phải có đủ 5 cột trụ. Nếu nhà có 5 gian thì tương ứng 6 hàng, mỗi hàng 5 cột, phải đủ 30 cột cho một ngôi nhà. Tuy nhiên, thiết kế nhà gỗ ngày nay chỉ còn 2 hàng cột ở gian chính giữa, nơi linh thiêng nhất dành cho thờ tự bị giảm đi 2 cột để tận dụng diện tích trong nhà.
Để sở hữu ngôi nhà gỗ 5 gian, các cụ nhà ông Đạm cũng thuộc hàng “đại gia”.
Kinh tế phát triển, nhiều đại gia chán ngán với các biệt thự gạch xi măng đầy đủ tiện nghi mà chuyển sang thích ở nhà gỗ Bắc Bộ. Họ mạnh tay chi hàng chục tỷ đồng, dầy công đi tìm gỗ quý để làm chốn thư giãn cuối tuần.
Vì thế, hàng trăm nếp nhà gỗ theo phong cách cổ được xây cất trong thời gian gần đây. Thường thì chủ nhân của nó thuộc hàng đại gia, không chỉ mong tìm về bản sắc văn hóa xưa của người Việt mà còn là dịp để thỏa mãn thú chơi, thể hiện đẳng cấp.
Ông Đạm nhẩm tính, để dựng được một nếp nhà gỗ 5 gian như nhà ông, chủ nhân của nó phải bỏ ra hàng tỷ đồng, nếu dựng bằng gỗ quý như lim Lào, dổi,... thì chắc chắn số tiền còn lên đến hàng chục tỷ đồng. Đó là do ngày nay gỗ quý rất khan hiếm, muốn tìm được cũng mất vài ba năm săn lùng, sau đó mất thêm là dựng xong.
Nhưng ngày xưa, các cụ cũng phải mất ngần ấy thời gian đi tìm gỗ, không phải vì gỗ quý khan hiếm mà ngược lại gỗ rất sẵn nhưng vận chuyển vô cùng vất vả, tốn kém.
“Ngày đó các cụ làm gì có máy cẩu, máy nâng, di chuyển bằng con lăn, có khi lại vận chuyển theo đường sông mất hàng tháng trời mới về đến công trình, sau đó nuôi công thợ 3 năm trời mới cất xong căn nhà”, ông Đạm kể lại.
Để sở hữu ngôi nhà gỗ 5 gian, các cụ nhà ông Đạm cũng thuộc hàng “đại gia”. Theo những gì ông Đạm được các cụ truyền lại, cụ tổ ông ngày đó làm nghề buôn gỗ, cơ ngơi thuộc hạng giàu có nhất nhì trong vùng, trong nhà luôn có hàng chục người ăn kẻ ở. Rất ít gia đình danh gia vọng tộc thời đó mới làm được nhà gỗ như vậy.
Trải qua hơn 4 thế kỷ, ngôi nhà vẫn vững như bàn thạch, màu gỗ nhạt phai càng tôn thêm vẻ cổ kính cho ngôi nhà. Đặc biệt, chất gỗ của các cột trụ vẫn còn rắn đanh, ngả màu đen bóng như sừng. “Tôi muốn treo bức tranh mà đóng oằn cả đinh, phải dùng khoan mới đóng được”, ông Đạm miếu tả.
Ông Đạm trong ngôi nhà của mình.
Ông Đạm tự hào, hàng năm có 2-3 đoàn khảo cổ đến tham quan tìm hiểu ngôi nhà. Họ lần tìm rất kỹ dấu vết niên đại nhưng đã bị mờ nhạt không thể nhận ra. Tuy nhiên, thông qua các hoa văn, họa tiết, họ đánh giá ngôi nhà có tuổi đời sau thời gian xây dựng đình Thổ Hà, ước chừng vào thời kỳ cuối nhà hậu Lê (1428-1789).
“Họ lý giải, kiến trúc hoa văn của ngôi nhà cùng niên đại với hoa văn tại đình Thổ Hà, do đó ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 400 năm”, ông Đạm cho hay.
Ông Đạm sinh ra tại ngôi nhà này đến nay tròn 80 năm, trả qua nhiều biến động cùng với ngôi nhà. Vì thuộc vùng lưu vực sông Cầu, hàng năm nước dâng lên cao, ngôi nhà phải hứng chịu những trận lụt lịch sử. Ông nhớ, có lần nước ngập lên gần nóc nhà, vợ và các con ông phải đi sơ tán, mình ông quyết ở lại bám trụ bảo vệ ngôi nhà. Mỗi lần như vây, ông rất lo ngôi nhà sẽ bị hư hại. Qua nhiều lần ngập như vậy, ngôi nhà vẫn đứng vững cho đến ngày nay.
“Trên hàng cột vẫn lưu dấu vết sau mỗi lần nước dâng. Nếu hàng năm không có những trận lụt chắc chắn ngôi nhà sẽ còn nguyên vẹn hơn, màu gỗ sẽ không bị phai như thế ”, ông Đạm khẳng định.
Hàng năm, rất nhiều người đến tham quan và xin phép ông Đạm chụp mẫu về xây nhà tương tự. “Những người biết đến giá trị của ngôi nhà thuộc vào hàng đại gia, họ đem cả thợ đến chụp ảnh từng chi tiết hoa văn, kích thước, yêu cầu phải làm giống y trang ngôi nhà của tôi”, ông Đạm tự hào kể.
“Biết tôi không bao giờ bán nhà, nhưng họ vẫn cứ hỏi. Có người trả giá 10 tỷ đồng, nhưng tôi cương quyết từ chối. Giá trị của thời gian không giá nào mua nổi ”, ông Đạm khẳng định.
Tuấn Linh - Đức Yên (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.