Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay (6.7). Ảnh: Tấn Lộc
Sáng 6.7, TAND tỉnh Phú Yên quyết định hoãn phiên tòa xử vụ án tuồn vốn nhà nước cho công ty gia đình xảy ra tại Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô (thuộc sở hữu UBND tỉnh Phú Yên) mà báo Pháp luật TP.HCM đã nhiều lần phản ánh. Lý do hoãn phiên tòa là bị cáo Hồ Thị Hằng (một trong tám bị cáo của vụ án) có đơn xin hoãn do đang sinh con. Dự kiến, phiên tòa sẽ mở lại từ ngày 3 đến 7.8.
Trước đó, trong phần làm thủ tục phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa vì cho rằng lý do xin hoãn của bị cáo Hằng là chính đáng. Ngoài ra, phiên tòa vắng phần lớn trong 62 người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Đại diện VKS đề nghị tòa triệu tập đầy đủ bị cáo, những người có quyền, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng mới mở lại phiên tòa để việc xét xử đảm bảo đúng pháp luật.
Vụ án trên được dư luận tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm do tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm pháp luật trong việc tuồn vốn nhà nước cho công ty gia đình. Thế nhưng, theo VKSND tỉnh Phú Yên, tòa án cùng cấp tỉnh này đã vi phạm nghiêm trọng quy định về thời hạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. Ngày 22.9.2014, vụ này được VKSND tỉnh Phú Yên ban hành cáo trạng truy tố tám bị can, đồng thời chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh để đưa ra xét xử. Sau gần ba tháng nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, ngày 17.12.2014, TAND tỉnh Phú Yên bất ngờ ra quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh để điều tra bổ sung.
Tuy nhiên, cho rằng các nội dung mà TAND tỉnh Phú Yên yêu cầu điều tra bổ sung đã được điều tra làm rõ, thể hiện trong hồ sơ vụ án, ngày 31.12.2014, VKSND tỉnh chuyển lại hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh, đồng thời có công văn kiến nghị TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng, TAND tỉnh Phú Yên vẫn liên tục “ngâm án”. Trước tình trạng này, thời gian qua, VKSND tỉnh Phú Yên đã phải ba lần ban hành kiến nghị, yêu cầu chánh án TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử, đó là các kiến nghị vào các ngày 2.2, 20.2, 8.6. Theo VKSND tỉnh Phú Yên, tính từ ngày TAND tỉnh nhận hồ sơ để chuẩn bị cứu xét xử đến khi mở phiên tòa là hơn chín tháng, tức tòa đã vi phạm khoản 2, Điều 176; khoản 2, Điều 177 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trong vụ án trên, bị cáo Hồ Thị Hằng bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên bắt tạm giam ngày 11.10.2013. Đến ngày 29.4.2014, Hằng được thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại và hiện nay đang sinh con. “Tòa ngâm án kéo dài đến mức sau khi bị tạm giam, bị cáo được tại ngoại rồi sinh con mà vẫn chưa xét xử thì không thể hiểu nổi và không thể chấp nhận” - một cán bộ VKSND tỉnh Phú Yên bày tỏ khi trao đổi với Pháp luật TP.HCM.
Trong vụ án trên, VKSND tỉnh Phú Yên truy tố tám bị cáo cùng tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ theo quy định khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 10 năm đến 15 năm tù. Trong đó bị cáo chủ mưu là Nguyễn Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cảng Vũng Rô. Trong bảy bị cáo còn lại, ba người là cán bộ của Công ty Cảng Vũng Rô gồm Ngô Minh Dũng (Kế toán trưởng), Nguyễn Trần Phong (Phó giám đốc chi nhánh tại TP.HCM), Huỳnh Thanh (Phó phòng Kế toan), Nguyễn Vũ Thùy Trang (thủ quỹ).
Các bị cáo còn lại là cán bộ của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Lộc (có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng An, thị xã Thuận An, Bình Dương) gồm Triệu Vũ Khiêm (Giám đốc), Phạm Nhiêm (Kế toán trưởng), Hồ Thị Hằng (thủ quỹ).
Theo hồ sơ, từ tháng 5.2001 đến năm 2013, lợi dụng các chức vụ quyền hạn là phó giám đốc Công ty Vận tải biển Phú Yên kiêm giám đốc chi nhánh tại TP.HCM, chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cảng Vũng Rô, Nguyễn Minh đã dùng vốn của nhà nước thành lập Công ty Đại Lộc của riêng mình. Để có nguồn vốn hoạt động, có lợi cho công ty riêng của mình, thông qua các hợp đồng kinh tế, Nguyễn Minh đã chỉ đạo và cùng Ngô Minh Dũng, Nguyễn Trần Phong, Huỳnh Thanh, Nguyễn Vũ Thùy Trang, Triệu Vũ Khiêm, Phạm Nhiêm, Hồ Thị Hằng lập chứng từ kế toán, hợp đồng mua bán, thủ tục vay tiền không đúng theo quy định của pháp luật, chuyển tiền từ Công ty Cảng Vũng Rô cho Công ty Đại Lộc sử dụng, làm thiệt hại tài sản nhà nước hơn 37 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ sai phạm trên, cơ quan điều tra cũng đề nghị xử lý hành chính đối với hàng loạt cán bộ; đó là ông Hồ Đình Tân, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cảng Vũng Rô, ông Hoàng Thanh Lâm, hiện là Phó giám đốc, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cảng Vũng Rô đã không thực hiện đúng nguyên tắc trong quản lý kinh tế tài chính, thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý công nợ. Ông Phan Đôn Duyên, Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính Phú Yên), ông Lê Xuân Quang, chuyên viên Sở Tài chính, được sở này giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn tại Công ty Cảng Vũng Rô. Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh tỉnh Phú Yên, Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển chi nhánh tỉnh Phú Yên đã thiếu kiểm tra trong việc cho vay, sử dụng vốn vay của Công ty Cảng Vũng Rô. Nguyễn Thị Phương Thúy, Lê Thị Ly Chinh, Trần Văn Khoa, Trần Huỳnh Hồ, Trần Thị Mỹ Hạnh có hành vi vi phạm trong việc rút sec tiền mặt của Công ty Đại Lộc. Nguyễn Thị Hồng Trinh có hành vi lập khống chứng từ mua bán máy móc giữ Công ty Cảng Vũng Rô và Công ty Đại Lộc.
(Theo Tấn Lộc/Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.