Bị cáo Trầm Bê không phục việc bị buộc tội cố ý làm trái

Hữu Ký Thứ tư, ngày 10/01/2018 12:36 PM (GMT+7)
Trong phần xét hỏi, bị cáo Trầm Bê thừa nhận có đồng ý cho Phạm Công Danh vay tiền, đó là hoạt động bình thường nên có nhiều điều bị cáo chưa phục khi bị buộc tội cố ý làm trái.
Bình luận 0

Ngày 10.1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chuyển sang phần xét hỏi.

Mở đầu phiên tòa, chủ tọa trả lời câu hỏi của luật sư liên quan đến việc các số liệu được sử dụng. Chủ tọa khẳng định luật sư có thể sử dụng các bản án đã đưa ra trong giai đoạn 1. Chủ tọa cho phép bị cáo Phạm Công Danh ngồi nghe vì lý do sức khỏe. Từ ngày đầu tiên của đợt xét xử thứ 2, ngày nào bị cáo Phạm Công Danh cũng phải xin ra ngoài chăm sóc y tế. 

img

Bị cáo Trầm Bê tại phiên tòa. Ảnh: HK 

Trong phần trả lời HĐXX, bị cáo Trầm Bê cho rằng cáo trạng nêu đúng nhưng bị cáo không phục lắm. Bị cáo Trầm Bê khai quen biết Phạm Công Danh vì Danh là khách hàng có vay 4,5 năm bên NH Phương Nam. Khi đó Trầm Bê là chủ tịch Hội đồng Tín dụng (HĐTD), Phó chủ tịch HĐQT, còn Phạm Công Danh làm ở Thiên Thanh, sau này nghe nói làm bên Ngân hàng Đại Tín. Bị cáo Trầm Bê khai không nhớ thời gian cụ thể Phạm Công Danh đến gặp xin vay tiền tại Sacombank (khi ông là Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch HĐTD).

Khi gặp xin vay tiền phạm, Công Danh đề nghị vay hơn 1 nghìn tỷ đến 2 nghìn tỷ đồng và được chấp thuận với điều kiện phải có tài sản đảm bảo như: có bất động sản có giá trị cao, sổ tiết kiệm, chứng thư bảo lãnh ngân hàng. “Điều kiện để cho khách hàng vay có tài sản đảm bảo, chủ tịch ngân hàng có thể đi vay được ở ngân hàng khác. Đó là khách hàng bình thường của ngân hàng, theo bị cáo biết thì luật không cấm”, bị cáo Trầm Bê nói.

Khi chủ tọa hỏi có đọc Luật các tổ chức tín dụng chưa, bị cáo Trầm Bê nói chưa nghiên cứu nhưng đã làm trong ngân hàng cả chục năm với vị trí cao, bị cáo biết được luật không cấm lãnh đạo ngân hàng đi vay với điều kiện có tài sản bảo đảm. Theo bị cáo Trầm Bê, khi Phạm Công Danh nói đủ điều kiện vay ông đã dẫn xuống gặp Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) xem xét nếu đủ điều kiện thì cho vay.

Về điều kiện cho khách hàng vay, bị cáo Trầm Bê cho biết đầu tiên có tài sản đảm bảo, thu hồi được vốn, thu được lợi nhuận và có phương án vay. Theo ông, mỗi người có nhận thức khác nhau nhưng đáp ứng đủ các điều kiện trên là được. 

Chủ tọa phiên tòa nhận xét dù nhận thức mỗi người khác nhau nhưng vẫn phải tuân theo quy định pháp luật, trong đó điều kiện tiên quyết khi cho vay là phải xem phương án vay, có thực tế không, có phương án trả nợ không, khi không đảm bảo thì có tài sản bảo đảm cũng không được. Còn ở đây bị cáo đã không quan tâm phương án kinh doanh mà thay vào đó chỉ xem có tài sản đảm bảo đầu tiên.

Bị cáo Trầm Bê phủ nhận lại HĐXX và cho biết đã giao cho cấp dưới làm (Phan Huy Khang), người nắm nghiệp vụ rất vững. Sau khoảng 1 tuần, Phan Huy Khang mời bị cáo xuống gặp Phạm Công Danh và nói rằng Ngân hàng Đại Tín sẽ chuyển tiền qua bảo lãnh cho các khách hàng. Sau đó Ngân hàng Đại Tín chuyển tiền sang và có kèm theo Nghị quyết của HĐQT của Ngân hàng Đại Tín. “Bị cáo chỉ nghĩ anh Danh là đại diện cho tập thể, bị cáo là đại diện cho 1 ngân hàng. Hai bên sử dụng tiền để kiếm thêm tiền lời đó là điều bình thường nên bị cáo đồng ý, hạn mức của bị cáo chỉ được cấp 1.800 tỷ đồng trở xuống”.   

Bị cáo Trầm Bê cũng cho biết không phục với kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước vì còn luẩn quẩn, không rõ ràng. “Nếu là ngân hàng Sacombank không thì tôi nhận yếu kém nhưng cái này dính tới nhiều ngân hàng thì không hẳn nhận thức sai, đề nghị xem lại. Bị cáo không hề cố ý làm trái vì đây là kinh doanh bình thường, nếu cố ý làm trái thì phải có tư lợi, đằng này bị cáo không có”.

Theo hồ sơ, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó, bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.129 tỷ đồng. Các công ty làm hồ sơ vay khống không thực hiện kinh doanh theo phương án cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Còn VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được số tiền bảo lãnh từ các công ty. Từ đó dẫn đến thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem