Bị cô lập, Qatar ngả về phía Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE nổi giận

Phương Đăng Thứ sáu, ngày 09/06/2017 12:41 PM (GMT+7)
Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc ả Rập thống nhất (UAE) Anwar Gargash mới đây mạnh mẽ lên án quyết định của Qatar khi nước này xin sự giúp đỡ và bảo vệ từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị một số quốc gia vùng Vịnh cô lập.
Bình luận 0

img

Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed Al Thani

Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed Al Thani hôm qua (8.6) tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai quân đội tới nước này vì lo ngại an ninh khu vực trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra giữa Doha và một số quốc gia Ả Rập.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng, chúng tôi có sự độc lập trong chính sách đối ngoại", Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Al Thani nói. Ngoại trưởng Qatar cũng cho biết đất nước ông sẽ không đầu hàng trước áp lực từ các nước Arab láng giềng và không thay đổi chính sách đối ngoại để giải quyết tranh chấp. 

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7.6 đã thông qua dự luật cho phép quân đội nước này đưa lực lượng tới căn cứ quân sự tại Qatar, được thành lập năm 2014 theo một thỏa thuận giữa hai nước. Năm ngoái, mới có 150 lính đồn trú tại địa điểm này. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar Ahmet Demirok cho biết Ankara dự kiến triển khai ít nhất 3.000 binh sĩ tới đây.

Đáp lại động thái của Qatar là sự giận dữ từ phía UAE.

"Nhu cầu được bảo vệ chính trị từ 2 quốc gia không thuộc thế giới Ả Rập cũng như nhu cầu được bảo vệ quân sự từ một trong 2 nước này giống như là một trò khôi hài và bị kịch mới", Ngoại trưởng UAE Gargash đăng trên Twitter. 

img

Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc ả Rập thống nhất (UAE) Anwar Gargash

Ông Gargash nhấn mạnh thêm rằng, các hành xử của Qatar là "kỳ lạ" khi Doha yêu cầu sự tôn trọng chủ quyền của nước này nhưng lại tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài".

Ngoại trưởng UAE cũng giải thích việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, cô lập Qatar nhằm mục đích buộc nước này thay đổi chính sách đối ngoại. Các quốc gia vùng Vịnh tố Doha hỗ trợ các nhóm cực đoan, đặc biệt là tổ chức Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda. Doha đã bác bỏ các cáo buộc trên.

Đầu tuần này, Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha tài trợ cho các tổ chức khủng bố, gây bất ổn cho Trung Đông. Sau đó, Libya, Yemen, Maldives, Mauritius, Mauritania cùng với Jordan và Djibouti cũng tuyên bố sẽ giảm các quan hệ ngoại giao với Doha. Senegal và Chad đã triệu hồi đại sứ tại Doha về nước.

Ngoại trưởng Qatar khẳng định cuộc khủng hoảng ngoại giao này sẽ không bùng nổ thành xung đột quân sự. Tuy nhiên, ông vẫn đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn, cho rằng "không ai có thể bẻ gãy ý chí của Qatar".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem