Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Đỗ Văn Phẩm (66 tuổi, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định), đang sở hữu vườn mai bonsai với hàng trăm thế đẹp.
"Bắt đầu trồng mai, nhiều người cũng nói ông bị "khùng" vì nghèo mà chơi mai. Nhưng ý nghĩ mình đã có, nên dù ai nói ngược xuôi gì thì mình cũng làm. Sau những năm tháng trồng bán mai chợ, tôi quyết định chuyển sang trồng mai bonsai. Vì loại này vừa là đam mê cây cảnh của mình, vừa có giá trị kinh tế cao hơn", ông Phẩm bắt đầu kể về cuộc đời đầy gian truân của mình và cho biết: "Có được cơ ngơi như hôm nay, tất cả đều từ mai mà có được. Có lẽ đây cũng là duyên với mai, chứ trước đây tôi không dám nghĩ là sẽ có được như ngày hôm nay".
Trải qua nhiều sóng gió, bén duyên với mai sau thời gian làm thuê, nghệ nhân Đỗ Văn Phẩm đang sở hữu vườn mai bonsai tiền tỷ.
Ở trong ngôi nhà mới hoành tráng, ông Đỗ Văn Phẩm tiết lộ: "Cơ ngơi này, con cái ăn học và có công việc đàng hoàng cũng nhờ vườn mai này cả. Ngày xưa nghèo nhất làng, kiếm cái ăn cũng khó. Giờ thì cũng đỡ hơn nhiều rồi. Vườn mai có nhiều cây được trả hàng chục triệu đồng nhưng mình không bán, nó là kỷ niệm".
Ngày xưa ông Phẩm làm đủ nghề để kiếm đồng tiền sinh hoạt, nuôi con ăn học. Gia đình lúc đó rất khó khăn.
Thời điểm đó, ông làm trồng dưa hấu rồi làm nhiều việc khác, nhưng đều 'bể'. Rời đất Tây Nguyên với một khoản nợ, ông về An Nhơn tiếp tục làm thuê cho một số hộ trồng mai để kiếm tiền chăm lo gia đình.
Lúc khó khăn, ông gặp Sáu Sự - một tay trồng mai có tiếng ở Háo Đức (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) thời đó. Thời gian làm thuê cho Sáu Sự, ông Phẩm thấy việc bán mai cũng thu nhập rất khá. Từ đó, ông cũng muốn thử sức mình với mai. Cũng trong thời gian này, ông tìm tòi việc trồng cây cảnh, trong đó có mai.
"Lúc đó, thấy họ bán vài cây mai là có cả chỉ vàng, ham lắm. Thời gian đó, tôi cũng bắt đầu trồng mai. Số cây giống cũng từ chỗ Sáu Sự. Nhưng rồi trồng ra, cũng chưa biết phải bán cho ai. Có thời gian tôi còn đi bán dạo. Lúc này, nhiều người cũng trồng mai thế giáng long để bán, nên thấy không ăn thua mấy", ông Phẩm cho hay.
Mai giáng long thời đó là mai thị trường, mai chợ. Nghĩa là người trồng mai uốn đơn giản từ gốc lên đến ngọn. Một thời gian, nhiều người trồng và bán nên rất khó bán. Nhiều đêm trằn trọc, rồi ông lang thang một số vườn mai để tìm hiểu cách tạo dáng mai mới, với hi vọng sẽ bán giá cao hơn, và nhiều khách hàng hơn.
Suy nghĩ là thế, dự định là thế, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, ông đã không ít lần thất bại.
"Mai thị trường thì trồng rất dễ, nhưng để tạo dáng một cây bonsai có thần hình ưng ý thì phải trải qua cả một quá trình. Đầu tiên, phải chọn được những gốc mai phù hợp mắt nhìn, sau đó chăm sóc và kiên trì tạo dáng sau gần cả chục năm mới được một chậu mai đẹp", ông Phẩm tiết lộ.
Ông Đỗ Văn Phẩm nghệ nhân trồng mai ở xã Nhơn Hậu là Hội viên Hội sinh vật cảnh Việt Nam. Ngoài mai bonsai, ông Phẩm còn tạo thế bonsai đẹp với nhiều loại cây cảnh khác trong đó có khế, lộc vừng, chanh kiểng…
Sau hơn 30 năm trồng mai bonsai, ông Phẩm đang sở hữu vườn mai bonsai khủng với hàng trăm thế đẹp.
Chỉ tay vào một chậu mai quý trong vườn, ông Phẩm nói rằng đây là chậu mai có dáng thế kỳ lân với tuổi đời 38 năm. Ông xem đây là một trong số ít những cây mai tổ trong vườn.
"Có nhiều người từng trả gần 80 chục triệu đồng nhưng tôi chưa bán. Bởi nếu bán đi rồi, mình thấy thiếu thiếu, không chịu được. Nó đã đi với mình từ những ngày đầu, giờ chỉ cần mỗi sáng ra nhìn là ưng con mắt", ông Phẩm nói.
Ngoài ra, hàng chục gốc mai có tuổi đời hơn 30 năm với nhiều dáng thế độc đáo như bạch tuộc, ốc sên, kỳ lân dần hiện ra sau lớp tán mai. Theo ông, để tạo nên hình hài một chậu mai như thế, ông phải tìm tòi rất nhiều, và phải kiên trì dụng công từng chút một.
"Giờ nhu cầu của khách hàng rất cao, họ không chỉ chơi mai, mà còn phải là mai độc và lạ. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn, chỉ cần họ thấy một chậu mai ưng ý. Thế nên mình càng phải đầu tư nhiều về thế, dáng để đáp ứng nhu cầu của khách. Mà muốn được như thế, người trồng mai phải có con mắt tinh tường, phải tạo được những dáng mai độc", ông Phẩm chia sẻ.
Trong năm ngoái, gia đình ông thu nhập 500 triệu đồng từ việc trồng mai bonsai. Những năm trước, mỗi năm thu nhập từ mai của gia đình ông cũng vài trăm triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.