Bị kết luận vi phạm luật cạnh tranh, Grab phản hồi Bộ Công Thương?

P.V Thứ năm, ngày 13/12/2018 10:09 AM (GMT+7)
Ngay sau khi Công Thương phát đi thông báo về kết luận điều tra vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh, đại diện phía Grab đã có phản hồi về kết luận của Bộ Công thương.
Bình luận 0

Theo đó, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam khẳng định công ty đã tiến hành giao dịch với sự tin tưởng rằng việc thực hiện giao dịch này là không vi phạm pháp luật về cạnh tranh sau khi tham vấn cẩn thận với các chuyên gia pháp lý.

Ông Jerry Lim nhận định điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và của Grab về thị trường liên quan cũng như những đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh.

img

Bộ Công thương cho rằng thương vụ sáp nhập Uber - Grab có dấu hiệu vi phạm cạnh tranh

Bên cạnh đó, theo đại diện Grab cũng cho rằng khách hàng luôn có quyền xem xét quyết định, lựa chọn sử dụng các hình thức vận chuyển khác ngoài Grab hay Uber để di chuyển, bao gồm gọi xe taxi, vẫy xe taxi trên đường, hay sử dụng các ứng dụng gọi xe khác.

“Dựa trên kết quả thăm dò thị trường, hơn 59% người dùng phần mềm gọi xe ô tô và 62% người dùng phần mềm gọi xe ôm sẽ chuyển sang dịch vụ vận tải khác nếu giá cước tăng 10%. Quyền lựa chọn thuộc về khách hàng, đặc biệt là khi họ có thể biết giá của cuốc xe trước khi đồng ý lựa chọn cuốc xe được kết nối qua phần mềm của Grab. Các tài xế cũng có quyền chuyển sang tham gia các công ty khác nếu các điều kiện phổ biến như giá cả và thu nhập không còn phù hợp với họ”, thông cáo của Grab nêu.

Giám đốc Grab Việt Nam cũng nhấn mạnh theo Quyết định 24 của Bộ GTVT về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, 9 công ty khác, bao gồm cả một số công ty taxi đang hoạt động, cũng đã được cấp phép triển khai ứng dụng gọi xe công nghệ tại 5 tỉnh, thành trên cả nước. Các đơn vị thuộc phạm vi Đề án thí điểm có cơ hội bình đẳng để cạnh tranh và đổi mới để tăng tối đa hiệu quả của giao thông công cộng, phục vụ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng.

"Chúng tôi hiểu rằng tất cả các chính phủ đều tìm cách bảo vệ lợi ích tốt nhất của người tiêu dùng. Grab thực sự chia sẻ các mục tiêu đó. Grab đã hợp tác đầy đủ với Cục Cạnh tranh trong quá trình điều tra để có được một báo cáo khách quan, tuân thủ luật pháp. Chúng tôi cũng mong đợi Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng theo hướng tích cực, phù hợp với tính năng động của thị trường, thúc đẩy môi trường cạnh tranh, vốn đang ngày càng phát triển nhờ vào ứng dụng khoa học công nghệ và sáng tạo” - Giám đốc Grab Việt Nam bày tỏ quan điểm

img

Grab cho rằng mấu chốt nằm ở "sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh"

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, ngày 12.12, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 18.11.2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam (vụ việc cạnh tranh).

Ngày 30.11.2018, Cục trưởng Cục CT&BVNTD đã ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh.

Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục CT&BVNTD đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm: (i) Hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh; (ii) Hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.

Hiện nay, Cục CT&BVNTD đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 5, Mục 6, Chương V Luật Cạnh tranh. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm:(i) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); (ii) Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh; (iii) Mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem