Giá vật tư nông nghiệp tăng, thời tiết thay đổi thất thường làm sâu bệnh xuất hiện nhiều, chi phí thu hoạch cũng đội lên, giá cả bấp bênh… khiến những người trồng lúa ở ĐBSCL mướt mồ hôi cả ngày ngoài ruộng, tháng này qua tháng khác nhưng không đủ sống.
Không lỗ là... may
Người dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây
Ở một số vùng, thay cho khuyến cáo của nhà khoa học là gieo sạ trung bình từ 80 - 100kg/ha, nông dân lại gieo sạ gấp đôi so với tỷ lệ trên. Khi mật độ gieo sạ quá dày sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, cụ thể là làm tăng chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận.
|
Sau việc Bộ Tài chính công bố chi phí sản xuất lúa hè thu năm 2018 ở ĐBSCL khoảng 4.059 đồng/kg, tăng 156 đồng/kg so với giá thành sản xuất cùng kỳ năm 2017, phóng viên Báo NTNN đã đi tìm hiểu thực tế.
Tại tỉnh Trà Vinh, chúng tôi đến thăm các vùng trồng lúa ở huyện Càng Long, Châu Thành và Cầu Kè. Tuy vụ này giá thu mua lúa khá cao, từ 5.300-5.400 đồng/kg nhưng người dân ở đây vẫn kém vui. Bà con cho biết, nguyên nhân là do chi phí sản xuất cao hơn mọi năm, trong khi đó năng suất lúa lại giảm từ 300-400kg/ha so với cùng kỳ nên tính ra lợi nhuận thu được chẳng bao.
Nhiều nông dân cho biết, do đặc điểm vụ hè thu thời tiết không thuận lợi nên phải bón phân, thuốc nhiều ở giai đoạn sạ lúa đến làm đòng. Từ khi làm đòng đến khi thu hoạch, phần lớn trà lúa bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa dầm, kéo dài, gió mạnh dễ đổ ngã và bệnh đạo ôn tấn công liên miên.
Ông Nguyễn Văn Hoà ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết, làm vụ lúa hè thu này tốn rất nhiều chi phí. “Tôi không thống kê đầy đủ nhưng kể ra thôi cũng đủ thấy nhiều rồi. Chẳng hạn như trước khi gieo sạ phải bơm nước nhiều lần, phải thuê máy làm đất, phun thuốc trừ cỏ, thuốc trị ốc bươu vàng, phun thuốc trừ rầy nâu, sâu cuốn lá... Những khoản này phải phun xịt nhiều lần mới hết và phải kết hợp nhiều loại thuốc. Khi lúa lớn còn phải thuê thêm người chăm sóc, bón phân, phun thuốc trị đủ thứ loại đạo ôn, lem lép hạt, rồi thuê máy gặt, vận chuyển”.
Còn ông Trần Văn Đảo ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè thì cho hay: “Ở vụ hè thu, thời điểm nào cũng bơm nước cho cây lúa sống mà tiền dầu lại tăng lên, hiện tiền 1 lít dầu hơn 19.000 đồng. Còn thuốc trừ sâu tuỳ theo loại cũng tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/chai. Gia đình tôi có 5.000m2 trồng lúa, nếu may mắn được mùa thì sau khi trừ tất cả chi phí, tiền lời thu được tối đa 700.000 đồng/1.000m2. Tức là mất gần 4 tháng trời nhưng cả gia đình 4 người chỉ thu lời được 3,5 triệu đồng”.
Nếu tính chi li, thì mỗi tháng gia đình 4 người thu lãi 875.000 đồng, còn nếu chia theo đầu người, thì mỗi tháng 1 người lãi 218.750 đồng. Đó là những vụ thời tiết thuận lợi, lúa được mùa được giá, còn nếu gặp năm thời tiết xấu, người trồng lúa không lỗ là may mắn lắm.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Trà Vinh, đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch gần xong 40.204ha lúa hè thu được gieo sạ. Tuy năng suất lúa tương đối ổn định, nhưng cũng có tới 1.562ha bị nhiễm sâu bệnh, trong đó diện tích nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông tăng 18ha, bệnh lem lép hạt tăng 192ha so với cùng kỳ.
Nghịch lý năng suất cao – lợi nhuận giảm
Tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nông dân Nguyễn Quốc Việt (xã Mỹ Thuận) cho biết nghề trồng lúa ngày càng gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ngay cả những người có kinh nghiệm hàng chục năm trồng lúa cũng vẫn phải bó tay trước những thay đổi của thời tiết, hay diễn biến thị trường…
“Vụ hè thu năm nay chi phí tăng cao hơn so với năm trước rất nhiều. Thay vì chỉ mất khoảng 1,3 triệu đồng thì nay chi phí tăng lên khoảng 1,6 triệu đồng/1.000m2. Chính vì vậy, tuy năng suất lúa của tôi vẫn giữ khoảng 7 tấn/ha nhưng lợi nhuận giảm. Ngoài giá vật tư đầu vào ngày càng tăng, thời gian gần đây, giá thuê lao động chăm sóc, thu hoạch cũng tăng cao khiến nông dân sản xuất lúa đụng đâu cũng thấy khó” – ông Việt nói.
Nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp cũng cho hay, lợi nhuận vụ hè thu này thấp hơn nhiều so với vụ đông xuân. Nguyên nhân phần lớn là do lúa bị đổ ngã (toàn tỉnh này có gần 1.798ha lúa hè thu giai đoạn trổ đến thu hoạch bị đổ ngã), thiệt hại về năng suất 5-25%. Ngoài ra còn làm tăng chi phí thu hoạch từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ha. Hiện giá lúa bán ra đã giảm so với tháng trước từ 200-300 đồng/kg trên tất cả các nhóm giống.
Về nguyên nhân lợi nhuận của nghề trồng lúa thấp, ông Châu Minh Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho rằng: “Phải thừa nhận rằng giá thành sản xuất lúa của nông dân còn quá cao. Điều này có nhiều lý do, trong đó có việc nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dư thừa. Tâm lý của nông dân là rất lo cây lúa phát triển không tốt nên họ cho rằng thà bón phân, xịt thuốc dư còn hơn thiếu. Hậu quả là làm tăng chi phí, còn cây lúa thì giảm năng suất do sử dụng phân thuốc không đúng cách”.
Sở NNPTNT các địa phương vùng ĐBSCL nhận định, diện tích sản xuất lúa ĐBSCL nhiều nhưng với tập quán canh tác truyền thống như: sử dụng giống gieo sạ ở mật độ cao, lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… nên đã làm tăng cao giá thành sản xuất lúa.
Lạm dụng phân bón, thu hút nhiều sâu bệnh
GS-TS Võ Tòng Xuân – chuyên gia về cây lúa ở ĐBSCL nhận định, một trong những nguyên nhân khiến chi phí sản xuất lúa cao là do sử dụng phân bón không đúng cách dẫn đến thu hút nhiều sâu bệnh và đất bị thoái hóa. Theo đó, cứ mỗi vụ, người dân phải tăng dần lượng phân sử dụng.
Cùng với việc tăng giá thành sản xuất là cảnh “được mùa mất giá” cứ xảy ra liên tục từ vụ này đến vụ khác dẫn đến đại đa số người dân không có tiền tích luỹ. “Đó là lý do tại sao, sau khi thu hoạch lúa xong, người dân phải bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái, chưa kịp phơi khô để lấy tiền trả cho các đại lý thuốc bảo vệ thực vật hoặc ngân hàng” – GS Xuân nói.
Trồng tới 1ha lúa vẫn không thể dư dả
Ông Trần Văn Ngỗ - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) nói: “Những năm gần đây biển đổi khí hậu dẫn đến thời tiết rất thất thường, mưa thường kèm dông lốc mạnh, khiến cây lúa dễ ngã đổ, chậm phát triển. Trong khi hệ thống đê bao phục vụ cho sản xuất của HTX vẫn chưa hoàn thiện. Vì vậy, thu nhập người dân rất ít, nếu 1 hộ có 1ha đất trồng lúa mà có tới 3 nhân khẩu thì không thể nào có dư được.
Trong điều kiện canh tác hiện nay, nông dân không thể sản xuất đơn lẻ được mà phải liên kết. Từ đó, từ vấn đề đầu vào đến tiêu thụ sản sẽ giảm rất nhiều chi phí và tránh rủi ro”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.