Cuộc hôn nhân đẫm nước mắt
Dẫu đã hơn bốn năm trôi qua, nhưng bà Huỳnh Thị Q. (74 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) mãi vẫn không thể quên được giây phút mà tai họa ập xuống gia đình bà. Lau vội giọt nước mắt, bà Q. kể lại cho chúng tôi nghe về những nỗi xót xa mà bấy lâu nay gia đình mình phải chịu đựng. Đó là một buổi chiều ngày 5/9/2011, bà Q. chết lặng khi phải chứng kiến sự ra đi của chị Huỳnh Thị T. (SN 1972), cô con gái mà bà Q. hết mực yêu thương. Theo đó, người gây ra cái chết thương tâm của chị T., chính là Võ Văn Liễu (SN 1965), chồng cũ của chị.
Hiện trường nơi xảy ra vụ án mạng
Thuở ấy, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị T. quyết định khăn gói lên mảnh đất Sài Gòn để mưu sinh. Vốn dĩ là một cô gái xinh đẹp với nét rạng ngời ở tuổi đôi mươi, nên chị T. khiến cho bao gã trai si tình phải ngày đêm nhung nhớ đến chị. Gạt bỏ ngoài tai những lời nói ngọt ngào ấy, chị T. cố gắng làm lụng để kiếm tiền gởi về quê cho mẹ già. Và rồi, trong một lần họp mặt với những đồng hương, chị T. vô tình gặp được một chàng thanh niên tên H.. Sau đó, cả hai đã yêu thương nhau và H. hứa hẹn sẽ cùng chị tổ chức một lễ cưới thật đẹp trước sự chứng kiến của hai bên gia đình.
Thế nhưng, khi H. biết mình đã làm chị T. bụng mang dạ chửa, thì gã lại quyết định “quất ngựa truy phong”. Trong lòng đau đớn và đầy tủi nhục, nhưng chị T. vẫn quyết định một mình nuôi dạy con nên người. Thế là chị T. quay trở về lại chốn quê nhà với ý định sẽ làm lại cuộc đời. Cũng sau lần tình duyên đổ vỡ ấy, chị T. dần đánh mất đi niềm tin của mình vào những cuộc tình thơ mộng. Nhưng rồi một thời gian sau, chị T. lại gặp gỡ và quen biết một thanh niên ở xóm dưới là Liễu. Với nét đẹp của người phụ nữ một con, chị T. khiến cho Liễu say lòng và buông lời tán tỉnh.
Dù đã một lần “lỡ bến đò”, nhưng khi gặp Liễu, chị T. lại một lần nữa rơi vào lưới tình. Sau một vài tháng hẹn hò, hai người quyết định tiến đến hôn nhân vào một ngày cuối năm 1993. Những tưởng cuộc hôn nhân thứ hai sẽ đem lại cho chị T. một cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày kết nghĩa phu thê với chị, thì bản tính “vũ phu” trong Liễu lại bắt đầu bộc lộ. Tiếp đó, dù liên tiếp có chung với nhau đến ba mặt con, nhưng không ngày nào là Liễu không thôi đánh đập, hành hạ chị. Không những thế, sau mỗi lần rượu chè là Liễu lại lấy hết tiền bạc, của cải trong nhà mang đi nướng vào cờ bạc.
Cứ thế, trong suốt hơn 15 năm nên nghĩa vợ chồng với Liễu, chị T. phải nhẫn nhịn chịu đựng từng nỗi đau xác thịt, mà không dám chống cự hay than trách. Bởi vì chị nghĩ, nếu làm to chuyện lên thì không những xấu hổ với bà con hàng xóm, mà còn làm cho mấy đứa con nhỏ của chị phải chịu khổ. Nhưng rồi tấm thân gầy guộc ấy của chị không thể tiếp tục chịu đựng được những lần đánh đập ấy của Liễu. Biết không thể im lặng, chị T. nhiều lần lên tiếng phản kháng lại. Cũng từ đó, những trận cãi nhau tưởng chừng như không bao giờ dứt giữa hai vợ chồng Liễu cứ thế ngày một nhiều.
Nỗi đau con trẻ phải gánh chịu
Nuốt nước mắt vào trong, chị T. quyết định gởi đơn lên Tòa án để chấm dứt cuộc hôn nhân đầy tủi nhục này. Đến cuối tháng 6/2011, Tòa án giải quyết cho hai người ly hôn và giao ba đứa con chung cho chị T. nuôi dưỡng. Dù phải sống cảnh “mẹ góa con côi”, thế nhưng chị T. lại thật sự cảm thấy hạnh phúc vì được sống những ngày tháng yên bình bên con trẻ. Nhưng những nỗi bi kịch mà chị T. phải chịu đựng thì lại không chịu dừng chân ở đó. Mặc dù đã đường ai nấy đi, nhưng Liễu vẫn không bỏ được những tật xấu của mình. Cứ mỗi lần về nhà thăm con, là mỗi lần Liễu lại kiếm cớ gây sự, vơ hết mọi của cải trong nhà đem đi cờ bạc, rượu chè.
Nói đến đây, bà Q. nghẹn ngào thở một hơi thật dài rồi kể tiếp cho chúng tôi nghe về câu chuyện xảy ra với chị T.. Theo đó, vào một buổi chiều 5/9/2011, Liễu về thăm con với một khuôn mặt đầy vẻ hung tợn và trên người lại nồng nặc mùi bia rượu. Sợ chồng cũ gây sự rồi kiếm cớ đánh đập, nên chị T. chạy sang nhà anh N. để “lánh nạn”. Với ý định chờ đến khi Liễu đi, thì chị T. mới dám quay trở về. Thế nhưng, Liễu lại ở lì mà không chịu rời đi. Đến khoảng hơn 5h ngày hôm sau, thì chị Huỳnh Thị Đ. (chị gái của chị T.) đến nhà tìm chị T. để hỏi mượn xe đi công chuyện.
Nhưng lúc này, Liễu lại kiếm cớ gây sự và cản trở không cho chị Đ. mượn xe. Quá tức giận trước thái độ lỗ mãn của Liễu, chị Đ. liền gọi điện thoại cho em gái mình về nhà để giải quyết. Lúc này, vì sợ có chuyện không hay, nên chị T. nhờ anh N. đưa mình về nhà. Sau một hồi nói chuyện, giữa chị T. và Liễu đã xảy ra cãi vả và mâu thuẫn giữa hai người lại càng trở nên gây gắt. Trong lúc quá nóng giận, chị T. buông lời xua đuổi, không cho Liễu tiếp tục đến nhà mình nữa. Lúc này, Liễu vung tay đánh chị T. và chị định cầm ghế đánh trả lại. Thế nhưng lúc này, anh N. và bà Q. đã kịp thời ngăn cản chị T. lại.
Tự ái nổi lên, Liễu vào nhà bếp lấy một con dao chạy lên “nói chuyện” với vợ cũ. Bao tức giận bấy lâu nay, Liễu dồn hết vào một nhát dao oan nghiệt, giáng xuống người chị T.. Thấy vậy, anh N. nhanh chóng xông vào vật Liễu và giật lấy con dao. Nhưng lúc này chị T. ngã xuống đất rồi bất tỉnh. Dù được mọi người đưa đi bệnh viện để cấp cứu, thế nhưng chị T. đã tử vong không lâu sau đó. Nhát dao từ bàn tay của Liễu, đã không những cướp đi mạng sống của chị T., mà còn vô tình đem lại cho các con của họ những vết thương lòng không thể nào che lấp được.
Bà Huỳnh Thị Q. (mẹ ruột nạn nhân) kể lại vụ án đau lòng
Từ ngày mẹ mất, cha đi tù, mấy đứa con của chị T. phải về sống với bà ngoại già yếu. Ở cái tuổi sắp “gần đất xa trời” ấy, đang nhẽ ra bà Q. phải được an dưỡng tuổi gia bên con cháu. Thế nhưng, ngày ngày bà Q. vẫn phải lặn lội khắp nơi để đi ăn xin kiếm tiền nuôi cháu. Thế nhưng, lỡ sau này khi bà Q. chẳng may mất đi, thì ai sẽ là người lo cho chúng từng miếng ăn, giấc ngủ. Liệu chúng có được học hành đến nơi đến chốn không, hay lại phải gãy gánh giữa chừng?
Hối hận muộn màng
Sau khi gây ra cái chết của T., ngày 1/4/2012, Võ Văn Liễu bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 17 năm tù về tội “Giết người”. Được biết, từ ngày chấp nhận hình phạt trong trại giam, cứ mỗi khi có người thân vào thăm là Liễu lại không ngừng hỏi han về các con của mình. Liễu thở dài biết chuyện mẹ vợ phải một mình thân già dầm mưa dãi nắng, chắc chiu từng đồng bạc cắt để phụ nuôi nuôi các cháu. Càng thương mẹ già, con dại bao nhiêu, Liễu lại càng ân hận, day dứt bản thân bấy nhiêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.