Vướng lưới tình khi đã tuổi 35, Thuyết đã thành thật với chồng những mong được giải thoát nhưng nhận lại chỉ là những trận đòn roi, là sự canh chừng và xét nét. Sự khắt khe của chồng càng đẩy cô đến với mối tình vụng trộm để rồi, vì khao khát được sống với tình yêu, hai kẻ lầm lỗi đã bàn kế giết người. Chồng chết, người tình cũng ra trường bắn, chỉ còn lại một mình Thuyết với nỗi đau giằng xé.
Ở phân trại 5 của Trại giam Tân Lập, các quản giáo đã nói trước với chúng tôi là phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Thuyết từ trước đến nay không chịu gặp bất cứ nhà báo nào cả. Thế nên khi được đưa lên hội trường, người đàn bà ấy đã ríu chân bên cửa.
Tuy nhiên, khi tôi chủ động hỏi trước, nhận ra người quen, Thuyết khẽ gật đầu. Chị ta bắt đầu vào câu chuyện với tôi như hai người phụ nữ. Đôi mắt của Thuyết lúc cười, lúc khóc, chứng tỏ người đàn bà này đã day dứt rất nhiều với tội lỗi mình đang mang.
Cùng tình nhân giết chồng
Ngày 6.10.2007, người ta phát hiện thấy xác Bùi Huy Hữu H, chồng của phạm nhân Thuyết, ngồi ở đằng sau vô lăng ô tô đâm vào ta luy ven đường. Tất cả tưởng như là một vụ tai nạn thông thường, nhưng Cơ quan CSĐT của tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện ra sự không bình thường từ vết bầm đỏ quanh cổ nạn nhân.
Không mấy khó khăn gì, họ đã tìm ra kẻ chủ mưu giết người chính là Nguyễn Thị Thanh Thuyết và Tạ Hoàng Hiệp.
Tại thời điểm ấy, 2 kẻ tội đồ này cũng khai nhận do quá khao khát được yêu và sống công khai với nhau nên Hiệp đã bàn với Thuyết giết ông H.
Đêm 4.10.2007, Hiệp báo tin đang ở thị xã Phú Thọ, Thuyết đã lừa cho chồng ngủ say, nửa đêm lẻn ra với tình nhân, rạng sáng hôm sau trở về nói là đi tập thể dục buổi sáng. Trưa hôm sau, họ lại lẻn đến với nhau. Trong lúc ôm ấp, Thuyết thông báo hôm sau ông H sẽ lên Hà Giang để mở tuyến vận tải Tuyên Quang – Hà Giang.
Ảnh minh họa.
Nghe Thuyết nói ông H sẽ lái ô tô con đi, trong đầu Hiệp bỗng nảy ra kế hoạch mới. Hiệp sẽ lái chiếc xe thuê về Hà Đông trả xe, sau đó đi mua một vỉ thuốc ngủ về nhà nghiền nát, cho vào một lọ nước rồi thuê taxi lên thị xã Phú Thọ. Lấy lý do đi đón ông thầy cúng, khi đến gần nhà Thuyết, Hiệp bảo lái xe cứ ngồi đợi để anh ta vào gọi rồi đi vòng vào gara để xe nhà Thuyết, giấu lọ nước thuốc ngủ vào chỗ kín. Sau khi gọi điện cho Thuyết, thông báo chỗ để, Hiệp quay ra nói với tài xế là thầy cúng đã đi xe khách về Hà Đông, giờ phải tìm chỗ nghỉ để mai về sớm. Tưởng thật, anh tài xế đã đưa Hiệp về khách sạn nghỉ.
Khoảng 1h sáng 6.10.2007, Thuyết gọi chồng dậy chuẩn bị đi Hà Giang. Chị ta giả vờ chu đáo, nấu mì cho hai vợ chồng ăn rồi pha cốc bột sắn, bỏ sẵn thuốc ngủ cho ông H uống. Nửa tiếng sau thấy chồng chưa có biểu hiện ngấm thuốc, Thuyết hoảng sợ chạy ra sân gọi điện cho Hiệp, bảo người tình thôi nhưng những lời “Em có muốn sống với anh không? Nếu muốn thì để anh làm” của Hiệp đã khích lệ Thuyết thêm can đảm.
Thuyết quay vào nhà, thấy chồng bảo không đi nữa, biết là ngấm thuốc liền nói: “Công việc trên Hà Giang là quan trọng, anh buồn ngủ thì để em lái xe”. Nói rồi Thuyết xốc nách đưa chồng ra xe. Để ông H ngồi ở ghế phụ, Thuyết báo tin cho Hiệp tới, hành động.
Thấy Thuyết đang đứng trước cửa, nhà vẫn sáng đèn, Hiệp gọi điện bảo nhân tình tắt đèn, rồi vào lái xe chở ông H đi theo quốc lộ 2 lên Tuyên Quang. Đi được gần cây số, Hiệp dùng dây thừng mang theo siết cổ nạn nhân cho đến chết rồi lái xe đi tiếp hơn 30km nữa, dàn dựng vụ tự gây tai nạn.
Vì ông H quá to béo Hiệp không kéo ra ghế lái được, đành phải để ở ghế phụ, sau đó cho xe chạy tốc độ nhanh, đâm vào vỉa ta luy bên đường, hắn bật về phía sau. Sau khi cởi áo lau vô – lăng và cơ thể nạn nhân, Hiệp thoát ra khỏi xe, đập các cửa kính cho rạn nứt để giống hiện trường một vụ đâm xe.
Giằng xé một nỗi đau
Nhắc về vụ án năm xưa, Thuyết không một lời gỡ tội cho mình. Vì chị ta nghĩ rằng “giết người là đền mạng”, cái án chung thân dành cho Thuyết đã là một sự khoan hồng của số phận. Thuyết chỉ tâm sự với tôi với tư cách một người đàn bà có nỗi đau số phận, sống trong bi kịch của tình yêu.
Ngày xưa khi mới chỉ 15 tuổi, Thuyết đã về làm lẽ của ông H, người hơn chị ta đến gần 20 tuổi và đang làm nghề lái xe.
20 năm trôi qua, 2 đứa con ra đời và bi kịch xảy đến khi Thuyết gặp Hiệp, một gã trai trẻ, kém Thuyết 3 tuổi, quê ở Hà Đông (Hà Nội). Trong những lần đi lễ, Thuyết muốn tìm sự bình yên nơi cửa đền chùa, còn Hiệp là một người hát chầu văn rất hay. Những lần đi lễ chung ấy, Hiệp luôn chăm sóc Thuyết rất chu đáo.
Ban đầu, Thuyết không để ý, nhưng lâu dần, sự quan tâm chăm sóc, tiếng hát da diết của người đàn ông trẻ ấy đã rung lên những nốt nhạc tình đầu tiên trong tâm hồn chị ta. Người đàn bà bước sang tuổi 35 chợt nhận ra rằng, mình chưa bao giờ yêu và được yêu đúng nghĩa.
Cuộc sống vợ chồng với ông H chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ mà thôi. Chính vì thế mà Thuyết đã yêu vội vã như bù lại quãng thời gian tuổi trẻ không có tình yêu.
Rồi Thuyết đã nói sự thật với chồng và đề nghị chia tay nhưng ông H không chấp nhận. Từ đó, ông H càng ráo riết với vợ hơn, kể cả dùng đòn roi để ngăn cản nhưng tình yêu của Thuyết và Hiệp càng mặn nồng hơn.
Vì nghĩ không thể sống thiếu nhau nên đôi tình nhân đã nghĩ ra âm mưu sát hại ông H. Khi mới bị bắt tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Thuyết bảo, chị ta thương nhất là Hiệp, vì đã vì chị mà gây ra tội ác. Thế nhưng, bây giờ trong Thuyết đang giằng xé giữa hai thứ tình cảm: Vừa yêu thương, vừa thất vọng.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, Hiệp bị tuyên án tử hình, còn Thuyết bị tuyên án chung thân. Thuyết nghĩ thương người tình nên trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, Thuyết đã nung nấu ý định sẽ xin được cùng chết với Hiệp như lời hẹn ước. Thế nhưng, tại phiên tòa này, Thuyết đã bất ngờ và đau đớn khi Hiệp đổ hết tội lỗi cho mình.
“Chị có hiểu nỗi thất vọng của tôi lúc đấy không? Tôi thấy ê chề quá và cõi lòng như chết giá. Người mình yêu và có thể hy sinh cả mạng sống cho người ta, người vì họ mà tôi đã đánh đổi cả gia đình và danh dự đến lúc đứng trước sự sống và cái chết quay ra đối đầu với chính tôi. Tôi đau quá, thế là đành nuốt những lời định nói cho trọn tình yêu vào cõi lòng”, Thuyết nhớ lại.
Thuyết bảo: “Điều tôi mất nhiều nhất chính là danh dự. Mẹ tôi khi đến thăm tôi đã khóc và bảo: Con ơi, sao con dạy được con cái, mà không dạy được chính mình? Con tôi, cả hai cháu đều rất ngoan và học giỏi, vậy mà tôi…”.
Mặc dù Thuyết chính là người đã cướp đi sinh mạng của cha chúng nhưng hai con Thuyết dường như cũng hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà Thuyết tìm lại được trong những ngày ở chốn nhà giam.
Mang cái án chung thân, lại bị người đời dành cho những lời lẽ cay nghiệt, Thuyết đúng là hồng nhan của sự đau đớn. Và thứ tình yêu mà chị ta tôn thờ để rồi đánh đổi cũng đã bị tổn thương khi mà tại phiên tòa phúc thẩm, Hiệp quay lại đổ tất cả tội lỗi cho người tình.
Cuộc đời Thuyết rơi vào hoàn cảnh này là do chị ta đã rơi vào bi kịch của tình yêu. Khi Thuyết biết yêu thì đã muộn và khi đã bất chấp tất cả vì tình yêu thì phải trả một cái giá không hề nhỏ.
Những ngày trong trại giam, Thuyết thấy cay đắng làm sao, có lẽ vì thế mà chị ta tránh mọi cuộc tiếp xúc. Tôi bảo Thuyết cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình, với các con, người đàn bà mạng trọng tội ấy cười nhẹ, nhưng méo xệch: “Biết đến bao giờ, lúc đấy chắc tôi già lắm rồi”.
Nhìn Thuyết tần ngần bước chân trở về phân trại, tôi thấy thương cho người đàn bà đẹp vì yêu mù quáng để rồi tỉnh ngộ thì quá muộn…
(Theo Nguyệt Hằng/ĐSPL)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.