Bi kịch những người vợ bị bán để làm “máy đẻ”

Thứ năm, ngày 01/12/2011 19:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một phụ nữ giấu tên đã kể cho phóng viên CNN rằng, chị cũng bị chồng bán trong vòng 30 ngày để trả nợ do mùa màng thất bát...
Bình luận 0

Những người đàn ông giàu có mua vợ của nông dân ở bang Uttar Pradesh và Madhya Pradesh, miền bắc Ấn Độ thường được gọi chung là “Paisawalla”. Và với rất nhiều phụ nữ nơi đây, nói đến Paisawalla là nói đến cuộc tái hôn cay đắng và những cuộc chạy trốn đẫm nước mắt.

Bán vợ để làm “máy đẻ”

Anh nông dân Hariprasad đã bán người vợ xinh đẹp cho một “Paisawalla” già khụ, song hiếm muộn con cái. Trong cái đêm đầu tiên phải rời nhà để trả nợ thay chồng, Kunti, 23 tuổi đã mường tượng ra rằng, cô phải bán thân trong một thời gian nào đó để trang trải hết số nợ của chồng, vì vậy, giấc mơ về một ngày đoàn tụ khiến Kunti chấp nhận bi kịch này.

img
Do mất mùa, nợ nần, nhiều phụ nữ ở miền Bắc Ấn Độ đã bị chồng gán nợ cho kẻ khác (ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, người đàn ông mua cô đã không chỉ dừng lại ở mức “mua thân”, hắn say mê nhan sắc của Kunti và nói với cô về một tương lai khác, về một cuộc sống vợ chồng hoàn toàn mới và điều quan trọng hơn nữa đó là những đứa con để thừa kế khối gia sản đáng kể này. Kunti bắt đầu hiểu ra rằng, người chồng đã bán cô cho “ông già địa chủ” để làm vợ suốt đời.

Kunti được “chồng mới” quản thúc trong một căn phòng nhỏ, nhưng có đủ tiện nghi và được chăm sóc dinh dưỡng cẩn thận. Gã Paisawalla mà cô không hề hay biết tên thật này, hàng ngày vẫn đều đặn ghé thăm cô, để thỏa mãn cả nhu cầu thể xác cũng như khát vọng giống nòi. Có những đêm, không thỏa mãn, Paisawalla túm tóc, đấm đá túi bụi vào người Kunti với những lời đe dọa.

Gã hứa với Kunti rằng, sẽ chăm sóc cô nếu cô có thể sinh cho gã “càng nhiều con càng tốt”. Tuy nhiên, niềm mong mỏi về một cuộc sống dù bần hàn nhưng được tự do đã khiến người phụ nữ trẻ liều mạng trốn chạy.

Trong một lần sơ hở của người giúp việc, Kunti đã bỏ trốn. Vượt một chặng đường dài đầy hiểm nguy trong đêm tối để về nhà, song đau đớn hơn là sự chối bỏ và hèn nhát của người chồng. Hariprasad sợ chủ nợ lại đến đòi vợ và sẽ phạt nặng bởi những cam kết trong hợp đồng đã được anh này đồng thuận. Người chồng tàn nhẫn Hariprasad đã đưa vợ mình ngược trở lại nhà Paisawalla ngay trong đêm tối.

Cùng cảnh ngộ với Kunti còn có rất nhiều phụ nữ bất hạnh khác. Một phụ nữ giấu tên đã kể cho phóng viên CNN rằng, chị cũng bị chồng bán trong vòng 30 ngày để trả nợ do mùa màng thất bát. Trong 30 ngày cơ cực đó, người phụ nữ này đã phải sống kiếp nô lệ, ngày làm việc như một tá điền, đêm đến lại còn phải phục vụ nhu cầu tình dục của ông chủ. Sau 30 ngày bán thân, chị trở về nhà và quyết định trình báo cảnh sát để tố cáo chủ nợ.

Không lối thoát

Vì không có nhiều bằng chứng và những vụ mua bán đều được “đi đêm” với nhau, nên mọi cuộc điều tra và giải cứu đều đi vào ngõ cụt. CNN cũng dẫn một trường hợp ở bang Uttar Pradesh cho biết, nông dân này đã bán cả vợ và con gái để trả nợ. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian như quy định trong hợp đồng, chỉ có cô con gái trở về nhà và người vợ thì không quay lại.

Theo lời cô con gái, người mua đã bán mẹ mình cho một người đàn ông khác sau khi hết hạn trả nợ. Giới chức địa phương đã vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, oái oăm thay, khi họ tìm gặp được người vợ, thì người này phủ nhận mọi việc và cho rằng, mình bỏ đi để sống cùng với người yêu.

Không có bằng chứng để truy tố người chồng, hay người mua, các điều tra viên đành gác lại vụ việc. Tuy nhiên, bi kịch của gia đình này vẫn tiếp diễn. Lại thêm một mùa thất bát, người chồng cùng quẫn vì không có cả vợ để bán, nên đã chọn chung số phận với khoảng 1.500 nông dân bất hạnh khác là… tự sát.

Chi phí nông nghiệp ở Ấn Độ gia tăng trong khi bảng giá bảo hộ sản phẩm của họ lại sụt giảm. Những nông dân nhỏ lẻ ngày càng khó khăn hơn để tồn tại. Cùng với đó, cải tổ ở ngân hàng đã buộc nông dân phụ thuộc nhiều hơn và các chủ cho vay tư nhân. Những người này chỉ cho họ có 11 tháng hoàn nợ với lãi suất lên tới hơn 100%/năm.

Ngân sách Chính phủ Ấn Độ có những khoản vay hỗ trợ đặc biệt cho nông dân, xóa nợ hay dãn nợ cho họ với các ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, yêu cầu là những nông dân sở hữu chưa đầy 5 mẫu ruộng và không được vay từ các chủ cho vay tư nhân.

Một chủ nợ trong vùng cho hay, số lượng nông dân không thể hoàn nợ lên tới 30% trong 10 năm qua. Các quan chức Chính phủ Ấn Độ dự trù tăng trưởng GDP sẽ đạt hoặc vượt mức 6% trong năm nay và sẽ đạt gần 8% trong năm tới, tốc độ tăng trưởng đã biến Ấn Độ thành một cường quốc kinh tế đang lên của thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nhưng niềm lạc quan đang bị kìm hãm bởi cuộc hạn hán trầm trọng nhất từ trước tới nay.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ T. Nanda Kumar cam kết: “Chúng tôi có thể chế ngự được hạn hán. Chúng tôi đã chế ngự được các đợt hạn hán trước đây. Nhưng có lẽ chúng tôi phải chuyển một số người ra khỏi nông nghiệp. Về lâu dài, tôi không nghĩ đóng góp 15% GDP nhưng sử dụng tới 50% nguồn nhân lực là một xu thế nông nghiệp bền vững”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem