Bí mật kho tàng Kim ngọc Bảo Tỉ - ấn chương đỉnh cao thời Nguyễn

Thứ tư, ngày 11/03/2015 11:14 AM (GMT+7)
Kim ngọc Bảo Tỷ của Hoàng đế là đỉnh cao của các loại hình ấn chương thời Nguyễn. Con người của Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức và các vua khác gần như hiện ra bên cạnh các chỉ dụ và Bảo Tỷ của họ.
Bình luận 0

Kim ngọc Bảo Tỷ của Hoàng đế là đỉnh cao của các loại hình ấn chương  thời Nguyễn. Con người của Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức và các vua khác gần như hiện ra bên cạnh các chỉ dụ và Bảo Tỷ của họ. Những sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam thời Nguyễn lưu lại trên văn bản  Hán Nôm gắn liền với các Bảo Tỷ: Quốc gia tín bảo thời Gia Long như một khẩu hiệu giương cao tư tưởng quốc gia dân tộc. 

Hoàng đế chi bảo của  Minh Mệnh đã in trên các sắc thư, văn kiện quan trọng gửi đi nước ngoài. Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ là sự kiện chế tác có một  không hai kéo dài nhiều tháng trời cuối đời Thiệu Trị. Đại Nam hoàng đế  chi tỷ đánh dấu quan điểm chính trị giữa hai nước Pháp - Việt thời Tự  Đức, còn Ngự tiền chi bảo và Văn lý mật sát được nhắc đến nhiều lần  trong chính sử… 

Số  phận những Kim Ngọc Bảo Tỷ

Trong suốt 143 năm tồn tại với 13 triều vua nhà Nguyễn  đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 Bảo Tỷ bằng vàng và bằng ngọc chưa kể  số ấn tín quý được tấn phong cho các bậc vương công. Việc hai Kim ấn được đúc từ thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu mà các vua chúa nhà Nguyễn  đã lưu dụng làm Bảo tỷ truyền quốc đã nâng giá trị của các Kim Ngọc Bảo Tỷ nhà  Nguyễn lên thành những bảo vật Quốc gia.

img
Hội đồng kiểm kê quốc gia rà soát lại các Bảo tỷ.

 

Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công toàn bộ những bảo vật này đã được nhà Nguyễn trao cho chính quyền cách mạng. Trong hối kí của mình Đổng lý văn phòng nội các Bảo Đại  Phạm Khắc Hòe ghi “Chiều 27 và sáng 28 tháng 8 năm 1945, tôi cho kiểm kê lại các thứ tài sản trong Đại Nội để giao cho Chính quyền Cách mạng. Nói đến của công trong Đại nội lúc bấy giờ thì quý giá nhất là các đồ vật bằng châu báu ngọc ngà có tính lịch sử của các Vua Nguyễn. 

Các thứ này được cất trong một cái hầm lớn mé sau điện Cần Chánh. Hàng năm vào ngày 20 tháng Chạp Âm lịch, triều đình tiến hành lễ Phất Thức. Phất thức là mở hầm lấy tất cả các thức ra để kiểm điểm và quét bụi bặm lau chùi thật sạch rồi lại cất vào hầm khoá lại. Làm những việc này các quan từ nhị phẩm trở lên mới được dự lễ Phất thức và phải tự mình làm lấy mọi việc, đưa ra cất vào dọn dẹp lau chùi.
img
Bảo tỷ truyền quốc:Đại Việt quốc Nguyễn Chúa Vĩnh trấn chi bảo.

 

Trong dịp lễ Phất thức tháng Chạp năm Giáp Thân (tháng Giêng năm 1945), tôi đã  theo dõi sát việc kiểm điểm và các bản kiểm kê đều được làm lại bằng chữ Quốc ngữ chứ không phải bằng chữ Hán như trước. 

Cho nên lần tổng kiểm kê cuối cùng này  được tiến hành khá dễ  dàng và tất cả các loại tài sản  đều được giao lại đầy đủ cho chính quyền nhân dân và  có giấy tờ minh bạch. Người thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời để kiểm nhận tài sản là ông Bộ trưởng Lê Văn Hiến”.

Chiều ngày 30.8.1945, trên nền Đài Lầu Ngũ Phụng Ngọ  Môn, trước mặt hơn 5 vạn dân thành Huế đang sục sôi khí thế cách mạng, vị Hoàng đế cuối cùng là Bảo Đại đã trao bộ ấn kiếm tượng trưng quyền lực vương triều cho đại diện chính quyền cách mạng mà đại diện là ông Trần Huy Liệu và nhà thơ Huy Cận. 
img
Hoàng Đế tôn thân chi bảo.

 

Kho tàng đặc biệt của nhà Nguyễn đã được bảo quản đặc biệt bí mất ở rất nhiều  địa điểm khác nhau. Trong đó có những ấn tín đã chu du lưu lạc sang tận trời Âu. Đa số trong đó  đã được đã lăn lộn theo bước chân hành quân của bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp. 

Trong điều kiện bảo quản hết sức sơ sài và chiến tranh vô cùng gian khổ, để bảo vệ những bảo vật Quốc gia này không ít xương máu của các chiến sĩ đã đổ xuống tại các kho dã chiến tại các chiến khu. Sau chiến thắng Điện Biên ngày 17.12.1959 bộ sưu tập đã được đưa về cất giữ đặc biệt trong một chiếc kho bí mật và được bảo quản nghiêm ngặt của Bảo tàng Lịch sử.
img
Hoằng Tông Tuyên Hoàng Đế chi bảo.

 

Năm 1961 nhân dịp Quốc khánh lần đầu tiên bộ sưu tập đã được trưng bày cho nhân dân và các nhà nghiên cứu thưởng lãm. Đây là cuộc trưng bày đầu tiên và duy nhất bộ sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ từ xưa cho đến nay. Đến là một cuộc trưng bày độc đáo mà nhiều người có dịp thưởng lãm ngày ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong kí ức. Nhưng đằng sau cuộc trưng bày có một không hai đó một sự kiện đặc biệt đã xảy ra. Không hiểu vì sao và bằng cách nào chiếc kim ấn Hoàng hậu chi bảo của Nam Phương Hoàng Hậu đã không cánh và bay. 

Đằng sau đó là một kì án đã xảy ra mà cuối cùng người ta mới vỡ lẽ ra người bị giam giữ trong xà lim và ngục thất suốt 2 năm trời vì bị cho là nghi can vụ trộm đặc biệt này chính là người vô tội. Sau này khi bắt được những kẻ chủ mưu vụ trộm người ta mới biết suýt chút nữa Kim ấn đã bị bán sắt vụn, sau đó do tình cờ chúng phát hiện chiếc ấn được đúc bằng vàng nguyên khối. Người vô tội sau đó đã được minh oan. Suốt 40 năm qua Bộ sưu tập báu vật Quốc gia ấy vẫn  được bảo quản kĩ càng và chưa một lần công chúng được trực tiếp thưởng lãm vẻ đẹp lộng lẫy uy quyền của những Kim Ngọc Bảo Tỷ độc đáo này. 

Lễ  “ Hầu Bảo”

Dưới chế độ quân chủ chuyên chế, nhà Nguyễn cũng như các triều đại phong kiến trước nó lấy ấn tín để biểu thị cho quyền lực tối cao. Điển hình nhất của ấn tín là Kim Ngọc Bảo tỉ. Kim Ngọc Bảo tỉ là những ấn của nhà vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại. Ấn được làm bằng ngọc gọi là “Ngọc tỉ”, được đúc bằng vàng gọi là “Kim Bảo tỉ”. Có thể nói Bảo tỉ là báu vật của quốc gia và tượng trưng cho đế quyền.
img
Vạn Thọ Vô cương.

Bảo tỉ nhà Nguyễn gồm hai loại chính bằng vàng và bằng ngọc. Ngoài ra những Bảo tỉ dùng ngoài ý nghĩa quốc gia trọng đại thường được làm bằng bạc dát vàng, bằng bạc, bằng ngà, đá quý, bằng đồng dát bạc và bằng gỗ quý. Bảo tỉ cũng như các trọng khí khác của các vua Nguyễn, thường lấy hình tứ linh (long, li, quy, phượng) làm biểu tượng. Ở Bảo tỉ chủ yếu được đúc theo hình rồng và lân. Hình rồng và hình lân trên mỗi Bảo tỉ cũng được cách điệu khác nhau. Sự đa dạng của nó càng làm phong phú thêm cho mĩ thuật điêu khắc chạm trổ ở thế kỉ XIX.

Kim ngọc bảo tỉ  đều được cất giữ ở Trung Hòa Điện trong Càn Thành. Mỗi khi Nội các dùng đến Bảo tỉ nào thì Bảo tỉ ấy do các cung giám phụng đưa ra. Việc sử dụng cũng phân chia rõ rệt. Những bảo tỉ thường như “Sắc mệnh chi bảo”, “Ngự tiền chi bảo” mỗi khi được dùng thì các quan Nội các phải họp nhất trí với bộ quan được trực, đặt một cái án giữa Tả vu của điện Cần Chánh để hầu bảo (tức đóng dấu). Những Bảo tỉ khác được coi là quan trọng hơn như “Hoàng đế chi bảo”, “Đại Nam Thiên tử chi tỉ” lại phải theo những nghi thức riêng. 
img
Hành tại chi tỷ.

 

Đầu tiên cơ quan hữu trách làm phiếu tấu trình Hoàng đế, xin phép định ngày hầu bảo. Đúng ngày đã định, quan thường trực đặt một cái án ở điện Cần Chánh. Nội thần kính cẩn bưng tráp đựng ấn ra. Cấm vệ quan cầm kiếm tuốt trần đứng dàn hầu hai bên. Quan nội các thị vệ, khoa đạo cùng trực thần mặc phẩm phục màu xanh, bước vào chiếu mở tráp lấy ấn đóng vào chỗ quy định. Xong việc lại đưa trả vào tráp. Quan Nội các niêm phong, rồi Nội thần nhận kính cẩn bưng cất vào chỗ cũ. ỗi lần dùng ấn về công việc gì, Hội đồng phải lập biên bản ghi vào sổ, hòm chìa khóa phải dâng vào Đại nội, trước khi ra về.

img
Nhân Tuyên Hoàng Thái hậu chi tỷ.

 

Với Kim Ngọc Bảo tỉ, còn một nghi lễ quan trọng nữa là Lễ Phất thức: Nghi Lễ này bắt đầu có từ năm 1837. Cứ vào hạ tuần tháng chạp hàng năm lễ Phất thức đặt cử hành long trọng tại điện Cần chánh. Trước ngày hành lễ, Nội các dâng trình nhà vua bản danh sách các Hoàng tử và văn võ đại thần trật nhất phẩm cùng các trưởng quan ở Nội các và Cơ mật viện, Nhà vua lựa chọn những người được dự lễ. Đến ngày hành lễ, Trực, quan đạt hương án giữ điện Cần Chánh.

Hai hàng vòng ngoài là cấm quan cầm gươm tuốt trần. Các hoàng tử và các quan đều mặc lễ phục đứng vòng trong. Khi Nội thần bưng Kim Ngọc Bảo tỉ ra thì kiểm thị, rồi dùng lụa đỏ để lau và dùng nước hương thang chùi các ấn. Xong xuôi các hòm ấn lại được niêm phong cẩn thận, Nội thần lại bưng Bảo tỉ cất vào chỗ cũ. Riêng hòm ấn truyền quốc Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo và Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ thì chỉ kiểm tra khoa và niêm phong mà thôi. Ngày làm lễ Phất thức trên cũng là ngày giờ đầu năm sau, Triều đình lựa ngày tốt làm lễ khai ấn rồi mới được sử dụng tiếp.

Những Bảo Tỷ tiêu biểu

Trong số những Bảo Tỷ nhà Nguyễn thì Bảo Tỷ Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo có một vị trí đặc biệt, còn được gọi là Bảo Tỷ truyền quốc Do Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc. Đây là Bảo Tỷ lâu đời nhất trong bộ sưu tập 85 Bảo Tỷ mà Bảo tang Lịch sử còn lưu giữ. Bảo Tỷ này được Quốc Chúa cho đúc vào tháng Chạp năm 1709. Ấn đúc bằng vàng, một cấp hình vuông, quai hình tượng kì lân vờn ngọc, đầu quay về bên phải, đầu lân ngẩng caochaan trước bên phải chống, chân trước bên trái đặt lên viên ngọc, hai chân sau trong tư thế chầu.

Dọc lưng Kì lân chạm khắc vân mây vờn. Đây là Bảo Tỷ đầu tiên chứng tỏ quyền lực Đế vương của nhà Nguyễn vì trước đó hầu hết các Chúa Nguyễn vẫn dùng ấn tín của nhà Lê trên các văn bản chính thức của mình. 

img
Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng Thái Hậu chi bảo.

 

Tại chùa Thiên Mụ cho đến nay vẫn lưu dấu ấn của Kim Bảo này. Chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương do Chúa Nguyễn Hoàng xây dựng năm 1601. Năm 1710 Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả chuông cao 2m60 nặng 3285 cân tại đây. Chúa đích thân viết bài văn bia. Điều đáng nói là Kim Bảo truyền quốc được khắc đè lên dòng chữ ghi ngày tháng lập bia. Các vua chúa Nguyễn sau này đều xem Kim Bảo này là Bảo Tỷ truyền quốc hết sức kính cẩn và được liết vào hang báu vật số một Quốc gia.

img
Hoàng hậu chi bảo của Nam Phương Hoàng Hậu.

 

Hoàng Đế tôn Thân chi bảo là Kim Bảo lớn nhất và cũng được xem là đạt được giá trị cao nhất về mặt tinh xảo tạo hình. Kim Ấn này được đúc hoàn toàn bằng vàng mười dưới thời vua Minh Mệnh, là ấn tín chỉ dùng trong những dịp long trọng nhất do chính tay vua đòng dấu “ Khâm thử”. Đây là ấn cao 11cm, nặng ngót chục cân. Sách xưa có chép “Năm Minh Mệnh thứ 8 xuống chỉ cho Bộ Lễ chọn ngày tốt, hội đồng với Phủ Nội vụ, Ty Vũ khố kính cẩn đúc một quả Hoàng Đế tôn thân chi bảo, vuông ba tấc hai phân, dày 3 phân 6 ly, núm chạm rồng ngồi xổm, làm bằng vàng mười… phàm có việc kính cẩn dâng húy hiệu thì đóng ấn này”.

Trong số 85 Bảo Tỷ còn lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử còn có rất nhiều Bảo Tỷ có  giá trị Lịch sử và Điêu khắc đặc biệt. Hầu hết những người quan tâm đến Kho báu này vẫn mong muốn có dịp triển lãm công khai, trưng bày bộ sưu tập đặc biệt có một không hai này để tất cả mọi người đều có quyền chiêm ngưỡng và tự hào về những giá trị vàng son không thể phai mờ trong quá khứ.
(Theo Tạp chí Ngày nay online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem