Bí mật về cách thức giao tiếp trong Điện Kremlin

Chủ nhật, ngày 29/07/2018 14:33 PM (GMT+7)
Điện Kremlin có các quy định “bất thành văn” về cách thức giao tiếp đối với các quan chức cấp cao. Điều quan trọng là phải để ý đến cách thức thể hiện cũng như thông điệp được ẩn sau những ngôn ngữ đa màu sắc nhằm vào trực tiếp từng người. Ngoài ra, đó còn phải là làm sao để đưa ra câu trả lời rõ ràng trước câu hỏi của Tổng thống.
Bình luận 0

Một trong những cụm từ mang tính “thương hiệu” của Tổng thống Vladimir Putin là “tôi nghe anh nói”. Nó có thể được sử dụng với bất cứ ai thân cận trong phủ Tổng thống. Những người ở Điện Kremlin đều hiểu rằng, “tôi nghe anh nói” có nghĩa là ý kiến đã được ghi nhớ và nếu may mắn thì yêu cầu đó sẽ được chấp nhận, hoặc là đề xuất đó được thông qua.

img

Có nhiều quy định "bất thành văn" mà quan chức Nga phải thấu hiểu khi giao tiếp với Tổng thống Putin. Ảnh: RIA Novosti

Những thuật ngữ tên riêng cũng là một điểm đáng chú ý. Tại một cuộc gặp, Tổng thống Nga bỗng quên tên thật của nhạc sĩ nổi tiếng Yuri Shvechuk, dù ông gọi tên đúng mọi người tham dự. Sự cố này sau đó được người đứng đầu Viện phân tích Kinh tế Andrey Illarionov cắt nghĩa. Là cựu quan chức trong Điện Kremlin, Illarionov am hiểu sâu sắc cách gọi tên một người. Phủ Tổng thống là một trong rất ít những cơ quan ở Nga mà tên người có thể được gọi theo nhiều cách: Đầy đủ họ tên, tên theo tên của ông cha trong gia đình, hoặc thậm chí là chỉ là tên riêng.

Khi đề cập đến những lãnh đạo cấp cao hàng đầu tại những địa điểm không có mặt họ, quan chức Điện Kremlin sử dụng tên viết tắt theo chữ cái đầu tiên. Ví dụ: V. V có nghĩa là Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin, hay D.A tức là Thủ tướng Dmitry Anatolyevich Medvedev. Một cách gần như mặc định, mọi người trong phủ Tổng thống đều hiểu rằng nếu ai đó được đọc tên, thì có nghĩa là họ được công nhận dưới tư cách cá nhân, chứ không phải chỉ là hiện diện ở đám đông. Đó là lý do giải thích tại sao quan chức điện Kremlin (không chỉ riêng Tổng thống) đều không muốn nhắc đến tên cụ thể những người không được công nhận, ví dụ như chính trị gia đối lập Alexei Navalny.

Một nét đặc trưng khác là nói đúng người cần nghe, bảo đảm tính bí mật. Một quan chức cấp cao tiết lộ: “Khi tôi lần đầu tiên đến Kremlin, một nhân viên tình báo rỉ tai tôi: Nói theo cách thức để người nghe duy nhất hiểu được, còn những người khác thì không thể đoán được anh định truyền đạt gì”. Cái khó nằm ở chỗ, trong hình thức “đối thoại bí mật” này, người nói không được ra dấu ám chỉ, từ ánh mắt cho tới giọng điệu dù nội dung có rất quan trọng.

Riêng trong các cuộc gặp với ông chủ Điện Kremlin, nếu chỉ ngồi yên lặng, cố gắng tìm ra khoảng lặng thích hợp để phát đi những nội dung cần biểu đạt đồng nghĩa với việc có đến 90% khả năng người này sẽ không đạt được bất kì điều gì. Yên lặng, ngập ngừng trả lời các câu hỏi từ Tổng thống thậm chí còn có thể đưa đến những kết cục xấu hơn đối với sự nghiệp của một quan chức. Lý do là bởi Tổng thống luôn trông đợi mọi người đều có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung được đề cập, thảo luận tại cuộc gặp, như chính cá nhân ông.

Tổng thống Nga cũng là người hay nổi cáu trước nhưng ai nói chuyện một cách lan man, không đi ngay vào trọng tâm. Trong trường hợp đó, ông hoặc là thể hiện rõ thái độ thờ ơ ra mặt, hoặc là ngắt lời kèm theo các câu hỏi kiểu như “Anh vừa nói gì ấy nhỉ?”, “Vậy vấn đề chính là gì?”… Đặc biệt, ông Putin sẽ phản ứng mạnh nếu như vấn đề được trình bày dài dòng kia đã từng được đệ trình và ông đã nắm được nội dung.

Thế nhưng điều mà Tổng thống Nga dị ứng nhất, hơn cả cách kể lể dài dòng, chính là việc ai đó ngắt lời. Bản thân Tổng thống luôn để người đối diện trình bày hết (ngoại trừ việc ông có thể hỏi một số điểm) và ông cũng muốn người khác làm điều tương tự.

Hoài Thanh (Báo Tin Tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem