Việt Nam là thị trường năng động
Tại cuộc họp báo ngay sau khi đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam, ông Kris Peeters - Thống đốc, Bộ trưởng Kinh tế vùng Flanders cho biết, đoàn doanh nghiệp tháp tùng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như quản lý nước và chất thải, giao thông vận tải, cảng, hậu cần, công nghệ vũ trụ, y tế, nông nghiệp.
|
Thanh Long Việt Nam chờ đợi cơ hội tiếp cận thị truờng Bỉ. |
Mặc dù Bỉ có diện tích nhỏ và dân số không cao, nhưng lại có nền kinh tế phát triển lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới với GDP đạt hơn 460 tỷ USD trong năm 2010. Bỉ xếp hạng thứ 12 trên thế giới về mặt nhập khẩu.
Kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị chính thức từ năm 1973, thương mại giữa Bỉ và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng đạt mức hơn 1 tỷ USD trong năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Bỉ sang VN bao gồm hóa chất, thuốc, thiết bị máy móc, sắt thép và các kim loại khác; đồng thời Bỉ nhập khẩu từ VN các mặt hàng giày dép, dệt may, rau củ.
Thâm hụt thương mại của Bỉ và VN đang ngày càng thu hẹp lại. Ngoài ra, Bỉ cũng đang cam kết tăng nguồn tài trợ ODA cho VN. Hiện nay, Bỉ đóng góp khoảng 25 triệu USD mỗi năm, chủ yếu trong các lĩnh vực như quản lý nguồn nước, giáo dục và học bổng hỗ trợ phát triển năng lực. Trong tương lai, Bỉ cũng sẽ chú trọng vào việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp.
Ngài Nam tước Cerexhe - Bộ trưởng Kinh tế vùng thủ đô Brussels cho biết, hiện doanh nghiệp Bỉ đang chú trọng đến các lĩnh vực ở VN như ngành công nghiệp kim cương, dịch vụ cảng, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ cao, y tế và ngành công nghiệp thực phẩm… Ông Cerexhe nhấn mạnh, Bỉ luôn xem VN là một thị trường năng động và giàu tiềm năng trong khu vực.
Chú trọng đầu tư vào VN
Đại sứ Bỉ tại VN, ông Angelet Bruno cho biết, phái đoàn Bỉ đến VN lần này với mục đích tìm hiểu xem Bỉ có thể hỗ trợ VN những gì trong công cuộc đổi mới và phát triển ở VN. Ông Bruno nhấn mạnh, Bỉ sẽ thúc đẩy các dự án hợp tác vốn có và tăng cường các dự án mới để hỗ trợ VN đạt được mục tiêu phát triển.
Phái đoàn kinh tế sẽ chú trọng vào lĩnh vực đầu tư tại VN, trong đó gồm giao thông, cơ sở hạ tầng; nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm; công nghệ xanh, quản lý nguồn nước, chất thải, hợp tác trong lĩnh vực y tế. Theo dự kiến, sẽ có 30 biên bản hợp tác quan trọng được ký kết trong chuyến thăm này, ngoài ra còn có rất nhiều hợp đồng kinh tế được ký giữa các doanh nghiệp hai bên.
Trong khuôn khổ chuyến thăm từ ngày 11 đến 16.3, Thái tử Philippe và các vị bộ trưởng sẽ có các cuộc họp với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các vị bộ trưởng: Giao thông - Vận tải, Tài chính...
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Jean Claude Marcourt - Bộ trưởng Kinh tế vùng Wallonia - Brussels cho biết, nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng và trong chuyến thăm này sẽ có rất nhiều các dự án được ký kết giữa các trường đại học nông nghiệp, các viện nghiên cứu và các dự án khác về bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển sản phẩm sạch và nông sản chế biến… Ngoài ra, các chuyên gia nông nghiệp kỳ cựu của Bỉ cũng sẽ trao đổi kinh nghiệm về việc đưa các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường.
Trả lời câu hỏi của phóng viên NTNN về cơ hội để hàng nông sản VN tiếp cận thị trường Bỉ, ông Kris Peeters cho biết, nông nghiệp Bỉ được định hướng xuất khẩu rõ rệt, nhưng Bỉ vẫn luôn tìm kiếm cơ hội nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ VN. “Sau chuyến đi này, chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội để nông sản Việt đến với thị trường Bỉ, nhưng đó là việc của các doanh nghiệp Bỉ, còn Chính phủ Bỉ không trực tiếp làm điều đó” - ông Kris cho biết.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.