Bị nhắc đừng khoe thành tích con lên mạng, người mẹ gay gắt: "Con tôi học giỏi thì tôi khoe"
Bị nhắc đừng khoe thành tích con lên mạng, người mẹ gay gắt: "Con tôi học giỏi thì tôi khoe"
Tào Nga
Thứ tư, ngày 29/05/2024 15:16 PM (GMT+7)
Đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện khoe thành tích cuối năm của con lên mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng có phụ huynh cho rằng "không nên nêu cao quan điểm" vì: "Con tôi học giỏi thì tôi khoe".
Trào lưu khoe thành tích con lên mạng gây tranh cãi
Mấy năm gần đây nhiều cha mẹ có niềm vui sau năm học của con đua nhau khoe thành tích của con lên mạng xã hội. Đây cũng là chủ đề gây tranh cãi, thậm chí nhiều phụ huynh cho biết gặp áp lực.
"Mấy ngày nay mở máy ra toàn là thấy khoe giấy khen với kết quả học tập của các cháu. Bệnh thành tích quá nặng rồi. Ngày xưa học mới thực chất chứ giờ điểm số sao cả lớp toàn 9, 10. Bố mẹ thì cứ thấy con điểm cao là khoe khắp cõi mạng. Có nhiều em vì lý do nào đó học chưa tốt sẽ tự ti. Bố mẹ có con học kém thì so sánh la mắng con, khiến con thêm mặc cảm. Theo quan điểm của tôi, không nên khoe con lên mạng", chị Nguyễn Vân Anh, phụ huynh ở quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ.
Tuy nhiên, chị Lê Hiền Thục, quận Cầu Giấy, Hà Nội lại bày tỏ bức xúc khi một người bạn nhắn tin đừng nên khoe thành tích của con lên mạng xã hội. Chị Thục kể: "Con tôi học giỏi thì tôi khoe. Chỉ đăng lên mạng cho vui, làm kỷ niệm sau này nhắc lại chứ đâu có gì to tát mà nêu cao quan điểm. Khi tôi vừa đăng ảnh con học giỏi nhất lớp lên mạng, một phụ huynh lớp con tôi đã nhắn tin bảo đừng khoe như thế. Ảnh hưởng đến tinh thần của các bạn khác chơi cùng. Rồi đọc trên mạng thấy mọi người phê phán nhiều quá.
Tôi nghĩ, phụ huynh nào có con học không tốt thì coi đây là động lực để cố gắng, chứ không nên vì con học không giỏi mà cấm người khác không được khoe. Sau này đi làm còn nhiều cái cạnh tranh, ấm ức nữa cơ. Cứ để con sống trong màu hồng quá cũng không nên".
Trước sự việc nhiều phụ huynh khoe thành tích con lên mạng, nhà giáo Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nêu quan điểm: "Có lẽ do tôi đi học ở nước ngoài nên cũng ảnh hưởng một phần là để con phát triển tự nhiên. Tất nhiên con vẫn phải theo khuôn khổ nào đó của bố mẹ. Tôi muốn để con được sống bình thường, có tuổi thơ, tuổi trẻ. Cha mẹ nào cũng mong con mình giỏi. Tôi cũng thế. Con đạt thành tích gì thì cả nhà cũng khoe nhau, nhưng mà đó là con đạt được chứ không phải mang lại áp lực cho con.
Ở nhiều quốc gia còn không công khai điểm và xếp hạng của học sinh. Nếu ở trong lớp toàn học sinh giỏi thì việc xếp thứ 30 cũng là giỏi. Tại sao lại công khai điểm để cả lớp nhìn, nhà nọ so sánh nhà kia. Mình là mình, miễn là mình tốt theo cách riêng của mình. Cha mẹ không phải để ý tại sao con nhà người ta 9, con mình có 8. Tôi không bao giờ để ý đến điểm của con vì có thể bạn học xuất sắc hơn con môn đó nên điểm cao hơn là đương nhiên.
Tôi nghĩ các bậc phụ huynh cũng nên bớt áp lực, bớt kỳ vọng vào con mình. Tôi nghĩ thế này, mình cứ ép con chín sớm thì liệu con còn đam mê để phát triển tiếp hay không? Kinh nghiệm của tôi khi là giáo viên, có những trường hợp đầu vào vừa phải nhưng chúng tôi phát hiện em đó rất thông minh và lớp 12 đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Có bạn đầu vào cao nhưng học nhiều đến giai đoạn bão hoà thì không thể tiếp nhận thêm kiến thức. Không phải con học kém đi mà không còn sự đặc sắc nữa. Cha mẹ đừng ép con nhiều quá. Ở cấp 1 có thể nhiều bạn mải chơi, cấp 2 chưa chăm nhưng cấp 3 lại tỏa sáng. Nhồi kiến thức từ cấp 1 khiến con sợ, như chúng ta ăn món gì quá mức sẽ ngấy".
Thạc sĩ Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng, khoe thành tích trên mạng xuất phát từ văn hóa của nhà trường. Mỗi năm học hay sau các kỳ thi, trường nào cũng khoe có bao nhiêu học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố, quốc gia, quốc tế. Và đương nhiên, phụ huynh cũng có quyền khoe thành tích của con với những người khác hay cả mạng xã hội. Ngoài việc lộ thông tin cá nhân, việc khoe cả giấy khen có tên trường, lớp, thành tích của trẻ còn tạo áp lực cho chính các trường và các em.
"Nếu như các nhà trường luôn nỗ lực dạy học để thành tích năm sau cao hơn năm trước thì chính học sinh cũng phải nỗ lực để vượt lên. Tôi biết có những em gồng mình giữ được thành tích 10 năm liền là học sinh giỏi, học sinh tiêu biểu nhưng mặt trái là những em đó phải học thêm rất nhiều mới đạt được. Có em chỉ biết cặm cụi học đến mức nhiều năm không có giải trí, không có bạn bè và trầm cảm phải đi điều trị tâm lý. Trong khi, kết quả điểm số không phản ánh đúng năng lực của người học", ông Sơn nói,
Theo ông Sơn, nhiều trường học chạy theo thành tích gây áp lực rất lớn đối với học sinh. Trong quá trình làm tư vấn, học sinh chia sẻ, có những em không cần học nhiều vẫn được "cấy" điểm số đẹp để có học bạ đẹp dẫn đến "lạm phát" điểm 9-10, thành tích không còn thật và chính học sinh không nhận diện được bản thân ở đâu để nỗ lực.
Khoe thành tích của con lên mạng có thể bị phạt
Luật sư Nguyễn Ngọc Ánh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, tại Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, việc bố mẹ khoe điểm, giấy khen, hình ảnh… của con dưới 7 tuổi lên mạng xã hội hoặc trên 7 tuổi mà có sự đồng ý của con thì hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Bởi bố mẹ là chủ thể được pháp luật cho phép khi công bố các thông tin này.
Tuy nhiên, đối với trẻ trên 7 tuổi, việc đăng tải hình ảnh, thông tin mà không được sự đồng ý của trẻ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính.
Về mức độ xử phạt, căn cứ tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, có quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên.
Ngoài phạt tiền, còn có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi đăng ảnh trẻ em trên 7 tuổi lên mạng xã hội. Đồng thời thu hồi, xóa gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, cá nhân của trẻ em đối với hành vi vi phạm.
Theo cảnh báo từ Công an TP.Hà Nội, việc khoe giấy khen của con lên mạng có nguy cơ để lộ thông tin của con và tạo điều kiện cho kẻ xấu ra tay với trẻ. Việc phụ huynh khoe giấy khen, thành tích của con lên mạng xã hội được cho là hành vi gián tiếp tiếp tay cho tội phạm.
Theo các chuyên gia về tội phạm học, trên giấy khen, thành tích học tập của trẻ thường đính kèm họ và tên, lớp học, thông tin về trường lớp, thậm chí là những thông tin khác liên quan đến giáo viên, hoặc gia đình. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi kẻ xấu dễ dàng lợi dụng để bắt cóc tống tiền, xâm hại trẻ em...
Do đó, người lớn cần tuyệt đối chú ý phòng tránh trong việc dễ dãi công khai thông tin cá nhân, hình ảnh của con lên mạng xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.