Bí quyết bồi bổ mùa xuân: Từ món ăn tới vị thuốc

Chủ nhật, ngày 22/01/2012 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc ăn thế nào trong dịp Tết để bồi bổ sức khoẻ, chống ngán, thừa chất là điều rất nên lưu tâm.
Bình luận 0

Từ món ăn…

Món thường thấy trong bữa cơm ngày tết - nhất là mâm cơm cúng ngày mùng 1 của người Bắc là bóng bì xào thập cẩm, măng hầm chân giò hoặc xương gà, gà luộc, giò chả, thịt nướng, bánh chưng; miền Nam là thịt kho dưa giá, bánh tét, dưa chua, gà luộc xé phay; miền Trung là món bánh hỏi và thịt muối cuốn bánh tráng, thịt kho măng khô, canh khổ qua dồn thịt ba rọi hoặc thịt bò xào, kho…

img
Hành muối trộn với tôm khô- món độc ngày tết.

Chỉ nhìn qua cũng thấy mâm cơm tết 3 miền toàn… thịt, ít có các món ăn như tôm, cua, cá và đặc biệt là ít rau. Bữa ăn như vậy không cân bằng về dinh dưỡng, dù mâm cơm 3 miền đều có dưa hành bổ trợ. Hiện nay, đã có khá nhiều gia đình người Việt bắt đầu “ngán” cỗ tết từ lúc còn… chưa tới tết và bắt đầu bổ sung những món dễ ăn, dễ tiêu, không ngán trong ngày tết.

Những món thay thế nổi bật nhất là các món gỏi, nộm và món khô để nhậu lai rai. Gỏi, nộm thì khỏi phải nói vì cả 3 miền đều có những món truyền thống nổi bật. Chẳng hạn như miền Bắc thì có nộm su hào, nộm ngó sen tai lợn…Trong số các món khô thì được ưa chuộng nhất hiện nay có lẽ là món đặc sản bò hun khói ở Tây Bắc, bò khô. Và gần đây, chị em bày nhau món bắp bò ngâm mắm. Món này khá đặc biệt nhưng dễ làm là luộc (hoặc hầm) bắp bò rồi ngâm vào nước mắm chua ngọt để 1 tuần hoặc 10 ngày là có thể bỏ ra ăn với củ kiệu chua.

Một món ăn nữa thường được trữ sẵn để chống ngán được bày bán rất nhiều ở các siêu thị là su hào ngâm giấm, xoài non ngâm giấm, cà pháo ngâm tôm chua, tai lợn muối chua, thịt ngâm muối, bì, tré… Chỉ cần trữ ít thịt bò khô, hành muối hoặc kiệu muối thì khi có khách ngả ra cũng thành món “độc”.

tới vị thuốc…

Ngoài ăn, mùa xuân cũng là mùa bồi bổ để có sức khoẻ làm việc cả năm. Nhìn chung, việc bồi bổ trong mùa xuân cần chọn lựa các thức ăn bình bổ như đậu các loại, quýt, táo, vừng, hạnh đào… và thanh bổ được chọn cho những người bị âm hư, dương hư, khí hư, huyết hư vì loại thức ăn thanh bổ là những thức ăn có tính mát như lê, ngó sen, bách hợp, ba ba, vịt già… Còn những người âm hư nóng trong khi được bồi bổ bằng những thức này sẽ có thể hạ hỏa và giải trừ được cảm giác sợ nóng.

Ngoài ra còn có thể dùng một số loại thảo dược để bồi bổ nhằm nâng cao khả năng kháng bệnh như: Hoàng kỳ, bạch truật, phòng phong, đảng sâm, phục linh… sắc uống hoặc chế biến thành món ăn thuốc để sử dụng.

Đặc biệt với một số người tuy bình thường, nhưng có biểu hiện mệt mỏi, thở dốc, nên dùng đảng sâm 20g, hoàng kỳ 20g, thịt gà 250g, hồng táo 5 quả, gừng tươi 3 lát, cho nước vừa đủ hấp cách thủy chín, nêm gia vị vừa miệng, ăn cái uống nước canh, cứ sau 3 – 5 ngày lại ăn 1 lần.

Mùa xuân gió xuân êm dịu, ấm áp, nên con người cũng hoạt động nhiều. Vì vậy trong Đông y đã chú ý đặc điểm của mùa xuân để chọn các thức bổ và thuốc bổ để phù trợ chính khí, bổ ích nguyên khí mà nhân sâm là vị đầu bảng.

Thật vậy, trong “Bản thảo kinh” có ghi: “Nhân sâm bổ ngũ tạng, an thần, trừ tà khí”. Tuy nhiên có thể sử dụng cả hồng sâm, sâm sống phơi khô…

Cũng có thể thay nhân sâm bằng đảng sâm, thái tử sâm, hoàng kỳ, hồng táo, hoài sơn… Khi dùng nên lấy từng vị một hầm với thịt nạc. Hoặc dùng đảng sâm hay thái tử sâm 15g, hoàng kỳ 15g, hồng táo 10g, sắc lấy nước uống ngày 1 lần hoặc mỗi tuần sắc uống 2 – 3 lần. Kết hợp ăn một số loại như trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, sữa ong chúa, mật ong…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem