"Coi khinh" bệnh chết nhanh chết chậm ở cây tiêu, một nông dân Gia Lai vẫn sống khỏe với "vàng đen"

Hoàng Lộc Thứ bảy, ngày 08/07/2023 18:42 PM (GMT+7)
Căn bệnh chết nhanh chết chậm đã khiến nông dân trồng hồ tiêu ở Gia Lai lao đao dẫn đến phá bỏ vườn cây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Lục (huyện Chư Sê) vẫn sống khỏe với loại cây được mệnh danh với là "vàng đen" nhờ canh tác theo hướng hữu cơ.
Bình luận 0

Gần chục năm miệt mài "con đường" tiêu hữu cơ

CLIP: Vườn tiêu xanh tốt của ông Nguyễn Tấn Lục sau khi được bón phân hữu cơ tự ủ

Như đã hẹn từ trước, những ngày cuối tháng 6, PV Dân Việt được ông Nguyễn Tấn Lục (trú tại thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) dẫn đi thăm vườn cây trồng của gia đình.

Giữa ánh nắng vàng, vườn cây trồng của ông Lục vẫn căng tràn sức sống, khác biệt với những vườn cây héo úa ở xung quanh. Theo ông Lục điều làm nên sự khác biệt đó là vườn cây của gia đình ông được sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ.

Kể về quá trình lập nghiệp, ông Lục cho biết, quê ông ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Từ nhỏ, đã theo bố mẹ vào mảnh đất Chư Sê – nơi được xem là thủ phủ hồ tiêu tỉnh Gia Lai để lập nghiệp bằng nghề nông. Khi lớn lên, ông tiếp quản công việc của gia đình.

Bí quyết giữ vườn tiêu xanh mướt của lão nông ở Gia Lai - Ảnh 2.

Phân bón hữu cơ được ông Lục ủ để bón cho cây hồ tiêu

Trong câu chuyện của mình, ông Lục kể, giai đoạn 2012-2015, nhiều vườn tiêu ở huyện Chư Sê và Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) bị nhiễm bệnh rồi chết nhanh, chết chậm khiến người nông dân thua lỗ nặng. Người nông dân phải bán cả vườn cây để trả nợ, một số người thì phá bỏ vườn tiêu để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.

"Đó là thời điểm khó khăn nhất đối với gia đình tôi. Gần như 2/3 diện tích trồng tiêu bị nhiễm bệnh rồi chết khiến gia đình rất lo lắng. Có lúc, hai vợ chồng định phá bỏ cả luôn vườn tiêu để chuyển sang trồng loại cây khác nhằm có vốn xoay vòng đồng tiền nhanh hơn, đỡ vất vả", ông Lục nói.

Tình cờ vào năm 2015, ông Lục được bạn bè giới thiệu tham gia lớp tập huấn về canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ do Hội Nông dân huyện Chư Sê phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức. Tại đây, ông được hướng dẫn, chuyển giao quy trình ủ men sản xuất phân hữu cơ, thuốc trừ sâu hữu cơ.

Bí quyết giữ vườn tiêu xanh mướt của lão nông ở Gia Lai - Ảnh 3.

Ông Lục tưới phân bón cho cây tiêu

"Sau khi tham gia tập huấn, tôi nhận thấy đã đến lúc phải thay đổi tư duy, phương thức canh tác. Tôi quyết định chọn con đường sản xuất hữu cơ làm "chìa khóa" thay đổi phương thức sản xuất", người đàn ông này khẳng định.

Dạo bước quanh vườn tiêu, bao trùm trước mắt chúng tôi là những trụ tiêu ngay hàng thẳng lối, xanh tốt cao ngút tầm mắt bao phủ cả một vùng đất. Ông nói rằng: "Sau khi sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ, các nọc tiêu trong vườn xanh đậm trở lại, tay tiêu vươn dài. Gần chục năm trở lại đây, vườn tiêu của gia đình tôi không còn tình trạng chết nhanh chết chậm nữa. Vì vậy mà toàn bộ sản phẩn hạt tiêu của tôi được Công ty TNHH Olam Chi nhánh Gia Lai thu mua với mỗi kg hạt có giá cao hơn 3 – 4 ngàn đồng so với thị trường.".

Bí quyết giữ vườn tiêu xanh mướt của lão nông ở Gia Lai - Ảnh 4.

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, vườn tiêu của ông Lục mỗi năm cho năng suất ổn định

Về bí quyết làm phân hữu cơ, theo ông Lục, bản thân thường tận dụng các loại trái cây có sẵn trong vườn như đu đủ, chuối, bưởi non, bơ...rồi hòa cùng với gỉ mật mía, men tiêu hóa, men rượu, sữa chua, cám gạo để tạo thành men vi sinh bản địa. Sau đó, ông Lục trộn tiếp men vi sinh với đạm cá, đậu nành và ủ dài ngày để cho ra loại phân bón mang đặc trưng riêng của mình. Ngoài ra, người đàn ông này còn làm thuốc trừ sâu sinh học bằng cách ủ tỏi, gừng và ớt.

"Việc sản xuất theo hướng hữu cơ giúp cây trồng nhà tôi sinh trưởng, phát triển tốt; đất tơi xốp, giảm thải được việc ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất phân hữu cơ chỉ vài nghìn đồng/kg, rẻ hơn so với giá các loại phân hóa học bán trên thị trường. Từ khi sử dụng phân bón hữu cơ, tôi tiết kiệm được chi phí mua phân bón; lại vừa cải tạo được đất, ít sâu bệnh. Trong khi đó, nếu sử dụng phân bón hóa học về lâu dài sẽ khiến đất bị chai hóa, cây trồng bị nhiễm bệnh rồi chết", ông Lục quả quyết nói.

Chế biến các sản phẩm từ cây hồ tiêu

Trong quá trình canh tác, ông Lục thường giữ cỏ mọc xanh tốt dưới vườn cây trong khi các vườn cây khác thường làm sạch cỏ dưới gốc

Lý giải về việc này, ông Lục nói: "Cỏ trong vườn tạo môi trường lý tưởng cho các sinh vật đất hoạt động, cải thiện chất lượng đất và bảo vệ cây trồng khỏi các loại nấm bệnh gây hại. Ngoài ra, cỏ còn giúp chống xói mòn cho đất khi mưa lớn và giữ ẩm, hạn chế đất bóc hơi nước vào mùa khô. Đây cũng là một cách tiết kiệm được chi phí và công chăm sóc, mà vườn cây luôn được ổn định, tranh được bệnh và cho năng suất cao".

Bí quyết giữ vườn tiêu xanh mướt của lão nông ở Gia Lai - Ảnh 5.

Gần 10 năm nay, vườn tiêu của gia đình ông Lục không còn tình trạng chết nhanh, chết chậm

Hiện tại, ông Lục đang sở hữu 2 ha đất. Trên diện tích đất này, ông trồng 1.600 cây tiêu xen canh với 1.500 cây cà phê, 200 cây sầu riêng, 100 cây mắc ca. Ngoài ra, ông trồng xen thêm các loại cây ngắn ngày như chanh dây, đậu phộng, thanh long…

Từ các loại cây trồng, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. "Nhờ trồng xen canh các loại cây trong vườn mà tôi có được nguồn thu nhập luân phiên và ổn định để nuôi hai người con ăn học đại học", ông Lục tâm sự.

Bên cạnh canh tác vườn cây, ông Lục còn mày mò, học hỏi và chế biến thành công các sản phẩm từ cây hồ tiêu gồm tiêu xanh ủ muối, tiêu một nắng ủ muối, tiêu sữa ủ muối và tiêu sọ. Một số sản phẩm đã đến được tay người tiêu dùng và đều nhận được phản hồi đầy tích cực.

Bí quyết giữ vườn tiêu xanh mướt của lão nông ở Gia Lai - Ảnh 6.

Các sản phẩm từ hồ tiêu của ông Lục

"Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm trang thiết bị máy móc để hoàn thiện hơn và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và đóng gói sản phẩm. Đồng thời, tôi dự định sẽ liên kết một số hộ dân tại thôn 4, xã Ia Hlốp để tiến tới thành lập hợp tác xã", ông Lục cho biết.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Kpuih Lan – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết: "Ông Lục là một trong những tấm gương điển hình của địa phương về việc về làm nông nghiệp. Nhờ sự tìm tòi, học hỏi và sáng tạo, ông Lục đã làm ra được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Không những vậy, ông cũng sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao kinh nghiệm hoàn toàn miễn phí cho người dân ở các tỉnh Tây Nguyên. Từ đó, hộ gia đình ông Lục đã được công nhận là Hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Chư Sê giai đoạn 2017-2022".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem