Thanh long ruột đỏ, cũng như bao nông sản của Việt Nam khác, ăn tươi làm sao thấu nếu không có hướng đi khác để có sản phẩm làm tăng giá trị của nông sản thì nông dân ta vẫn luôn vào cảnh được mùa thì mất giá. Làm ra sản phẩm đã khó, tăng giá trị nó lên càng khó.
Đầu vào của sản phẩm (từ khâu chọn giống, phương pháp canh tác, kỹ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm, mẫu mã…) đã khó khăn nhọc nhằn rồi, đầu ra của sản phẩm (giá cả, các lợi ích sau khi thu hoạch…) lại càng khó khăn, làm không có hiệu quả thì làm làm gì?!
Tôi cũng được biết nông dân Thái Lan rất sáng tạo với sản phẩm quả dừa có nút mở Coco Easy... Chỉ một ví dụ này tôi thấy giá trị các trái cũng đã tăng lên bao nhiêu lần, nông dân Nhật sáng tạo với trái dưa hấu vuông, nông dân Việt cũng có sáng tạo với trái dâu thỏi vàng, bạc, bưởi hồ lô tài lộc.
Từ những điều này, tôi thấy trái thanh long ruột đỏ ngoài các giá trị khác ra trái rất có ưu thế:
- Hạt có thể sử dụng làm chất chống ung thư hóa, một cá nhân có vườn Thanh Long ở Tây Ninh cũng đã nghiên cứu giá trị hạt thanh long ruột đỏ khô, giá trị gấp nhiều lần giá bán tươi của trái.
- Màu đỏ chiết xuất từ vỏ, thịt trái cũng có giá trị ứng dụng cao (vỏ quả tỷ lệ phẩm màu nhiều hơn thịt trái) trong hóa mỹ phẩm, phẩm màu thực phẩm cũng như công nghiệp.
Chưng cất rượu vang từ trái thanh long đang được hi vọng là một hướng đi mới, gian nan nhưng thú vị. Ảnh Đàm Duy.
- Có thể làm rượu từ “thịt” trái này, do có lợi thế có màu đỏ (Ở Việt Nam cũng đã có Công Ty TNHH Thực Phẩm Nhật Hồng chuyển sản xuất rươu vang từ thanh long ruột đỏ). Tôi cũng biết Malaysia có trang trại thanh long Great Sun ngoài quả tươi còn có sản phẩm rượu vang thanh long.
- Lúc đầu tôi nghĩ sản phẩm này trong trái có quá nhiều nước thế mà cũng đã có sản phẩm sấy khô (sấy khô này khác với phương pháp truyền thống là chip, sấy khô cấp đông rút nước (sấy thăng hoa)... Công ty CP Nông nghiệp GAP đã có mô hình trồng thanh long GAP theo hướng hữu cơ và có sản phẩm thanh long sấy khô theo công nghệ cấp đông rút nước.
Tôi rất muốn nâng cao giá trị của sản phẩm thanh long, tận dụng, gia tăng các giá trị nông sản của mình, tránh hiện tượng “ăn non”, chỉ phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc, làm giảm giá trị nông sản của nước nhà. Không chỉ riêng trái thanh long mà các nông sản khác nữa (như trái vải, dưa hấu, sầu riêng, mận…). Chúng ta phải học Israel không chỉ những công nghệ hiện đại áp dụng cho nông nghiệp mà còn phải học họ trong cách vận hành trang trại, sự liên kết trong làm ăn không kiểu như chúng ta mạnh ai người ấy làm. So với cách làm của họ, “những sản phẩm giá quá hạ, họ sẵn sàng chặt bỏ tất cả cây để kích cầu cho mùa tới, chứ không bán phá giá” (theo phóng sự “Nông dân” Việt Nam tu nghiệp tại Israel” trên báo Lao Động).
Hiện tại áp lực đối với trái thanh long của chúng ta là đang hiện hữu (Trung Quốc trồng với diện tích của Việt Nam và hơn, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Israel… họ là những nước phát triển, họ đi sau họ sẽ tận dụng tất cả những gì họ học của chúng ta cộng với công nghệ hiện đại của họ liệu chúng ta còn thị phần không? Liệu có cảnh chặt bỏ hết thanh long, Bình Thuận rơi vào khủng hoảng không? Các bạn vào siêu thị, khu hoa quả, bao nhiêu phần trăm là trái cây của ta, bao nhiêu phần trăm là trái cây nhập ngoại? Khi bạn cầm trái cây của ta và trái cây nhập ngoại bạn có cảm nhận thế nào…?
Tôi được biết Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu có đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long của Đài Loan, với khí hậu ôn đới không phải là thuận lợi cho cây thanh long mà nông dân Đài Loan cho ra trái vụ, với chất lượng, mẫu mã đạt chuẩn (quả rất lớn 1 -1,2 kg/trái), nhiệt độ 4-5 độ C. Liệu tiến sĩ Nguyễn Minh Châu và các nhà khoa học khác có thể chia sẻ kinh nghiệm ra trái vụ vào mùa đông của họ áp dụng đối với vùng trồng thanh long ngoài Bắc không?
Tôi cũng giật mình khi biết tin Trung Quốc trồng thanh long với diện tích lớn, cộng với học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan ra trái vụ, chỗ đứng của trái thanh long của Việt Nam chưa biết sẽ thay đổi như thế nào?
Thời điểm thu hoạch thanh long nhiều khi còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khâu thu hoạch và bảo quản cũng là vấn đề lớn đối với trái thanh long. Tôi được biết Nhật Bản có công nghệ bảo quản sau thu hoạch công nghệ CAS (Cell alive system) - Công nghệ bảo quản tế bào tươi sống của Nhật Bản, công nghệ này có rất nhiều ưu điểm như nông sản, thực phẩm khi đưa ra ngoài, sản phẩm vẫn còn tươi nguyên như khi mới thu hoạch.
Tôi không biết khi nào Việt Nam mới có thể ứng dụng đại trà công nghệ này. Thử tính sao khi giá trị trái thanh long có mặt vào đúng ngày Rằm, mồng một, đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Một lá thư không thể nói hết những suy nghĩ của tôi, cũng như những người trồng thanh long khác. Tôi rất mong sự hợp tác, chia sẻ của tất cả những ai quan tâm tới trái thanh long cũng như sự phát triển giá trị nông sản Việt.
Qua Dân Việt, tôi rất mong được chia sẻ của những người quan tâm qua địa chỉ: Ngô Minh Hải, 0964.506.606; Email:
ngominhhai1001@gmail.com
Ngô Minh Hải (chủ trang trại) (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.