Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trao đổi với Dân Việt tại tọa đàm: Nghiên cứu, phát triển và quản lý thuốc bảo vệ thực vật do Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Croplife Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (VIPA và Báo NTNN/Dân Việt phối hợp tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Văn Viên, nguyên Giảng viên Cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ những kiến thức quý báu để giúp nông dân hiểu và ứng dụng hiệu quả các biện pháp BVTV an toàn, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
- Để phân loại các nhóm thuốc BVTV, chúng tôi dựa trên các tiêu chí chính về tính chất và mục đích sử dụng. Một là, phân loại theo đối tượng sinh vật gây hại cần phải phòng trừ: Thuốc BVTV đươc chia thành thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ nhện hại, thuốc trừ chuột, thuốc trừ ốc bươu vàng, thuốc trừ cỏ, thuốc điều hòa sinh trưởng thực vật, v.v.
Hai là, phân loại theo nguồn gốc: Thuốc BVTV đươc chia thành thuốc có nguồn gốc tổng hợp hóa học, thuốc có nguồn gốc sinh học (nguồn gốc từ thực vật-còn gọi là thuốc thảo mộc, nguồn gốc từ vi sinh vật), thuốc có nguồn gốc dầu (dầu khoáng, dầu thực vật…)
Ba là, phân loại theo thành phần hóa học: Thuốc BVTV đươc chia thành: Thuốc trừ sâu clo hữu cơ, Thuốc trừ sâu lân hữu cơ, Thuốc trừ sâu carbamate, Thuốc trừ sâu pyrethroid vv… Thuốc trừ bệnh chứa đồng, thuốc trừ bệnh chứa lưu huỳnh, thuốc trừ bệnh nhóm lân hữu cơ, thuốc trừ bệnh nhóm carbamate vv…
Bốn là, ngoài ra còn phân loại theo dạng thuốc: Thuốc dạng nhũ dầu (ký hiệu EC), dạng vi nhũ (ME), dạng bột thấm nước (WP), dạng bột tan trong nước (SP), dạng hạt (GR), dạng huyền phù đậm đặc (SC) vv…
Bên cạnh đó, các con đường xâm nhập của thuốc vào cơ thể sinh vật gây hại. Cụ thể, thuốc BVTV xâm nhập vào trong cơ thể sâu, chuột, nhện hại có 3 con đường: Thuốc qua da gọi là thuốc có tác dụng tiếp xúc; Thuốc qua miệng vào dạ dày và ruột gọi là có tác dụng thuốc vị độc; Thuốc qua bộ máy hô hấp vào trong cơ thể gọi là thuốc xông hơi khử trùng.
Thuốc đi vào trong cơ thể cây trồng, cỏ dại theo 2 con đường qua lá và qua rễ. Khi thuốc vào trong cây, thuốc di chuyển trong cây được gọi là thuốc lưu dẫn, thuốc dịch chuyển theo mạch dẫn của cây theo chiều đi lên gọi là vận chuyển hướng ngọn, thuốc di chuyển theo chiều đi xuống gọi là vận chuyển hướng gốc, thuốc cũng có thể được di chuyển khắp cơ thể cây.
Thuốc trừ sâu sẽ diệt sâu có miệng chích hút, diệt nhện. Thuốc trừ bệnh sẽ diệt nấm hoặc vi khuẩn gây bệnh ở trong mô bào của cây. Thuốc trừ cỏ dại làm cho mô bào của cỏ bị hại, ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý, các phản ứng sinh hóa và các quá trình trao đổi chất của cỏ dại, cỏ sẽ bị chết.
Do vậy người nông dân cần biết ruộng vườn của mình đang bị loại sinh vật nào phá hoại, phải chọn đúng thuốc và phải đọc kỹ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc để chọn thuốc phù hợp với yêu cầu sử dụng và làm theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, như vậy sẽ phát huy hiệu quả tốt của thuốc BVTV khi dùng.
- Thuốc BVTV sẽ gây hại cho môi trường khi bị sử dụng sai kỹ thuật, sử dụng lạm dụng. Việc lạm dụng hay sử dụng thuốc BVTV không đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất sẽ gây ra một số tác động xấu đến môi trường, sức khoẻ con người, sinh vật có ích, chất lượng nông sản và có thể làm cho sinh vật gây hại kháng thuốc. Chính vì vậy:
Thứ nhất, khi sử dụng thuốc BVTV, người sử dụng cần phải đọc kỹ và sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên nhãn thuốc.
Thứ hai, tuân thủ nguyên tắc bốn đúng. Để đạt được hiệu quả cao và đảm bảo an toàn, bà con cần tuân thủ nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, và đúng phương pháp. "Đúng thuốc" nghĩa là xác định chính xác loại thuốc phù hợp với sinh vật gây hại.
Điều này đặc biệt quan trọng vì mỗi loại thuốc chỉ hiệu quả với một số đối tượng nhất định. Nếu sử dụng sai loại thuốc, bà con có thể vừa mất chi phí vừa không đạt hiệu quả, thậm chí gây hại cho cây trồng.
"Đúng liều lượng" nghĩa là sử dụng theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Dùng quá ít sẽ không kiểm soát được dịch hại, trong khi sử dụng quá mức gây tồn dư hóa chất trên nông sản, làm giảm chất lượng và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.
"Đúng thời điểm" giúp đảm bảo thuốc phát huy hiệu quả tối đa, đặc biệt là tránh các thời điểm nhạy cảm với môi trường như khi trời mưa hoặc gió lớn.
Cuối cùng, "đúng phương pháp" là việc pha chế, phun thuốc đều và đúng cách để đạt hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí và hạn chế tối đa sự phát tán ngoài ý muốn ra môi trường xung quanh.
Thứ ba, đảm bảo đúng thời gian cách ly, đây là điều rất quan trọng, để dư lượng thuốc BVTV không còn ở mức nguy hiểm cho người sử dụng nông sản.
Thứ tư, sử dụng thuốc hợp lý, nên chọn thuốc BVTV sinh học, chỉ dùng thuốc BVTV khi sinh vật gây hại trên cây trồng ở ngưỡng phòng trừ. Trong vụ hay trong năm phải sử dụng luân phiên loại thuốc có phương thức tác động khác nhau để sinh vật gây hại không hình thành tính kháng thuốc.
Như vậy, người nông dân dùng thuốc BVTV cần thực hiện tốt các nội dung nêu trên đây sẽ góp phần giảm đến mức thấp nhất tác động xấu của thuốc BVTV đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.
An toàn trong sử dụng thuốc BVTV là mối quan tâm lớn của cả thế giới, đặc biệt khi các loại thuốc hóa học được lạm dụng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Từ phía nhà sản xuất, mỗi loại thuốc BVTV đều phải trải qua quy trình kiểm định chặt chẽ về tác động đến môi trường trước khi lưu hành. Tuy nhiên, trách nhiệm rất lớn vẫn nằm ở người sử dụng. Nếu bà con dùng không đúng cách hoặc lạm dụng, các hóa chất có thể tích tụ trong đất, nước, gây ảnh hưởng lâu dài.
Điều quan trọng là bà con cần đọc kỹ hướng dẫn, tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" và luôn có thời gian cách ly hợp lý giữa lần phun thuốc cuối cùng và khi thu hoạch. Đặc biệt, bà con không nên sử dụng thuốc BVTV vào thời điểm có gió mạnh hoặc gần khu vực nguồn nước để hạn chế sự lan truyền ra môi trường xung quanh. Việc thu gom và xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV cũng cần được thực hiện cẩn thận để tránh ảnh hưởng tới môi trường.
Một số nông dân đang thắc mắc liệu có thể phối trộn nhiều loại thuốc BVTV với nhau không? Ông có thể lý giải rõ hơn về thắc mắc này?
- Việc phối trộn các loại thuốc BVTV là hoàn toàn có thể nếu bà con tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và đảm bảo rằng các thành phần hóa học của chúng không kháng nhau. Hiện nay, có nhiều loại thuốc đã được nghiên cứu để kết hợp với nhau nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát dịch hại và tiết kiệm công sức cho người nông dân. Tuy nhiên, nếu không đúng cách, việc trộn thuốc có thể gây phản ứng hoá học làm mất hiệu quả của thuốc hoặc thậm chí gây hại cho cây trồng.
Trước khi phối trộn, bà con nên đọc kỹ nhãn thuốc, xem xét kỹ các thông tin về tính tương thích. Ngoài ra, nếu không chắc chắn, bà con có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoặc cán bộ nông nghiệp địa phương để có sự tư vấn cụ thể, tránh rủi ro cho cây trồng và đất đai.
- Hiện nay, để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam và nhiều nước khác đã và đang tăng cường kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên nông sản. Các quốc gia nhập khẩu như Nhật Bản, Mỹ, EU đều có quy định rất chặt chẽ về mức độ dư lượng cho phép. Vì vậy, chúng ta cần phải nâng cao ý thức sử dụng thuốc BVTV an toàn, đặc biệt là hạn chế tối đa việc lạm dụng.
Một xu hướng quan trọng hiện nay là phát triển nền nông nghiệp bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc BVTV hóa học. Nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ hiện đại như AI, Big Data để quản lý việc sử dụng thuốc BVTV. Các hệ thống này giúp giám sát tình hình dịch hại theo thời gian thực, từ đó hỗ trợ bà con ra quyết định chính xác hơn, vừa giảm chi phí vừa đảm bảo dư lượng thuốc trong mức an toàn. Việt Nam cũng đang đầu tư vào các công nghệ này để không chỉ nâng cao chất lượng nông sản mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.
Xin cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Văn Viên đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.