1. Bắt đầu vệ sinh tủ lạnh
Đầu tiên, mang tất cả thức ăn ra khỏi tủ lạnh, đặt chúng trên bàn hoặc quầy bếp. Hãy đảm bảo rằng tủ lạnh của bạn lúc này hoàn toàn trống rỗng!
Tiến hành phân loại thực phẩm. Đừng ngại ném vào thùng rác những thứ đã mốc, chẳng hạn như hũ muối dưa quá lâu rồi bạn không dùng đến. Tiết kiệm đồ ăn còn sử dụng được bằng cách đóng gói hoặc hút chân không.
Tháo gỡ tất cả các ngăn, kệ rời, hộc đựng,… ra khỏi tủ lạnh. Bằng cách này, bạn sẽ lau chùi chúng một cách kỹ lưỡng và sạch sẽ hơn nhiều so với việc “giữ nguyên hiện trạng” mà vệ sinh.
Chùi rửa ngăn kéo, kệ đựng,… bằng tay, không đặt trong máy rửa chén. Dùng xà phòng và mút xốp để tạo bọt, vệ sinh nhẹ nhàng. Tuyệt đối không sử dụng nước nóng để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm nứt bề mặt.
Lau chùi bên trong tủ lạnh bằng mút xốp. Nếu không muốn dùng xà phòng hoặc ghét mùi của các chất tẩy rửa hóa học thì bạn có thể chọn giải pháp tự nhiên. Chẳng hạn như: pha 2 thìa baking soda với nước nóng hoặc 1 phần giấm táo với 3 phần nước nóng. Đối với các vết bẩn cứng đầu, thử thoa một chút kem đánh răng sẽ giúp bạn tẩy rửa dễ dàng hơn.
Đừng quên vệ sinh khu vực cánh cửa của tủ lạnh. Đây là nơi bạn thường xuyên sử dụng để đựng trứng, thức ăn thừa. Vì thế hãy lau chùi cẩn thận và chú ý các kẽ bám.
Các ngăn kéo, kệ đựng sau khi vệ sinh được đặt trên giá đỡ, để cho ráo nước. Dùng một miếng vải sạch lau khô chúng một lần nữa trước khi lắp lại vào tủ lạnh.
Sau khi tủ lạnh đã hoàn toàn khô ráo, tiến hành sắp xếp thức ăn vào. Lau sạch tất cả chai lọ, hộp đựng,... Kiểm tra một lần nữa hạn sử dụng của các thực phẩm đóng hộp.
2. Mẹo sắp xếp ngăn nắp
Bọc các loại trái cây tươi, rau củ quả trong màng bọc thực phẩm rồi đặt vào hộc đựng cho độ ẩm thấp.
Các chế phẩm từ sữa như: pho mát, sữa chua, whipping cream,… được xếp chung trên một kệ (phía dưới kệ đựng trứng) nơi cánh cửa tủ.
Chiếc kệ tiếp theo ở mặt sau cửa tủ sẽ là nơi đựng các loại tương ớt, tương cà, nước chấm, sốt, gia vị, hũ đồ chua,…
Chai sữa, nước ngọt, nước trái cây, và các đồ uống khác được xếp vào ngăn cuối cùng của cánh cửa tủ.
Các loại thực phẩm, rau củ chế biến và sử dụng trong ngày được phân loại, đặt trong từng hộp riêng biệt và xếp gọn vào kệ trong ngăn mát.
Những loại thịt, hải sản,… chưa chế biến ngay thì đặt gọn vào trong ngăn đá của tủ lạnh để bảo quản được lâu hơn.
Lưu trữ các loại thức ăn thừa vào hộp kín, đặt ở trong một khu vực riêng và nhớ dán nhãn cho chúng để việc tìm kiếm dễ dàng hơn.
3. Khử mùi và tạo hương thơm
Hãy giữ cho tủ lạnh luôn thơm tho suốt bốn mùa, lau chùi với baking soda hoặc giấm hàng tháng. Đối với thực phẩm nặng mùi, hải sản, thức ăn tươi sống,… nhớ bọc kỹ để tránh bám mùi. Khi phát hiện chất bẩn tràn ra, cố gắng làm sạch nhanh chóng và tìm nguồn gốc để “diệt trừ”. Việc bảo trì tủ lạnh thường xuyên như thế sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức trong tương lai.
Chẳng ai muốn tủ lạnh là nơi tập trung mùi hôi, tanh của đủ các loại thức phẩm. Vì thế, hãy chọn giải pháp đơn giản để giải quyết vấn đề này. Một vài gợi ý như: mua than hoạt tính khử mùi hôi, banking soda, trà túi lọc, hạt cafe tươi xay sẵn đều là những “chuyên gia” hấp thụ mùi cho tủ lạnh.
Bên cạnh việc khử mùi, bạn cũng đừng quên tạo hương thơm nhẹ nhàng cho tủ lạnh. Không nên lạm dụng hóa chất, cách tốt nhất là sử dụng hương liệu tự nhiên với mùi thơm tinh tế. Chẳng hạn như một chút vanilla, dầu cây trà, tinh dầu bạc hà, túi hoa oải hương khô, vỏ chanh (cam, quýt),… và thay mới sau vài tuần.
Chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết giấy nhăn (crumpled paper), loại giấy thường dùng để gói hoa, gói quà,… cũng khá hữu ích đối với tủ lạnh. Hãy bọc một quả bóng nhỏ bên trong tờ giấy nhăn rồi đặt cạnh các loại trái cây, rau củ để bảo vệ mùi.
(Theo Afamily)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.