Sự kiện cả Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng bước chân xuống ruộng ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên để cấy cùng những người nông dân, bằng máy cấy hiện đại vào ngày mùng 7 Tết vừa qua đã làm cho cộng đồng mạng xúc động một cách kinh ngạc.
Vì trong “lịch sử cầy cuốc” của Thủ đô, chưa bao giờ cả hai lãnh đạo cao nhất đồng loạt bám đồng, lội ruộng. Sự trải nghiệm của hai ông Hoàng Trung Hải và ông Nguyễn Đức Chung trong ít phút làm nông dân, liệu có đáng khâm phục đến mát lòng mát dạ đến thế?
Có lẽ đây là lần đầu tiên những người nông dân ở thủ đô được quan tâm một cách cẩn thận như vậy. Buổi đi cấy cùng nông dân Nam Triều của hai vị lãnh đạo cao nhất Thủ đô đã khiến họ có vị thế sánh ngang cùng những ngành y tế, công thương, hoặc những người dân khốn cùng ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị đã được các lãnh đạo cao nhất của Thủ đô quan tâm tới kể khi họ nhận nhiệm vụ và vị trí công tác mới.
Nhưng sự ra quân của hai lãnh đạo đối với ngành nông nghiệp ở Thủ đô vào sáng mùng 7 Tết vừa qua, có lẽ đã rầm rộ quá mức. Ruộng được cắm cờ đỏ và khẩu hiệu chào mừng phấp phới kín đặc, máy cấy cũng cắm cờ đỏ, cờ hồng. Dưới ruộng chỉ có vài người nông dân hướng dẫn 2 vị lãnh đạo sử dụng máy cấy đơn giản, nhưng trên bờ là đông đặc đội ngũ công an, dân phòng, bảo vệ, thư ký, y tế đi theo và tất nhiên chẳng thiếu đội ngũ phóng viên, nhà báo để truyền tải thông tin nóng hổi lên mặt báo.
Người nông dân nước ta vốn hồn hậu, đón những lãnh đạo về đồng làng mình như đón người thân, sao mà phải phải đề phòng dữ vậy, tại sao đội ngũ công an, dân phòng được huy động đông đến thế? Đồng ruộng của nông dân và Thủ đô không cần một sự sang trọng cầu kỳ, không cần kín đặc cờ hoa và sắc phục. Đất đai muôn đời vẫn mang vẻ mộc mạc vốn có, không cần sự mầu mè và người nông dân hiền lành chất phác, chắc chẳng ai nỡ tấn công hai vị lãnh đạo đang cấy dưới ruộng làm gì.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đang cấy lúa.
Nhưng người nông dân và ngành nông nghiệp của thủ đô, có lẽ còn cần và kỳ vọng vào hai lãnh đạo cao nhất của Hà Nội ở nhiều nhẽ khác, còn hơn cả một buổi xuống đồng chụp ảnh.
Đầu tiên, có lẽ họ mong rằng các vị lãnh đạo đừng biến những bờ xôi ruộng mật ở thủ đô, thành những khu công nghiệp chết yểu hay những khu đô thị bị bỏ hoang, bằng những dự án trên trời.
Thứ nữa, nông dân cần những tư duy trẻ, mới của hai vị lãnh đạo để ngành nông nghiệp của Thủ đô được xanh sạch hơn. Để không còn cảnh rau được tắm thuốc kích phọt, lợn, gà ăn chất cấm, cá ướp hóa chất gây ung thư, củ quả ủ chất bảo quản độc hại tuồn vào chợ. Người trồng hoa không phải lao đao với thời tiết. Có như thế mới nâng cao giá trị, ngày công của nông dân và sản phẩm nông nghiệp.
Tiếp theo, người nông dân thủ đô mong không bị biến thành thị dân ở chốn chợ người, hay chen lấn ở những khu nhà trọ để mong kiếm được một việc làm nuôi sống bản thân, họ không phải ly hương, mà được làm giầu bằng chính đất đai, cùng sức lao động và trí tuệ của mình.
Những ước mơ và mong muốn của nông dân muốn thành hiện thực, phải dựa vào những quyết sách đột phá đưa ra với cái tâm và cái tầm của người lãnh đạo. Nông dân thủ đô mong muốn những công chức cấp cao như các ông Hoàng Trung Hải, Nguyễn Đức Chung gần dân, thân dân như những gì họ đã thể hiện ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ này sẽ kéo dài suốt nhiệm kỳ.
Và tôi biết, họ còn mong ngóng hơn những chính sách cởi trói, mở khóa, để ruộng đồng và người nông dân mộc mạc được cất cánh thực sự. Chứ không phải những hình ảnh bóng bẩy, xong rồi để đấy như những gì mà nông dân đã được nếm qua mỗi khi có phong trào “lãnh đạo về làng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.