Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM ngày một giảm

Bạch Dương Thứ ba, ngày 07/07/2020 15:33 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42 sáng 7/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng giảm từ 100% còn 78%, TP.HCM giảm từ 33% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020.
Bình luận 0
Tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM ngày một giảm - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

"TP.HCM giữ vị trí đầu tàu không chỉ là tăng trưởng mà đóng góp vào ngân sách cả nước. Cụ thể, thu ngân sách của TP giai đoạn 2001 - 2010 bình quân đóng góp 26% ngân sách cả nước; giai đoạn 2011 - 2019 là khoảng 27,6%. Như vậy, tỷ trọng đóng góp ngân sách tiếp tục tăng. Đây là yếu tố chỉ rõ TP.HCM là vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, tiếp tục được giữ vững và tiếp tục được khẳng định" - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM ngày một giảm là một trong những lý do khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố so với bình quân cả nước đang giảm. Nếu giai đoạn 2001-2010 con số này bằng 1,6 lần cả nước, thì đến giai đoạn 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn nhìn nhận, mức vượt trội về tốc độ tăng trưởng so với cả nước giảm. Theo đó, giai đoạn 2001 - 2019 tốc độ tăng trưởng TP bằng 1,6 lần tốc độ tăng trưởng cả nước; giai đoan 2011 - 2019 còn 1,2 lần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là 20 năm qua, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP đầu tư phát triển ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2000 tỷ lệ ngân sách để lại TP 33% tổng thu trên địa bàn; giai đoạn 2017 - 2020 giảm còn 18%. Có lẽ TP.HCM là địa phương giảm nhiều nhất nguồn lực ngân sách trong 20 năm qua.

Tuy vậy, ông Nhân cho rằng, về chủ quan cần rà soát việc ứng dụng khoa học - công nghệ của thành phố đã hết khả năng chưa, phát huy sáng tạo của người lao động hết khả năng chưa. Nếu làm tốt hơn thì năng suất sẽ tăng nữa. Cùng với đó, liên kết vùng gần đây có nỗ lực có chuyển biến, nhưng nhìn lại chặng đường cả 5 năm còn hạn chế, chưa có đột phá. Công nghiệp và dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế thành phố, nhưng đất đai dành cho lĩnh vực này rất thấp, khoảng 10.000ha (không kể bất động sản) và chỉ chiếm 5% quỹ đất TP.HCM.

"Trong những năm qua, quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ không hề tăng", ông Nhân nói và đề nghị các đại biểu thảo luận, tính toán làm sao để thu hút các nhà đầu tư vào thành phố.

Trong những tháng cuối năm, TP.HCM phấn đấu đi đầu thực hiện nhiệm vụ kép với những nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất, thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Trong đó, thành phố sẽ kiên trì vừa khống chế đẩy lùi dịch bệnh, vừa giữ vững phát triển kinh tế - xã hội.

Chính quyền thành phố cũng sẽ rà soát, hỗ trợ cho hơn 8.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; chuẩn bị đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, UBND thành phố sẽ hoàn thành các đề án: Điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; không tổ chức HĐND quận, phường; thành lập Thành phố phía Đông; sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem