Bí thư Nhân: Nông dân đi làm thuê cho DN thu nhập không ổn định

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 03/12/2017 11:51 AM (GMT+7)
"Nếu thương nông hộ, phải đưa họ vào hợp tác xã (HTX) vì làm thuê cho doanh nghiệp có thu nhập tạm thời nhưng không ổn định. Doanh nghiệp không phải là cứu cánh của mô hình nông nghiệp của thành phố".
Bình luận 0

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ như thế tại Hội thảo Mô hình sản xuất cơ bản của nông nghiệp TP.HCM từ nay đến 2020 và các năm tiếp theo tổ chức sáng ngày 3.12.

Hội thảo này là phiên cuối cùng nhằm đánh giá thực trạng, xác định lại mô hình sản xuất cơ bản, qua đó tạo điều kiện liên kết và thúc đẩy mô hình thích hợp. 2 phiên trước đó (giữa tháng 9), ngành nông nghiệp TP.HCM đã đặt vấn đề phải nuôi trồng cây gì, con gì trong tư thế là Trung tâm giống của cả khu vực phía Nam.

img

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "bài học của thế giới muốn nông nghiệp tồn trại trong nền kinh tế thị trường thì HTX là mô hình chủ yếu vì nông hộ chứa đựng quá nhiều nhược điểm". Ảnh Nguyên Vỹ

Chia sẻ tại hội thảo lần này, lực lượng lao động của khu vực nông nghiệp sụt giảm với tốc độ nhanh chóng là nỗi ưu tư lớn nhất mà Bí thư Nhân đề cập trước tiên.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT TP.HCM; năm 2000 có 140.000 lao động nhưng đến năm 2016 chỉ còn 43.000 người, chia ra hộ sản xuất thì chỉ còn tương ứng 21.000 hộ.

Như thế, năm 2000, lao động nông nghiệp chiếm 5% lực lượng lao động thành phố, đến năm 2015 chỉ còn 1%, đóng góp GDP cũng chỉ 1%. “Vậy đến 2020 còn bao nhiêu người làm nông nghiệp nữa? Chọn lựa mô hình sản xuất nào để thích ứng, để nông dân sống được và có thu nhập cao?”, Bí thư Nguyễn Thiện NHân đặt vấn đề.

Trong 7 chương trình đột phá của thành phố không hề có chương trình nào dành cho nông nghiệp. Nhưng Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố vẫn cần nông nghiệp, còn gần 50.000 nông dân thì vẫn phải lo.

Theo Bí thư Nhân, bài học của thế giới muốn nông nghiệp tồn trại trong nền kinh tế thị trường thì HTX là mô hình chủ yếu vì nông hộ chứa đựng quá nhiều nhược điểm. Nông hộ không biết làm thị trường; sản phẩm không có thương hiệu, xuất xứ; nay trồng cây này mai nuôi con khác mà không rõ vì sao mình nuôi trồng như thế; cái khác đó có ổn định hay không cũng không biết.

"Nhược điểm thứ 3 là nông hộ không đủ điều kiện vay vốn. Đất sản xuất thì chỉ mấy ngàn thước vuông, nhà chỉ một nhúm. Nếu HTX có kế hoạch suất, tiêu thụ sẽ giúp giải quyết được khâu này", Bí Thư Nhân chỉ ra.

img

Liên kết trong HTX là mô hình sản xuất nông nghiệp tối ưu của TP.HCM trong tương lai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhược điểm thứ tư là chuyển giao tiến bộ khoa học cho hàng ngàn nông hộ là bất khả thi mà phải triển khai qua tập thể. Điển hình như công ty Lộc Trời ký hợp đồng với 20.000 nông dân, rất căng thẳng trong quản lý nhưng cũng chỉ chiếm được 1 – 2% thị trường lúa gạo miền Tây. Rõ ràng nông hộ không tương thích cho mô hình chuyển giao và vay vốn.

Cuối cùng, nông hộ không thể phòng ngừa được rủi ro trong cơ chế thị trường. Trong cơ cấu nông nghiệp thành phố, ngoài rừng phòng hộ Cần Giờ bắt buộc phải giữ lại, nông dân rất dễ bị gạt ra ngoài không gian kinh tế thành phố nếu còn đơn lẻ chống chọi với thị trường.

img

Thực thế hoạt động của các HTX tại TP.HCM chưa hiệu quả như mong đợi. Ảnh Nguyên Vỹ

“Đi làm thuê cho doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân có thể có thu nhập tạm thời nhưng không ổn định. Khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu đột ngột, nông hộ rất dễ chới với. Nhưng HTX, với tư cách pháp nhân có lợi thế đàm phán sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này”, Bí thư Nhân chia sẻ.

Xét về quy mô và doanh số, TP.HCM hiện có 1.200 doanh nghiệp, vốn bình quân 1 doanh nghiệp là 27 tỷ đồng và 12 lao động. Theo định nghĩa doanh nghiệp vừa và nhỏ (khoảng 200 lao động), Bí thư Nhân cho rằng quy mô doanh nghiệp nông nghiệp của thành phố còn quá nhỏ bé.

Tương tự, quy mô trang trại ở thành phố chỉ bình quân 1,2 ha là nhỏ so bình quân chung là 3ha. Nguồn vốn của HTX thì gấp 15 lần (bình quân 4,5 tỷ đồng) nông hộ nhưng diện tích chỉ gấp 2 – 3 lần.

Bí thư đánh giá TP.HCM không có trang trại đúng nghĩa. Bản thân cường độ vốn của HTX vẫn còn nhỏ. Con số thống kê chỉ mới là vốn chung thôi chứ vốn riêng nông dân vẫn nắm giữ.

img

Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân (thứ 3 từ phải qua) cho rằng HTX mới là mô hình nông nghiệp cứu cánh cho nông dân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Điểm lại số lượng, giai đoạn 5 năm từ 2014 – 2017, trong số 41 HTX đang hoạt động đến nay chỉ có ½ là mới ra đời và hoạt động chưa đủ đủ độ sâu.

Từ đó, Bí thư đề nghị UBND và Sở NNPTNT phải có kế hoạch, xác định rõ lộ trình cho mô hình HTX. “Nếu thương nông dân thì giúp họ tự cứu mình, tự lập và tham gia HTX. Doanh nghiệp là kênh đầu tư tốt nhưng không phải cứu cánh”, Bí thư chia sẻ

Theo Sở NNPTNT, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản sạch, từ năm 2016, TP.HCM đã mở 3 điểm chợ phiên nông sản an toàn và hoạt động ổn định. Mỗi tháng doanh thu từ các phiên chợ là 11,4 tỷ đồng; thúc đẩy mở rộng sản xuất thêm 33ha. Dự kiến năm 2018 sẽ mở rộng thêm 2 điểm chợ phiên nữa ở 2 quận Bình Tân và Tân Bình. Năm 2017, các loại rau củ quả xuất khẩu đạt 430.000 tấn, tăng hơn 30% so năm 2016.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem