Bí thư Thăng: Đừng nói bắt tay liên kết rồi mạnh ai nấy làm

Hứa Phương Thứ năm, ngày 18/08/2016 13:40 PM (GMT+7)
Ông Đinh La Thăng cho rằng các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cứ nói bắt tay nhau rồi địa phương nào thì lại nghĩ cho địa phương đó, mạnh ai nấy làm.
Bình luận 0

Sáng 18.8, tại TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam” với sự tham dự của lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Tại hội nghị, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng vùng KTTĐ phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước. Những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng cao hơn trung bình của cả nước, nhưng sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống quản lý đô thị và quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển.

img

Ông Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị

Theo ông Thăng vùng KTTĐ phía Nam chỉ phát triển được khi cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông của vùng được thông suốt. Để làm được việc đó Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các địa phương xem lại quy hoạch xây dựng phát triển để đề nghị ban hành cơ chế thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước và các hình thức đầu tư.

“Các địa phương tập trung triển khai ngay các dự án giao thông có thể làm ngay. Tôi đề nghị thành lập tổ điều phối giao thông vùng để xác định lộ trình từng công trình của vùng với phương châm huy động nguồn lực địa phương là chính. Kết nối gì thì kết nối nhưng đi từ Tây Ninh về TP.HCM mất 3,5 giờ như hiện nay thì không thể phát triển được”, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nói và đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai nghị quyết 53 và nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.

Trước đó ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị đường vành đai 3 và 4 phải được đầu tư hay sớm mở rộng QL 13 nối từ TP.HCM đi Bình Dương... Ngoài ra, ông Liêm cũng cho rằng giao thông đường thủy tại Bình Dương chưa được chú trọng, nếu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn được nâng cấp thành sông cấp 3 thì việc vận chuyển container sẽ giảm áp lực cho đường bộ.

Còn ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã giúp cải thiện kết nối phát triển Đồng Nai với địa phương khác trong vùng.Ông Thái kiến nghị sớm triển khai sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành và tuyến đường sắt đô thị số 1 nếu được nên đầu tư xuống ngã 3 Vũng Tàu vì nhu cầu đi lại rất lớn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng, nhiều công trình được hoàn thành mang tính chất kết nối trong vùng thúc đẩy kinh tế phát triển như cao tốc TP.HCM- Long Thành, cao tốc TP.HCM- Trung Lương và việc đầu tư cảng Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên hiện nay việc triển khai vẫn đang còn chậm trong công tác huy động nguồn lực như các tuyến vành 3 và 4 do vậy việc liên kết giao thông trong vùng còn khó khăn và chi phí vận tải tăng lên. Đây là vùng rất quan trọng chiếm 55 đến 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem