Nhiều cuộc gọi “đòi” đối thoại với Bí thư Thăng

Hứa Phương Thứ tư, ngày 06/07/2016 16:05 PM (GMT+7)
Theo lãnh đạo văn phòng UBND TP.HCM, do nhận thức đường dây nóng (ĐDN) là của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Bí thư trực tiếp trả lời nên số cuộc gọi đến, cũng như yêu cầu gặp, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo rất lớn.
Bình luận 0

img

Nhiều người dân gọi qua ĐDN “đòi” gặp Bí thư Thăng để đối thoại trực tiếp.

Chiều 6.7, văn phòng UBND TP.HCM đã tổ chức sơ kết 3 tháng sau khi tiếp nhận ĐDN.

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND thành phố cho biết, đến dự buổi sơ kết chỉ có đại diện sở Thông tin và Truyền thông cùng 24 quận huyện; còn các sở ngành khác đều vắng mặt.

Từ con số này, chánh văn phòng UBND TP.HCM nhận định: “Cuộc họp sơ kết rất quan trọng nhưng nhiều sở ngành, quận huyện chưa quan tâm đúng mức. Đây là điều không thể chấp nhận được”.

Theo báo cáo của văn phòng UBND TP.HCM, đường dây nóng số 08.88247.247 ban đầu do Thành ủy lập và duy trì hoạt động trong vòng trong 1 tháng, sau đó chuyển giao cho UBND thành phố tiếp nhận từ ngày 25.3. Trong vòng 3 tháng, tổng số tin phản ánh là hơn 13.320 tin, trong đó được phân chia từ cấp độ 1 đến cấp độ 5.

Lãnh đạo văn phòng UBND thành phố cho biết, từ nhận thức ĐDN là của Bí thư Thành ủy, do Bí thư Thành ủy trực tiếp trả lời nên số lượng các cuộc gọi, cũng như yêu cầu gặp đối thoại trực tiếp lãnh đạo rất lớn. Nội dung phản ánh của người dân chủ yếu tập trung vào những vấn đề phát sinh trong sinh hoạt đời sống cộng đồng tại khu dân cư, như lấn chiếm lòng đường, xây dựng nhà trái phép, sai phép, kinh doanh gây tiếng ồn, sản xuất gây ô nhiễm…

Về công tác xử lý, Ban tiếp công dân đã chuyển xử lý 4.980 tin cấp độ 1-2 đến chủ tịch UBND các quận  -  huyện, thủ trưởng các sở ngành. Điện thoại viên hướng dẫn 350 lượt người dân viết đơn trình bày nội dung cần gặp trực tiếp Lãnh đạo gửi về Văn phòng Thành ủy hoặc Văn phòng UBND thành phố để xem xét, đề xuất. Ngoài ra phòng tổng hợp kế hoạch - văn phòng UBND thành phố tiếp nhận 230 hiến kế có giá trị.

img

Đã số nội dung phản ánh của người dân TP.HCM qua ĐDN là đề phát sinh trong sinh hoạt đời sống cộng đồng tại khu dân cư, dân sinh.

Tại hội nghị, đại diện các quận huyện phản ánh phần mềm xử lý thông tin ĐDN chưa hoàn thiện, còn xảy ra lỗi kỹ thuật trong thao tác xử lý. Việc cập nhật kết quả xử lý thông tin chưa thể thống kê phân biệt rõ đâu là nội dung kết quả phản hồi thông tin (sau khi xử lý) với việc chỉ đạo xử lý thông tin ở cấp cơ sở (nội dung chỉ đạo giao việc ở cơ sở).

Bên cạnh đó, thông tin dành cho đội ngũ điện thoại viên còn thiếu nên việc hướng dẫn đôi khi chưa rõ ràng, việc phân cấp độ chưa chuẩn xác. Việc phản hồi thông tin tại các sở ngành, quận - huyện còn chậm, chưa kịp thời. Nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác xử lý, phản hồi thông tin qua ĐDN.

Trước phản ánh của đại diện quận huyện, Phó giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường cho biết, thời gian tới tiếp tục tập huấn nâng cao kỹ năng cho điện thoại viên nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận, phân cấp, hướng dẫn thông tin phản ánh của người dân cũng hoàn chỉnh phần mềm xử lý đường dây nóng bảo đảm công tác cập nhật xử lý, không xảy ra lỗi phần mềm trong quá trình sử dụng…

Kết thúc buổi làm việc, ông Võ Văn Hoan cho rằng, việc triển khai ĐDN có ý nghĩa là cầu nối giữa lãnh đạo thành phố và người dân. Qua thời gian triển khai thì rất nhiều cuộc gọi đã gọi đến, trong đó có nhiều cuộc gọi, tin nhắn với mong muốn xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Qua kênh này có nhiều thông tin, bức xúc của người dân đã được lãnh đạo quận huyện và lãnh đạo của thành phố đã kịp thời xử lý. Từ kết quả đó cho thấy việc triển khai ĐDN có ý nghĩa chính trị rất lớn nên thành phố phải làm và giải quyết nhanh, càng nhanh càng tốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem