Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái: Báo chí giúp nồi cơm của nông dân trồng vải ngon hơn

Anh Thơ Thứ hai, ngày 21/06/2021 13:24 PM (GMT+7)
Đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc truyền thông, quảng bá hình ảnh quả vải thiều của Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang khẳng định: Báo chí đã góp phần giúp nồi cơm của nông dân trồng vải đầy hơn và ngon hơn, giúp trái vải đi xa đến 32 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bình luận 0

Cũng phải khẳng định, trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang dành nhiều sự quan tâm cho công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh quả vải thiều và các loại nông sản chủ lực của tỉnh. 

Hàng năm, vào trước mỗi mùa thu hoạch vải, tỉnh Bắc Giang lại tổ chức họp báo mời đại diện của hầu khắp các cơ quan báo chí trong cả nước đến truyền thông rộng rãi về sản lượng, chất lượng, kế hoạch tiêu thụ vải. 

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái: Báo chí giúp nồi cơm nông dân trồng vải ngon hơn - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định, nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí, nồi cơm của nông dân trồng vải Bắc Giang ngon hơn, đầy hơn. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Tỉnh còn tổ chức ngày hội vải, Festival vải, tổ chức các đoàn phóng viên báo chí, văn nghệ sĩ đi thực tế, nắm tình hình tại vùng vải. 

Trong 3 năm, 2017, 2018, 2019, Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở Quảng Tây, Vân Nam, thị trấn Bằng Tường để giới thiệu quả vải cho các doanh nhân Trung Quốc, phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin về chất lượng quả vải Bắc Giang cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sau khi kết thúc mùa vải, đã từ mấy năm nay, lãnh đạo tỉnh bao giờ cũng có thư riêng gửi lời cảm ơn các cơ quan truyền thông đại chúng, các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần vào chiến dịch tiêu thụ vải của tỉnh.

Vụ thu hoạch vải thiều năm 2021, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang quảng bá hình ảnh vải thiều, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều.

Cũng lần đầu tiên, tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu", cái họ cần là những bàn tay kết nối, đưa vải thiều đi xa hơn. 

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái: Báo chí giúp nồi cơm nông dân trồng vải ngon hơn - Ảnh 2.

Dù tác động của dịch Covid-19, vải thiều Bắc Giang vẫn được tiêu thụ thuận lợi. Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chuẩn bị thu hoạch vải thiều. (Ảnh: N.Chương).

"Chúng tôi không dùng từ giải cứu không có nghĩa là không muốn mọi người mua bán vải, ngược lại, chúng tôi luôn trân trọng những tấm lòng ủng hộ tiêu thụ vải và nông sản của Bắc Giang. Điều chúng tôi muốn hướng tới là dù trong hoàn cảnh nào thì giá trị của nông sản cũng phải được nâng niu, đó cũng là cách tôn trọng sản phẩm bà con nông dân làm ra, tôn trọng công sức của họ" - ông Dương Văn Thái khẳng định.

Ông Dương Văn Thái cho biết, tỉnh Bắc Giang luôn ủng hộ mọi hình thức hỗ trợ người dân tiêu thụ vải, nhưng không phải theo cách bán đổ bán tháo trên vỉa hè dưới cái mác giải cứu mà muốn đặc sản của Bắc Giang đến tay người tiêu dùng một cách trọn vẹn, tươi ngon, đàng hoàng nhất. 

"Thật mừng là gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã thấy một số nhóm thiện nguyện đã bắt đầu không dùng cụm từ "giải cứu" khi tiêu thụ vải Bắc Giang" - ông Thái nói.

"Sự nỗ lực của nông dân, nỗ lực của cơ quan Nhà nước các cấp, sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông đã giúp cho quả vải bay cao, bay xa hơn, giúp cho nồi cơm của nông dân Bắc Giang đầy hơn, ngon hơn sau mỗi vụ vải" - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái: Báo chí giúp nồi cơm nông dân trồng vải ngon hơn - Ảnh 3.

Cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Giang yêu cầu lái xe gỡ biển có từ "giải cứu" hàng nông sản tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Với diện tích lớn, chiếm đến 55% diện tích cây ăn quả của tỉnh, không chỉ được trồng ở Lục Ngạn, cây vải đã leo lên những vùng đồi của Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế. Đặc biệt, vải thiều Bắc Giang nổi tiếng thơm ngon: quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày.

Trước kia vải là cây xóa đói giảm nghèo, giờ tỉnh Bắc Giang xác định đó là cây làm giàu. Trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, cây vải có giá trị rất lớn, chiếm tỷ trọng cao. 

Riêng năm 2020, dù tác động của dịch Covid-19, Bắc Giang cũng có một vụ vải thắng lợi, doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ vải lên đến 7.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

"Cây vải có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người nông dân nên chúng tôi không chỉ làm thương hiệu phần ngọn mà chỉ đạo một cách căn cơ, bài bản từ khâu sản xuất. 5 năm trở lại đây, nhờ áp dụng khoa học công nghệ nên 100% sản phẩm vải không có tình trạng sâu cuống. Phải nói đây là một chuyển biến lớn trong ứng dụng khoa học công nghệ.

Chúng tôi cũng triển khai thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, đóng gói bao bì, nhãn mác, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn.

Trước kia vải chỉ đóng trong thùng xốp, cuống dài cuống ngắn, tình trạng trừ lùi cân khá nhiều nhưng giờ chúng tôi hướng tới sự chuẩn hóa, đóng hộp cắt cuống rất đẹp, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước" - ông Thái thông tin thêm.

Nhờ làm đồng bộ, bài bản cộng với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông nên trong 5 năm trở lại đây, việc tiêu thụ nông sản của Bắc Giang rất thuận lợi. 

Hiện, diện tích vải của Bắc Giang lớn nhất cả nước, đàn gà, đàn lợn đứng thứ 4 cả nước. Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, lợn sạch Tân Yên, mỳ Chũ, na dai Lục Nam, bánh đa Kế,… là những thương hiệu nông sản nổi tiếng mà người Bắc Giang rất đỗi tự hào.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem