Bí thư Tỉnh uỷ kể chuyện tiến sĩ ở Sài Gòn muốn về Bình Định làm việc, không biết nộp hồ sơ ở đâu?

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 12/07/2023 20:47 PM (GMT+7)
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định kể câu chuyện 'một tiến sĩ ở Sài Gòn muốn về Bình Định làm việc theo diện thu hút nhân lực, gọi điện cho ông hỏi địa chỉ nộp hồ sơ nhưng ông không biết chỉ chỗ nào', để nói đến tình trạng nghị quyết ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống.
Bình luận 0

Nuôi gà trên rừng cần chuồng trại, nhưng xây chuồng trại trên rừng lại phạm luật

Chiều 12/7, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, chính thức bước vào phiên thảo luận tổ đầu tiên.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Huyện uỷ Phù Mỹ cho biết, qua thảo luận tổ, có nhiều ý kiến đề nghị cần có giải pháp thực hiện hiệu quả 2 nghị quyết lớn, là chính sách nuôi gà thả đồi và thu hút nguồn nhân lực.

Theo ông Dũng, qua một năm thực hiện chính sách nuôi gà thả đồi, thì có 2 địa phương là Hoài Ân, Tây Sơn tham gia. 

Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân là do triển khai nghị quyết vào thời điểm thức ăn tăng cao, giá gia cầm 'cầm chừng', đã gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nghị quyết. 

"Khó khăn nhất là nuôi gà thả đồi thì phải nuôi trên rừng và cần xây dựng chuồng trại, nhưng xây dựng chuồng trại trên rừng thì vi phạm pháp luật, nên gây vướng mắc trong việc thực hiện chính sách. Vì vậy, cần xem xét chỉ đạo thực hiện nghị quyết này, phù hợp với tình hình thực tế", ông Dũng đề nghị.

Bí thư Tỉnh uỷ kể chuyện tiến sĩ ở Sài Gòn muốn về Bình Định làm việc, không biết nộp hồ sơ ở đâu? - Ảnh 1.

Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Về chính sách thu hút nguồn nhân lực, Bí thư Huyện uỷ Phù Mỹ cho biết, qua thảo luận tổ, chính sách này tương đối tốt nhưng để thực hiện phải có giải pháp cụ thể. 

Phải tuyên truyền đúng đối tượng cần thu hút vì khi ban hành ra, việc tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến việc thu hút nguồn nhân lực chưa được tốt.

"Khi thu hút nguồn nhân lực thì ảnh hưởng đến biên chế, nghịch lý là đơn vị có nhu cầu thu hút nhưng biên chế lại không có. Ngoài ra, việc thu hút phải thông qua thi tuyển, gây nên vướng mắc rất nhiều trong thu hút nguồn nhân lực cho địa phương", ông Dũng cho hay. 

Nghị quyết không đi vào cuộc sống là do không chặt chẽ

Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rằng, về những ý kiến của các đại biểu liên quan đến chính sách thu hút nguồn nhân lực, ông xin tiếp thu và sẽ có câu trả lời, tại buổi chất vấn tới đây. 

"Cái này rất cần thiết cho tỉnh trong thời gian tới", ông Tuấn nói.

Bí thư Tỉnh uỷ kể chuyện tiến sĩ ở Sài Gòn muốn về Bình Định làm việc, không biết nộp hồ sơ ở đâu? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư huyện uỷ Tuy Phước, Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, hiện nay có chính sách ban hành ra, nhưng cuối cùng không thực hiện được hoặc hiệu quả rất thấp. 

Điều này, chứng tỏ việc thảo luận thông qua nghị quyết chưa chặt chẽ nên cần hết sức lưu ý.

"Chính sách thu hút nguồn nhân lực, bây giờ vẫn không biết ai chủ trì. Có trường hợp là tiến sĩ, học hành ngon lành ở Sài Gòn gọi cho tôi, muốn về Bình Định làm việc, hỏi Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nộp hồ sơ ở đâu, nhưng tôi cũng không biết chỉ chỗ nào", ông Hồ Quốc Dũng nói và cho biết, đấy chỉ là một ví dụ, còn rất nhiều nghị quyết không đi vào cuộc sống được, là do thực hiện không chặt chẽ. 

"Đã ban hành nghị quyết ra thì trên thực tế có thực hiện được hay không, nếu không thì đừng ban hành. Các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, thẩm định, các đại biểu HĐND phải cùng nghiên cứu tham gia và có ý kiến. Chủ toạ và các đồng chí UBND tỉnh sẵn sàng tiếp thu những ý kiến xác đáng, để có điều chỉnh nghị quyết kịp thời, phù hợp đi vào cuộc sống", ông Dũng đề nghị.

Bí thư Tỉnh uỷ kể chuyện tiến sĩ ở Sài Gòn muốn về Bình Định làm việc, không biết nộp hồ sơ ở đâu? - Ảnh 3.

Ông Đặng Mạnh Cường - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Chính sách không lỏng lẻo nhưng... khi thực hiện lại gặp khó

Ngày 8/8/2022, UBND tỉnh Bình Định Ban hành Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 – 2025.

Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo, huấn luyện viên… được thu hút về công tác tại Bình Định, sẽ được hỗ trợ từ 150 - 400 triệu đồng và hỗ trợ mua đất hoặc nhà từ 200 - 400 triệu đồng.

Kèm theo các chế độ ưu tiên, tỉnh Bình Định ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, hình thức tuyển dụng, xử lý vi phạm đối với người thuộc diện được thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

UBND tỉnh Bình Định cũng giao nhiệm vụ và quyền hạn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bí thư Tỉnh uỷ kể chuyện tiến sĩ ở Sài Gòn muốn về Bình Định làm việc, không biết nộp hồ sơ ở đâu? - Ảnh 4.

Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Trao đổi riêng với Dân Việt, một Giám đốc Sở tại Bình Định cho biết, trước đây Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chính sách, còn việc thực hiện trách nhiệm chính là Sở Nội vụ. 

Chính sách này không lỏng lẻo nhưng việc thực hiện lại đang gặp khó. 

Vì đối tượng là người trình độ cao, họ rất ít có nhu cầu về cơ quan hành chính nhà nước, mà chủ yếu về viện nghiên cứu, trung tâm khoa học lớn, mà ở Bình Định lại không có. 

"Chính sách chỉ là cái khung, còn chi tiết từng đối tượng thu hút, thì phải có sự tham gia ý kiến của rất nhiều Sở, nhưng việc phối hợp này thời gian qua, chưa được chu đáo", vị này nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem