Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn: Phát triển Cao Bằng từ công thức 8-3-3

Ngọc Lương - Trần Quang Thứ hai, ngày 24/12/2018 07:00 AM (GMT+7)
"Để Cao Bằng phát triển cần đi lên theo công thức 8-3-3, nghĩa là phát huy 8 lợi thế, tháo gỡ 3 điểm nghẽn và tập trung 3 đột phá chiến lược", ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn (ảnh T. L).

Nhân dịp tròn 1 năm (26.12.2017 - 26.12.2018) ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được Bộ Chính trị phân công, điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, phóng viên Dân Việt/NTNN có cuộc trò chuyện với ông.

Điều đúc rút từ thực tế

Thưa ông, sau một năm làm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông có ấn tượng gì về con người, mảnh đất này, cũng như ấn tượng về đóng góp của cá nhân ông?

- Từ lúc còn công tác ở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôi đã lên Cao Bằng nhiều lần, đã tìm hiểu về con người, mảnh đất nơi đây. Chính vì thế khi nhận công tác làm Bí thư Tỉnh ủy, tôi bắt tay ngay vào công việc. Tháng đầu tiên tôi đã thăm và làm việc với 13/13 huyện, thành phố, trong đó có huyện xa xôi nhất là Bảo Lâm (bằng thời gian từ Cao Bằng về Hà Nội) sau đó làm việc với các sở, ngành.

Việc đi nhiều như vậy để tìm hiểu, động viên, nắm tình hình khó khăn rồi tháo gỡ và định hướng cho phát triển của từng địa phương. Sau một tháng đầu tiên đó, tôi tổng kết một điều: “Ai về Cao Bằng công tác đều yêu mến con người và mảnh đất nơi đây”.

Từ việc đi thực tế, chúng tôi rút ra một điều quan trọng nữa, đó là để Cao Bằng phát triển cần đi lên theo công thức 8-3-3, nghĩa là phát huy 8 lợi thế, tháo gỡ 3 điểm nghẽn và tập trung 3 đột phá chiến lược.

8 lợi thế: Thứ nhất, Cao Bằng là quê hương giàu truyền thống cách mạng; Thứ hai, con người Cao Bằng giàu lòng yêu nước, trung thành, trung kiên với Đảng, đoàn kết, thông minh, sáng tạo. Thứ ba, Cao Bằng có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa và tinh thần. Thứ tư, Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả nước, công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, có nhiều di tích lịch sử: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi vinh dự thay mặt cả nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước trở về lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay), Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An;

Thứ năm, Cao Bằng là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn (hơn 6.700 km2) với độ che phủ rừng trên 52%; Thứ sáu, so với các tỉnh thành phố trên cả nước, Cao Bằng có dân số ít, hơn nửa triệu người, vì vậy dễ chăm lo, quản lý, dễ đạt tăng trưởng về kinh tế/đầu người. Thứ bảy, có đường biên giới trên bộ dài trên 333 km tiếp giáp với thị trường lớn nhất thế giới là nước bạn Trung Quốc với nhiều cặp cửa khẩu phục vụ xuất, nhập khẩu (giá trị hàng hóa qua cửa khẩu dự kiến năm 2018 gần 2,8 tỷ USD); Thứ tám, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và nguồn tài nguyên phong phú để đưa Cao Bằng phát triển nhanh, bền vững.

img

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng và Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn tại buổi trao máy nông nghiệp cho đồng bào khó khăn của tỉnh Cao Bằng (ảnh Trần Quang).

Được biết, Cao Bằng là địa phương thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn để hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, ông có thể chia sẻ những thành quả đạt được khi thực hiện chủ trương này?

- Chúng tôi đã xác định con người là yếu tố quyết định đến mọi vấn đề nên tỉnh đã tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị hướng đến mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tỉnh đã xây dựng 04 đề án thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Dự kiến sau sắp xếp, kiện toàn, tỉnh sẽ giảm 7 đầu mối cấp tỉnh (gồm 1 Đảng bộ và 6 sở, ngành, thực hiện trong năm 2019); giảm 169 đầu mối bên trong các phòng, ban, chuyên môn và tương đương thuộc cấp sở, ngành cấp tỉnh (dự kiến hoàn thành trong năm 2018); giảm 166 đơn vị sự nghiệp công lập.

Riêng về vị trí lãnh đạo, tỉnh sẽ giảm được 8 cấp trưởng và 13 cấp phó sở, ngành, huyện thuộc tỉnh; giảm 244 cấp trưởng, cấp phó các phòng, ban chuyên môn và 498 cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập. Về biên chế công chức, viên chức tỉnh đặt mục tiêu giảm ít nhất 10% trong giai đoạn từ 2019 - 2021, nhờ đó sẽ giảm kinh phí chi thường xuyên khoảng 50 tỷ đồng (trung bình mỗi năm giảm được khoảng 16,3 tỷ đồng).

Về đơn vị hành chính của tỉnh, sau sắp xếp chỉ còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 03 huyện); cấp xã còn 161 xã (giảm 38 xã)...

Tập trung đột phá vào 3 thế mạnh

Mới đây, khi lên thăm và làm việc với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh về 3 hướng đi chính cho tỉnh, đó là: Dịch vụ du lịch; nông nghiệp, lâm nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu. Tỉnh đã làm gì để phát huy hướng đi này, thưa ông?

- Như tôi đã nói công thức 8-3-3, ngoài 8 lợi thế như đã nêu ở trên, chúng tôi xác định tháo gỡ 3 điểm nghẽn, đó là: Thứ nhất, điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, biên mậu, du lịch đặc biệt hạ tầng giao thông. Cao Bằng là tỉnh duy nhất chỉ có đường bộ là kết nối giao thông duy nhất đến các địa phương khác và thị trường lớn Trung Quốc. Xa sân bay, xa cảng biển, thiếu một con đường cao tốc chiến lược kết nối với các hành lang kinh tế. Thứ hai, điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Cao Bằng đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lao động qua đào tạo và cả lao động phổ thông do quy mô dân số thấp. Thứ ba, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, sở, ngành với các địa phương trong tỉnh.

img

Hang Cốc Bó di tích quốc gia đặc biệt, nơi Bác Hồ sống và hoạt động cách mạng (ảnh IT)

Tỉnh Cao Bằng đã xác định trong thời gian tới sẽ tập trung đột phá vào 3 thế mạnh đó là: dịch vụ du lịch; nông- lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế biên mậu, coi phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng, là thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam, trong đó, du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, địa hình được khai thác trên sự tương tác bền vững với những yếu tố độc đáo của Cao Bằng; gắn du lịch với đặc sản và ẩm thực độc đáo của địa phương.

Tỉnh sẽ thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh. Phát triển du lịch bền vững gắn với tuyên truyền, quảng bá Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận để du khách trong, ngoài nước biết tới và chiêm ngưỡng di sản đặc biệt này.

Về đột phá trong nông nghiệp, trong thời gian tới, Cao Bằng sẽ tập trung khai thác thế mạnh của các loại cây ăn quả, giống lúa quý, đặc sản của địa phương và các loại cây dược liệu.

img

Hạt dẻ một đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng

Về phát triển nông lâm nghiệp chế biến xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, Cao Bằng có nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, vật nuôi đặc hữu riêng biệt, với nguồn gen phong phú.

Đặc biệt Cao Bằng sở hữu 24 loại đặc sản nổi tiếng như: Lúa nếp hương Xuân Trường, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, thạch đen, bí xanh vùng Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông; chè Phja Oắc, Phja Đén, mận Bảo Lạc, quýt Trà Lĩnh, lê Đông Khê, bưởi Phục Hòa, hạt dẻ Trùng Khánh…

Đây là lợi thế lớn nhất của Cao Bằng mà các tỉnh khác không có được nên trong các năm tới, Cao Bằng định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên ba trụ cột gồm: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và liên kết chuỗi giá trị, liên kết cụm ngành.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng vào việc trồng rừng và phát triển các nghề dưới rừng, trong đó chú trọng chế biến gỗ xuất khẩu. Cao Bằng phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp tầm cỡ về chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất các mặt hàng đồ gỗ gia dụng phục vụ xuất khẩu.

Đột phá thứ 3 mà tỉnh sẽ tập trung triển khai làm là phát triển kinh tế cửa khẩu; nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, liên vùng kết nối với cửa khẩu; phát triển dịch vụ hậu cần, logistic khu kinh tế cửa khẩu; nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính ngạch; áp dụng các biện pháp giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

img

Thác Bản Giốc một thắng cảnh kỳ vĩ nằm ở huyện Trùng Khánh Cao Bằng (ảnh IT)

img

Cách khu vực thác Bản Giốc 3km là động Ngườm Ngao rất hấp dẫn du khách

Được biết, Cao Bằng là một trong những tỉnh gặp khó khăn nhất về xây dựng nông thôn mới (NTM) khi số xã được công nhận đạt chuẩn NTM chưa nhiều. Theo ông, đâu là nguyên nhân và tới đây ông, cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ đề ra những chủ trương nào để đẩy mạnh xây dựng NTM tại đây?

- Cao Bằng đang tập trung xây dựng NTM, nhưng cần phải thấy xây dựng NTM ở miền núi khác với đồng bằng, khác với miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng NTM ở miền núi đầu tư rất tốn kém. Vấn đề cõi lõi mà chúng tôi thực hiện khi xây dựng NTM đó là tập trung làm thay đổi nhận thức, tư tưởng trông chờ, ỷ lại "chịu khổ hơn chịu khó", giúp bà con sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tính đến hết năm 2018, Cao Bằng có thêm 5 xã về đích NTM đưa tổng số xã toàn tỉnh đạt chuẩn NTM lên 15 xã . Phương pháp chúng tôi tập trung là xây dựng NTM không để nợ đọng, làm đến đâu chắc đến đó. Theo kế hoạch, tỉnh dự kiến đăng ký mỗi năm đưa ít nhất 5 xã về đích NTM.

Chúng tôi tâp trung sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vừa qua Tỉnh ủy đã họp các khối đoàn thể để giao nhiệm vụ Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân mỗi đơn vị trách nhiệm cụ thể, mỗi đơn vị có 1-2 nhiệm vụ đột phá cho NTM, chứ không làm kiểu “dàn hàng  ngang”.

Xin cảm ơn ông(!). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem