Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình: Nhiều tiêu chí không phải có tiền là làm được

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 17/07/2018 06:30 AM (GMT+7)
“Người dân đã đóng góp vào xây dựng nông thôn mới (NTM) là 8,1 nghìn tỷ đồng/33 nghìn tỷ đồng, nghĩa là tới ¼ số kinh phí, bên cạnh đó, người dân còn hiến hơn 10 nghìn ha đất, tuy nhiên ở Ninh Bình không có đơn thư khiếu kiện nào về việc huy động đóng góp quá sức dân trong xây dựng NTM”, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh nói như vậy khi trao đổi với PV Dân Việt.
Bình luận 0

img

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh (nbtv).

Tại Hội nghị đánh giá về kết quả thực hiện kết luận số 120 –KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (tổ chức ngày 16.7), bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã có báo cáo chuyên đề khá đặc sắc khi nói về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Ninh Bình. PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình để rõ hơn vấn đề này.

Thưa bà, tại sao Ninh Bình lại chọn cách thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng NTM?

- Đối với Chương trình quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình nhận thức rất sâu sắc về vai trò, chủ thể của người nông dân. Bởi có nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM không phải có tiền là làm được mà phải bằng sự nỗ lực từ nhận thức đến hành động của người dân, của đội ngũ cán bộ từ tỉnh xuống cơ sở. Chúng tôi rất quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân về vai trò của người dân trong xây dựng NTM.

Chúng tôi cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” bằng cách tiếp tục bổ sung vào quy ước, hương ước của làng xã, coi đó như là bộ luật của thôn để dễ cho việc bàn bạc và quyết định.

Trong xây dựng NTM có nhiều chỉ tiêu nhưng quan trọng nhất là nâng cao mức sống người dân, vì thế chúng tôi rất quan tâm đến phương thức sản xuất, đến việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi và coi trọng việc bàn bạc với dân về phương thức sản xuất.

img

Hoa được trồng bên đường của xã Khánh Thành, Yên  Khánh, Ninh Bình (ảnh nbtv)

Trong xây dựng NTM, tỉnh đã chọn vấn đề gì để làm thay đổi căn bản cách thức sản xuất của người dân thưa bà?

- Đối với nông dân vấn đề rất quan trọng là đất đai, chúng tôi đã dồn điền đổi thửa, với dồn điền đổi thừa lần 1 là gọn thửa, từ 4,4 thửa giờ còn bình quân 2 thửa/hộ. Dù 2 thửa/hộ nhưng chúng tôi thấy vẫn chưa đạt được mục tiêu sản xuất hàng hóa, sản xuất lớn theo chuỗi tạo thành những vùng chuyên canh, do đó tiếp tục triển khai dồn điền đổi thửa lần 2, tức là không phải gọn thửa nữa mà là gọn vùng để phù hợp với khả năng thâm canh của người dân.

Bởi vì không phải nông dân nào cũng có thể tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách có hiệu quả mà còn phụ thuộc vào khả năng lao động, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật và các yếu tố khác.

Chính vì thế chúng tôi thực hiện dồn điền đổi thửa lần 2 theo hướng: Hộ nông dân nào trình độ thâm canh trồng lúa tốt và muốn trồng lúa thì sẽ được đổi thửa đất ở diện trồng màu về phần đất trồng lúa; ai có khả năng thâm canh trồng rau, củ, quả thì được chuyển về vùng đất trồng rau, củ, quả; nông dân nào muốn thực hiện mô hình lúa –cá thì được chuyển xuống vùng trũng. Chuyển đổi như vậy mới tạo thành vùng sản xuất, mới sản xuất theo chuỗi, thuận lợi cho doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm, có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật…

Còn như sản xuất theo kiểu “xôi đỗ” mỗi nhà 2 -3 mảnh đất, mảnh trồng rau, mảnh trồng lúa thì chính người nông dân cũng không thể chuyên tâm đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng của mình được. Có thể nói việc này đang được tỉnh chúng tôi thực hiện rất tốt và đã có kết quả ở nhiều địa phương như huyện Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan, Hoa Lư, Gia Viễn.

Tỉnh Ninh Bình có 119 xã, năm 2017 có 80 đạt NTM và năm nay thêm 10 xã là thành 90 xã. Chúng tôi đang bước tiếp nhịp 2 trong xây dựng NTM bằng cách nâng tiêu chí của xây dựng NTM lên thành NTM tiên tiến và kiểu mẫu. Hiện nay đã có 79 thôn được chọn để xây dựng NTM kiểu mẫu.

Không chỉ trong xây dựng NTM mà nhiều việc khác, người dân rất muốn trông thấy, nhìn thấy, cái gì là hiện thực thì họ sẽ theo, còn nói thì khó. Chính vì thế phải làm mô hình điểm, rồi cho bà con đi học tập tạo sự thi đua với nhau.

Trong xây dựng NTM, một vấn đề bất cập nổi cộm với không ít địa phương là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Ninh Bình có vướng vào tình trạng này không thưa bà?

- Chúng tôi có Nghị quyết của UBND tỉnh trên cơ sở hiện thực hóa Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng NTM, đó là tiêu chí không được để nợ đọng trong xây dựng NTM. Hiện nay huyện Hoa Lư là huyện NTM đầu tiên của Ninh Bình và họ không có nợ đọng về NTM.

Còn ở đơn vị khác có thể có nợ nhưng ở dạng là kiểm soát được thanh khoản, nghĩa là thời điểm này còn nợ nhưng đều dự kiến được nguồn để trả nợ trong tương lai. Có thể nói, nợ trong xây dựng NTM ở Ninh Bình chúng tôi cơ bản kiểm soát được và khẳng định là làm tốt.

Để huy động sức dân trong xây dựng NTM hiệu quả điều quan trọng là phải làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhưng việc huy động sức dân cũng dễ dẫn tới việc mất dân chủ, địa phương có mắc phải vấn đề này không thưa bà?

- Người đã đóng góp vào xây dựng nông thôn mới (NTM) là 8,1 nghìn tỷ đồng/33 nghìn tỷ đồng, nghĩa là tới ¼ số kinh phí, bên cạnh đó người dân còn hiến hơn 10 nghìn ha đất, tuy nhiên ở Ninh Bình không có đơn thư khiếu kiện nào về việc huy động đóng góp quá sức dân trong xây dựng NTM.

Trong thực tế khi làm người dân còn có những sáng kiến. Ví dụ làm tuyến đường vào ngõ xóm liên quan đến đóng góp của dân (làm đường liên xã là Nhà nước làm), tỉnh chỉ hỗ trợ xi măng, trong ngõ đó có những gia đình là hộ nghèo, hộ chính sách, ở vào trường hợp đó có những hộ kinh tế khá đã nhận đóng bù, đóng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách.

Thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở, thông qua những việc làm như vậy đã giúp cho tình làng nghĩa xóm càng bền chặt. Chính vì thế chúng tôi không có chuyện bức xúc, chuyện kêu ca, khiếu kiện về việc huy động đóng góp xây dựng NTM.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình: Bên cạnh thực hiện có chất lượng 19 tiêu chí xây dựng NTM do Trung ương quy định, Ninh Bình đã quy định thêm tiêu chí số 20 “ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân” để xem xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trước khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã phát phiếu lấy ý kiến các hộ dân xem xã đã đủ điều kiện công nhận nông thôn mới hay không; và chỉ khi được từ 90% số phiếu nhất trí trở lên mới đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Xin cảm ơn bà (!)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem