Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đối thoại với ngư dân ven biển, nhiều ý kiến tâm huyết
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đối thoại với ngư dân ven biển
Công Hoàng
Thứ tư, ngày 06/11/2024 11:20 AM (GMT+7)
Những nội dung đáng chú ý mà ngư dân gửi gắm, kiến nghị tại buổi gặp gỡ và đối thoại với người đứng đầu Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh Quảng Ngãi, liên quan đến thiết bị giám sát hành trình; cơ chế chính sách và kinh phí hỗ trợ khi gặp nạn trên biển; luồng lạch ra, vào và nơi neo đậu bị bồi lấp…
Sáng 6/11, đại diện Tỉnh uỷ Quảng Ngãi xác nhận với PV Dân Việt, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với ngư dân Quảng Ngãi vào chiều hôm qua 5/11.
Tại buổi gặp gỡ này, những nội dung đáng chú ý mà ngư dân kiến nghị với người đứng đầu Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến thiết bị giám sát hành trình; cơ chế chính sách và kinh phí hỗ trợ khi gặp nạn trên biển; luồng lạch ra, vào và nơi neo đậu bị bồi lấp…
Cụ thể nhiều ngư dân phản ánh, theo quy định của Nhà nước, khi đánh bắt xa bờ, mỗi tàu cá phải có 1 thiết bị giám sát hành trình và 1 máy nhắn tin HF (VX1700) để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên thiết bị máy nhắn tin thường xuyên bị lỗi (mất kết nối) trong quá trình hoạt động, dẫn đến nhiều tàu thuyền không đủ điều kiện, để làm hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu theo quy định.
Trong khi thực tế trên hệ thống giám sát hành trình VMS (của tàu thuyền khi hoạt động trên biển), vẫn đảm bảo chấp hành tốt, không có vi phạm.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tại bổi đối thoại với ngư dân các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh.Ảnh: CH
Vì vậy không ít trường hợp tàu thuyền, chủ phương tiện phải chi thêm hàng chục triệu đồng, mua và lắp đặt thêm 1 máy. "Mong các cấp lãnh đạo cho bà con dùng máy giám sát hành trình, còn máy nhắn tin đã cũ rồi, không hoạt động được", ngư dân Nguyễn Sáu, phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ kiến nghị.
Các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ những trường hợp ngư dân khó khăn, không còn nhà ở sau khi bị kê biên, thu hồi nhà, đất để trả nợ ngân hàng vì không có khả năng trả nợ, sau khi vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67; có ý kiến với ngân hàng, có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để giảm bớt khốn khó cho ngư dân.
Một vấn đề đáng chú ý khác mà ngư dân bày tỏ tại buổi đối thoại, đó là mong muốn cấp có thẩm quyền Quảng Ngãi quan tâm hỗ trợ kinh phí thường xuyên, để nạo vét thông luồng các cửa biển; nâng cấp vũng neo đậu tàu thuyền.
Cụ thể là ở khu vực cửa Lở, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức; vũng neo đậu tàu thuyền cho thôn Phước Thiện và thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn; luồng lạch ra vào Cảng neo trú tàu thuyền ở Cửa biển Mỹ Á... để tàu, thuyền được thuận lợi trong quá trình ra vào để đánh bắt, neo đậu trong mùa mưa bão.
Các cấp, các ngành có giải pháp ngăn chặn nạn đánh bắt bằng tàu giã cào; tạo điều kiện cho số ngư dân đang hành nghề (đánh bắt giã cào), đăng ký chuyển đổi sang hình thức, ngành nghề khác phù hợp với quy định của pháp luật….
Kiến nghị với cấp thẩm quyền T.Ư, tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa, nhằm giảm bớt một phần khó khăn để ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh và kiến nghị của ngư dân, phát biểu tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận, phát triển kinh tế biển nói chung, trong đó đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi.
Vì vậy các sở, ngành của Quảng Ngãi phải tham khảo ý kiến của Bộ NN&PTNT và các địa phương đã thực hiện như tỉnh Bình Định, để tạo điều kiện cho ngư dân được nhận hỗ trợ đúng chính sách theo quy định.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để bà con ngư dân nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật, tránh vi phạm vùng biển nước ngoài; phân tích cho ngư dân thấy rõ những ảnh hưởng, hệ lụy tiêu cực của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); hướng dẫn, định hướng cho ngư dân hiểu các chính sách và thựuc hiện các chính sách một cách đầy đủ, chính xác….
Cấp ngành của tỉnh cần quan tâm mở các lớp đào tạo, tập huấn, nhất là công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm cho ngư dân; trang bị và tập huấn cho ngư dân cách phòng, chống thiên tai, kỹ thuật sơ cứu ban đầu khi thuyền viên xảy ra thương tật, ốm đau; nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học, cán bộ quản lý trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Được biết toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 4.620 tàu cá, trong đó có gần 3.100 tàu dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi; tổng số lao động trực tiếp trên biển khoảng 37.000 người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.