Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là Tết đặc biệt, rất nhiều cảm xúc. Trong đó, những mất mát của nhiều gia đình chưa kịp nguôi ngoai; sự thiếu vắng người thân sum họp gia đình trong thời khắc thiêng liêng đã để lại nhiều nỗi buồn sau khi TP.HCM đã vượt qua cơn "bạo bệnh" do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tết năm nay, nhiều người dân, người lao động ở lại TP.HCM, không về quê đón Tết như mọi năm. Thành phố nhìn thấy trách nhiệm phải chăm lo cho người dân, người lao động nên số lượng người được chăm lo Tết trong năm nay tăng lên rất nhiều.
Ông Nên nhắc lại, TP.HCM xác định Tết năm nay là Tết tri ân. Toàn hệ thống chính trị TP.HCM, từng ngành, từng cấp đã chủ động lên kế hoạch, tổ chức Tết tri ân, chăm lo cho người dân đón Tết từ rất sớm.
Tất cả đã hoạt động hết mình không chỉ vì trách nhiệm mà còn là nghĩa cử, tình cảm của từng người. Từ đó, nhân dân có được một cái Tết bình an, đầm ấm, tri ân, nghĩa tình, chia sẻ và an toàn.
"Một cái Tết mà trước đó, chúng ta không dám nghĩ tới – bình yên và nghĩa tình, đầm ấm như thế, vì trước đó có nhiều nỗi lo quá!", Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay, TP.HCM đã trải qua một cái Tết bình yên. Nhưng sau Tết, một lần nữa mọi người lại hồi hộp, lo sợ về một đợt dịch mới bùng phát.
"Đến nay, báo cáo của Sở Y tế cho thấy số ca nhiễm Covid-19 có tăng, nhưng ca nặng, ca tử vong do Covid-19 vẫn ở mức thấp, thấp tới mức tôi cứ đọc tới đọc lui xem có đọc nhầm không. Mấy ngày nay, ca tử vong tiến về hướng số 0. Đó là kết quả rất đáng mừng", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Một tín hiệu rất đáng mừng nữa, đó là công nhân và người lao động quay trở lại TP.HCM sau Tết rất cao (trên 96%), chứng tỏ thành phố đã tạo một niềm tin cho người lao động yên tâm quay trở lại.
"Người dân không bỏ TP.HCM khi chúng ta có trách nhiệm với họ", ông Nên đúc kết.
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý thị trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giao thông… ổn định, được giữ vững. Tất cả những kết quả trên cho thấy công tác chăm lo Tết của TP.HCM đã tạo sự lan tỏa, cộng hưởng rất mạnh trong nhân dân, trong xã hội.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng đây là sức mạnh mới để TP.HCM hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 với tốc độ cao nhất.
Tiếp thu chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện đạt và vượt kế hoạch năm 2022 để tạo đà thắng lợi, hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.
UBND TP.HCM đã có kế hoạch làm việc với các ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức, để giao nhiệm vụ và sẽ hoàn thành trước 10/3.
Thời gian tới, UBND TP.HCM rà soát, củng cố lại các tổ công tác, vấn đề còn tồn đọng để phân nhóm, có kế hoạch giải quyết theo từng nhóm, từng quý nhằm tháo gỡ khó khăn.
Trong năm 2022, thành phố cố gắng khởi động lại và khép kín đường Vành đai 2; hoàn thiện pháp lý để khởi động đường Vành đai 3, đồng thời khởi động Vành đai 4; chạy thử Metro 1, khởi công Metro 2 và có thể thêm một số tuyến; hoàn thành pháp lý để triển khai chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch; triển khai dự án rạch Xuyên Tâm…
"Các dự án này cũng là mong mỏi của các thế hệ lãnh đạo và người dân TP.HCM. Năm 2022, thành phố khởi động để đến năm 2025 sẽ thực hiện được các công việc này", ông Phan Văn Mãi nói.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tổng kinh phí chăm lo Tết Nhâm Dần 2022 cho các đối tượng là hơn 1.062 tỷ đồng (tăng hơn 136 tỷ đồng so với Tết Tân Sửu 2021). Mức thưởng Tết bình quân tại TP.HCM là 8,88 triệu đồng/người, cao hơn 0,8% so với Tết Tân Sửu 2021 (8,81 triệu đồng/người).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.