Nhà nghiên cứu phê bình văn học PGS.TS Lưu Khánh Thơ đã bày tỏ như vậy khi chia sẻ cảm nhận về cuốn sách “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” tại buổi trò chuyện giới thiệu sáng tác mới của Nguyễn Quang Thiều do NXB Trẻ tổ chức chiều 20.4 tại Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Thành Chương
Theo PGS.TS Lưu Khánh Thơ, tác giả Nguyễn Quang Thiều là một người luôn luôn cách tân, luôn không ngừng tìm tòi thể nghiệm – một điều mà kể cả thích hay không thích Nguyễn Quang Thiều thì ai cũng phải thừa nhận. Và cuốn sách lần này cũng là một sự làm mới, làm khác.
“Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” gồm 25 chương là những ghi chép của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đặc biệt, sau mỗi phần ghi chép ấy là một phụ lục bằng một bài thơ. Cho dù hầu hết những bài thơ đã được viết từ lâu nhưng đều có một mối liên hệ đặc biệt với những ghi chép văn xuôi của ông. Cả phần văn xuôi và những phần phụ lục thơ đều được dựng lên trong một ngôn ngữ ám ảnh và những suy tưởng của nhà thơ về cuộc sống thế gian.
“Tôi thấy Nguyễn Quang Thiều phải chăng đã quá tham lam, vì có những điều bài thơ của anh đã diễn tả đầy đủ, quá ấn tượng rồi. Chỉ với câu thơ “Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi” trong “Bài hát về cố hương” đã nói được rất nhiều, cả những điều mà văn xuôi dường như bất lực. Nếu anh dừng sự tham lam ở cuốn này thì được, chứ nếu tiếp tục tham lam theo mạch này, tôi nghĩ sẽ không ổn” - PGS.TS Lưu Khánh Thơ chia sẻ.
Nhận xét thẳng thắn này được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vô cùng tâm đắc khi cho rằng đã nói đúng bản chất của ông. “Tôi là người tham lam, sự tham lam đôi khi thừa thãi, nhưng tôi tin, sự tham lam này chắc chắn chỉ tới một lần và không có lần sau nữa” – tác giả cuốn sách khẳng định.
Từ trái qua: TS.Đỗ Hải Ninh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, họa sĩ Lê Thiết Cương tại buổi trò chuyện quanh cuốn sách mới “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” chiều 20.4
Cũng nói về sự hòa quyện, hô ứng giữa thơ và văn xuôi trong tập Tiểu luận – Ghi chép của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái lại đưa ra cảm nhận: “Nguyễn Quang Thiều bắt đầu tư thơ, ào sang văn xuôi rồi trở lại chính là nhà thơ, đấy là cái đẹp nhất”. Tương tự, nhà văn Nguyễn Đình Chính cũng cho rằng giá trị trong tác phẩm mới nhất này của Nguyễn Quang Thiều chính là những bài thơ rất hay, hết sức khoan dung, nhân ái và không chút cực đoan.
Trong không khí gần gũi của buổi trò chuyện do họa sĩ Lê Thiết Cương và TS.Đỗ Hải Ninh dẫn dắt với đông đảo sự tham dự của bạn văn, bạn nghề, bản thân nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng thú nhận: “Đã viết truyện ngắn, tiểu thuyết nhưng tôi rời bỏ lâu rồi, giờ chọn thể loại thỏa mãn mình hơn nhưng gần ngôn ngữ thi ca hơn”. Và với Nguyễn Quang Thiều, “điều tuyệt vời nhất bây giờ là ngồi xuống viết như một số phận, một định mệnh”.
“Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” tập hợp 25 bài viết là 25 ghi chép - tiểu luận của Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ám ảnh khó quên trong cuộc đời mấy chục năm qua của ông về những chuyến đi, những vùng đất xa lạ trên thế giới cũng như những con người với nhiều quốc tịch khác nhau. Cuối mỗi bài viết còn có phụ lục là một bài thơ của chính tác giả.
Nguyễn Quang Thiều sắm vai một người kể chuyện, kể một cách thâm trầm mà cũng day dứt về quê hương nơi có ngôi nhà người ông cất công xây nên, người bà bị bại liệt, cậu bé mộng du đi tận sát mép nước, người lính bao nhiêu năm chưa về quê mẹ, người thổi kèn lá dứa, hội tắm sông trăng, người đầu bếp cho quân đội Pháp; về nước Anh nước Mỹ xa xôi nơi có ngôi nhà sáng tác trên ngọn đồi quanh năm không ngưng gió, người cựu binh mang trong lòng mối tình cảm không thành với một cô công nhân xây dựng Việt Nam, một thi sĩ bán thơ dạo trên phố; hay về một chuyến đi không chắc có ngày trở về. Đan xen giữa các câu chuyện là những giấc mộng - chính là những giày vò, những suy ngẫm và cả sợ hãi và cô đơn đang vây bủa, bắt ông trả lời một câu hỏi khó: “Đời sống mi đang sống có thực sự là một đời sống?”
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.