Bị truy thu 148 tỷ đồng, Nguyễn Kim đòi khiếu nại lên Tổng cục Thuế

Quốc Hải - Thiên Anh Thứ ba, ngày 10/07/2018 12:30 PM (GMT+7)
Trước thông tin bị Cục thuế TP.HCM ra quyết định truy thu, phạt với tổng số tiền hơn 148 tỷ đồng, lãnh đạo siêu thị điện máy Nguyễn Kim cho rằng đang làm việc với Cục thuế TP.HCM và sẵn sàng khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính nếu cần thiết.
Bình luận 0

img

Người dân mua sắm tại Nguyễn Kim (Ảnh: IT)

Trước đó, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Nam Bình đã ký Quyết định 3506/QĐ-CT xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim (Điện máy Nguyễn Kim). Theo quyết định này, Cục thuế TP cho rằng Điện máy Nguyễn Kim đã "lách" thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nên bị truy thu hơn 104,7 tỷ đồng, phạt hơn 19,4 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 24,1 tỷ đồng. Tổng cộng, Điện máy Nguyễn Kim phải nộp ngân sách gần 150 tỷ đồng.

Nguyễn Kim "trốn” thuế như thế nào?

Theo tìm hiểu, cách thức “lách” thuế thu nhập cá nhân của Nguyễn Kim đã xảy ra trong giai đoạn từ 2012 - 2016. Trong thời gian này, nhân viên Nguyễn Kim đã ủy quyền cho công ty quyết toán thuế, song doanh nghiệp (DN) này đã "lách" thuế TNCN bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ.

Cụ thể, với thành viên giữ vị trí tổng giám đốc và phó tổng giám đốc cao cấp, mức lương của các vị trí này vào khoảng 300 triệu đồng/tháng. Nếu căn cứ vào biểu thuế lũy tiến từng phần thì số thuế TNCN phải nộp hàng tháng lên đến 95,15 triệu đồng, nhưng Nguyễn Kim chỉ tính thuế trên phần lương cơ bản là 30 triệu đồng. Phần chênh lệch 270 triệu đồng/tháng được chuyển sang tiền tăng ca. Do vậy, số tiền nộp thuế thu nhập cá nhân còn lại không đáng bao nhiêu.

Tương tự, với chức danh giám đốc và phó giám đốc trung tâm, số tiền lương thực lãnh vào khoảng 45 - 55 triệu đồng/tháng nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 12 triệu đồng/tháng, số tiền chênh lệch 33 - 43  triệu đồng được chuyển thành lương tăng ca để né thuế.

Với các chức danh trưởng phòng trực tiếp (32 người), trưởng phòng gián tiếp (98 người) có mức lương từ 16 đến 18,5 triệu đồng cũng được áp dụng lương cơ bản để tránh thuế TNCN.

Ngoài ra, các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm của hàng ngàn nhân viên siêu thị điện máy này cũng được Nguyễn Kim chuyển thành lương ngoài giờ để trốn thuế phần chênh lệch.

Được biết, Nguyễn Kim có trên 5.000 lao động. Trong đó, các chức danh như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc cao cấp (9 người), giám đốc trung tâm 36 người, phó giám đốc trung tâm 15 người, trưởng phòng trực tiếp 32 người, trưởng phòng gián tiếp 98 người, chuyên viên chuyên trách 337 người.

Liên quan đến việc truy thu thuế của Cục thuế TP.HCM, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với bộ phận truyền thông của Điện máy Nguyễn Kim thì đều không nhận được câu trả lời. Trong khi đó, trả lời báo chí thì ông Nguyễn Văn Kim - Chủ tịch HĐQT Điện máy Nguyễn Kim, cho rằng đang làm việc với Cục thuế TP.HCM và sẵn sàng khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính nếu cần thiết.

Cục thuế nói gì?

Liên quan đến quyết định truy thu thuế với Nguyễn Kim, ông Lê Duy Minh, Cục Phó Cục Thuế TP.HCM, cho rằng: "Căn cứ vào Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì Cục Thuế TP.HCM đã phải có trách nhiệm truy thu. Tuy nhiên, Nguyễn Kim cũng đang có văn bản xin ý kiến Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, vì thế nếu hai cơ quan này có ý kiến khác thì Cục thuế TP.HCM sẽ xem xét".

“Trước mắt Cục thuế TP.HCM vẫn ra quyết định xử lý theo đúng quy trình. Theo đó, 10 ngày sau khi Cục thuế ra quyết định (ngày ra quyết định là ngày 29.6), Nguyễn Kim sẽ phải nộp số tiền này gần 150 tỷ đồng vào ngân sách”, ông Minh nói thêm.

Liên quan đến vấn đề có hình thức xử lý khác với Nguyễn Kim hay không ngoài việc chỉ phạt hàng chính? Ông Minh cho biết, qua xem xét hồ sơ giấy tờ thì có thể thấy Nguyễn Kim kê khai không đúng nhưng vẫn thể hiện thu nhập chi trả cho nhân viên trên sổ sách kế toán chứ không có hành vi che giấu, giả mạo hay để ngoài sổ sách. Do vậy Cục thuế TP.HCM chỉ xử phạt về hành vi kê khai sai chứ không xử lý về tội trốn thuế, vì thế DN này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, Luật sư - Tiến sỹ Bùi Quang Tín, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thì cho rằng, Điều 200 của Bộ luật Hình sự mới quy định về tội trốn thuế, về mặt chủ quan thì cá nhân hay pháp nhân trốn thuế phải có tính cố ý, hoặc phải có hành vi gian dối. Cho nên phải xem xét Nguyễn Kim về mặt chủ quan thì tính cố ý tới đâu, cố ý hay vô ý, có gian dối hay không. Việc chứng minh này chỉ có cơ quan Cảnh sát Điều tra chứng minh được qua các hồ sơ sổ sách.

“Hiện nay thì pháp luật của chúng ta đã cởi mở hơn rồi, so với Bộ luật Hình sự cũ thì Bộ luật Hình sự mới quy định khi xét về mặt xử phạt, cá nhân vi phạm điều 200 của Bộ luật Hình sự mới thì có thể lựa chọn giữa bị phạt tiền, số tiền với cá nhân trốn thuế hơn 1 tỷ thì có thể bị phạt tối đa 4,5 tỷ hoặc chọn bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Riêng với pháp nhân vi phạm thì số tiền phạy tối đa là 10 tỷ hoặc bị tạm ngưng hoạt động tối đa là 3 năm”, ông Tín nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem