Biến cây tre, cây luồng thành đồ gia dụng bình dân gây thương nhớ, nông dân Thanh Hóa hốt bạc
Biến cây tre làng thành "toàn đồ nhà quê" thủa nghèo khó, ai ngờ anh nông dân Thanh Hóa lãi 300 triệu/năm
Vũ Thượng
Thứ hai, ngày 28/02/2022 13:05 PM (GMT+7)
Bằng đôi bàn tay khéo léo, chàng trai 8X Lê Văn Thành (xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), đã làm các vật dụng như: Bàn ghế, xích đu, rổ, rá,…từ thân cây tre, luồng mua trong rừng về. Sản phẩm của chàng trai 8X "chế" đến đâu, bán hết đến đó, trừ mọi chi phí thu lời gần 300 triệu đồng/năm.
Hướng đến các sản phẩm từ tre thân thiện với môi trường
Với sự ra đời và phát triển của nhiều vật dụng trong đó có Đồ sắt, nhựa…thì các vật dụng làm từ thân cây tre, luồng đang được sử dụng phổ biến và gắn liền với cuộc sống hằng ngày của các gia đình Việt từ xưa đến nay.
Clip: 8X Thanh Hóa Lê Văn Thành (xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) khởi nghiệp từ việc "chế tạo" các sản phẩm từ thân cây tre, luồng thu 300 triệu/năm
Các vật dụng như: Bàn ghế, xích đu, rổ, rá, giường tre,…làm từ thân cây tre, luồng vẫn giữ nguyên giá trị, được nhiều người yêu thích bởi sự an toàn, bền, đẹp và thân thiện với môi trường.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, chàng trai 8X Lê Văn Thành chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Như Xuân, nên từ lúc nhỏ đã được xem ông, bố lên rừng chặt tre, luồng về làm các vật dụng để cả gia đình sử dụng".
"Năm 2006, tôi bắt đầu vay tiền, mua máy cắt, đục, khoan, cưa…và vào rừng chọn mua cây tre, luồng để về khởi nghiệp. Để tạo nên các vật dụng từ thân cây tre, luồng bền lâu, trước tiên phải chọn cây già, khi đưa về nhà luộc qua khoảng 24 tiếng nhằm giúp các vật dụng khi làm ra không bị mối mọt, gây hư hỏng".
Theo quan sát, các sản phẩm chàng trai 8X làm ra luôn hướng tới thân thiện với môi trường. Đồng thời, luôn đảm bảo tính thẩm mỹ cao, được nhiều người dân mua về sử dụng, trang trí quanh nhà.
Chàng trai 8X tâm sự, cứ một cây tre, luồng do chính tay tôi vào rừng chọn mua của các hộ dân với giá từ 30.000-40.000 đồng/cây. Sau khi về xử lý qua thì tiến hành các công đoạn, cắt, đục, ghép…
Khi thành sản phẩm tôi thường bán như: Bàn ghế, xích đu giá từ 5.000.000-10.000.000 đồng/bộ; rổ, rá…từ 50.000-100.000 đồng/bộ tùy từng loại. Đôi khi khách hàng phải đặt trước mới có sản phẩm đem về sử dụng.
Cơ sở sản xuất đồ gia dụng từ cây tre, cây luồng ngày càng phát triển
Với quan điểm của chàng trai Lê Văn Thành, các sản phẩm làm ra không chạy theo xu hướng thị trường, mà cố gắng giữ nguyên cách làm thủ công truyền thống.
Hầu hết các sản phẩm của cơ sở đều được làm từ phương pháp thủ công 100%, mang màu sắc tự nhiên. Cùng với đó, chàng trai 8X tích cực nghiên cứu, mày mò, học hỏi kinh nghiệm trên phương tiện thông tin đại chúng để nâng tầm sản phẩm.
Ngoài các đơn đặt hàng, Lê Văn Thành còn làm trang trí thêm cho các quán cafe, nhà hàng…Hiện, các sản phẩm cơ sở Thành làm ra được phân phối trên thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Nghệ An, Hà Nội.
Để có thêm kinh phí mở rộng cơ sở sản xuất, năm 2021, Lê Văn Thành được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Xuân cho vay 100 triệu đồng, từ nguồn vốn này anh tiếp tục mua sắm máy móc, mua thêm nguyên liệu để sản xuất.
Chàng trai 8X Lê Văn Thành bộc bạch: "Sau khi khảo sát, nắm bắt thị trường về các vật dụng làm từ thân cây tre, luồng thân thiện với môi trường, nhiều người ưa chuộng vì thế tôi càng yên tâm đầu tư".
Qua chia sẻ của Lê Văn Thành, trừ chi phí bình quân năm cơ sở thu lời gần 300 triệu đồng từ việc bán các vật dụng làm bằng cây tre, luồng. Bên cạnh đó, Thành đang tạo việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương, thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.